Khó khăn trong khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển và bồi lấp cửa sông

Mùa mưa lũ năm nay đang cận kề, nhưng tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển và bồi lấp cửa sông ở Bình Định diễn ra nhiều điểm và phức tạp mà chưa có hướng khắc phục triệt để.

Kè Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) mới xây dựng đã bị sóng đánh gây sạt lở. Ảnh: NP

Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 điểm sạt lở bờ biển và đê kè đã xây dựng với tổng chiều dài 7.812m, tại huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ và TP Quy Nhơn. Trong đó hư hỏng đê kè 1.192m và sạt lở bờ biển 6.620m.

Địa phương có nhiều điểm sạt lở nhiều nhất là huyện Phù Mỹ với 4 xã Mỹ Đức, Mỹ Thắng, Mỹ An và Mỹ Thành; gồm tổng chiều dài bị sạt lở là 3.900m; làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của 2.520 hộ dân.

Tại huyện Phù Cát, sạt lở xảy ra tại khu vực thôn An Quang, xã Cát Khánh, với chiều dài trên 520m, làm ảnh hưởng đến 550 hộ dân.

Riêng năm 2015 và 2017, sạt lở mạnh nhất làm ngã đổ một số diện tích cây phi lao, sóng biển xâm nhập vào đất liền có nơi trên 70m. Khu vực xã Cát Tiến có hiện tượng biển xâm thực mạnh tại thôn Trung Lương trên chiều dài 500m, ảnh hưởng đến 495 hộ dân đang sinh sống xung quanh.

Nhiều cửa sông bị bồi lấp nên tàu thuyền đi lại rất khó khăn. Ảnh: NP

Trên địa bàn TP Quy Nhơn, bờ biển xã Nhơn Hải bị sạt lở và đang tiếp diễn với chiều dài 1.200m, ảnh hưởng đến 160 hộ dân.

Nghiêm trọng nhất là đê kè xã Nhơn Lý đoạn qua thôn Lý Chánh, Lý Hòa được xây dựng hoàn thành vào năm 2014 thì mùa mưa bão năm này đã gây sạt lở phần mái kè; đến các năm 2015 - 2016 phần chân kè bị sạt lở; tỉnh đã chỉ đạo tiếp tục xử lý tạm bằng biện pháp đổ đá hộc.

Qua kiểm tra mới đây, kè có nguy cơ sự cố trong mùa bão lũ sắp đến; đe dọa làm sụp đổ 60 căn nhà của dân đang ở.

Về tình hình bồi lấp cửa sông: Cửa Tam Quan là nơi neo đậu, tránh trú bão thường xuyên cho 1.400 tàu thuyền, nhưng luồng dẫn vào thường xuyên bị bồi lấp nghiêm trọng làm tàu thuyền ra vào bị mắc cạn, va đập.

Từ năm 2010 đến nay, đã có 8 tàu bị mắc cạn và bị sóng đánh chìm; 14 tàu khác cũng bị mắc cạn, gãy chân vịt, bánh lái khi ra vào cửa biển này; hoạt động giao thông đường thủy, đánh bắt hải sản và tránh trú bão bị ảnh hưởng nặng nề.

Cửa An Dũ không ổn định, bị bồi lấp làm cho tàu thuyền ra vào khó khăn; cản trở thoát lũ gây ngập lụt khu vực ven sông Lại Giang.

Ở hạ lưu sông Kôn tại cửa sông Đại An, Gò Bồi và hạ lưu sông Hà Thanh, tình trạng bồi lấp khá nghiêm trọng làm gia tăng ngập lụt ven các sông trên...

Nạn khai thác cát trộm là một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông. Ảnh: NP

Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương quản lý, khai thác và bảo vệ các cồn cát ven biển để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tỉnh đã hỗ trợ kinh phí nạo vét các cửa sông, đặc biệt là cửa Tam Quan và Đề Gi, chủ động mở cửa An Dũ để thoát lũ...

Tuy nhiên, nguồn ngân sách địa phương rất khó khăn, không thể khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển và bồi lấp cửa sông. Đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí kịp thời để tỉnh có đủ điều kiện khắc phục, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân trong khu vực.

N. Phó

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/kho-khan-trong-khac-phuc-sat-lo-bo-song-bo-bien-va-boi-lap-cua-song_t114c1159n139042