Khó khăn trong khôi phục đàn lợn để phát triển chăn nuôi

Sau đại dịch tả lợn châu Phi, nhiều trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc khôi phục sản xuất chăn nuôi, nhất là tái phát triển đàn lợn thịt trên địa bàn.Ông Trương Quý Sang - Chủ trang trại chăn nuôi lợn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế: Trang trại gia đình hiện đang duy trì 35 lợn nái và 350-370 lợn thịt, lợn con các loại. Trang trại đang cải thiện dần các điều kiện về an toàn sinh học cho nên giữ được đàn cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Bây giờ thị trường lợn đang có dấu hiệu phục hồi rất tốt và bà con đang muốn tái đàn. Tuy nhiên để tăng quy mô chăn nuôi đòi hỏi phải khắc phục những tồn tại về dịch bệnh xảy ra để tránh rủi ro. Ông Phan Văn Lự - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế: Đối với vấn đề khó khăn sau dịch tả lợn châu Phi đó là con giống thiếu, giá cao, an toàn dịch bệnh không đảm bảo. Huyện khuyến cáo chỉ khi nào đầy đủ các điều kiện về an toàn dịch bệnh mới tái đàn.Ông Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế: Huyện đã tổ chức cho bà con nông dân tham quan, học tập mô hình, đồng thời tổ chức xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi. Mô hình chăn nuôi của tập đoàn Quế Lâm là một mô hình chăn nuôi rất an tòn, hiệu quả. Trong các đợt dịch bệnh vừa qua, các hộ gia đình áp dụng theo mô hình này đều không bị mắc dịch bệnh. Huyện cũng vận động bà con duy trì nuôi lợn theo quy trình khép kín, chăn nuôi an toàn sinh học.

Quảng Điền là địa phương thuần nông, ngoài trồng lúa còn lại người dân chủ yếu dựa vào nuôi trồng thủy sản và phát triển kinh tế trang trại, trong đó chủ yếu là chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, chưa có lúc nào các trang trại, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện lại đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Đến thời điểm này, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện và bùng phát tại 11 xã/thị trấn trên địa bàn huyện, khiến cho lợn mắc bệnh chết và buộc phải tiêu hủy trên 12.075 con, với trọng lượng hơn 800 tấn. Trong lúc đó, mầm móng, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn, rình rập.

Trên địa bàn huyện Quảng Điền có 79 trang trại, tập trung chủ yếu ở vùng cát nội đồng thuộc các xã Quảng Lợi, Quảng Thái và Quảng Vinh. Để tháo gỡ những khó khăn trong việc tái đàn, UBND huyện Quảng Điền đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm đưa ra một số giải pháp để giúp cho người chăn nuôi tìm được lối thoát và hướng tới mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và phát triển bền vững, gắn việc nghiên cứu xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi lợn hữu cơ.

Phát triển kinh tế trang trại, trong đó có chăn nuôi lợn không chỉ khẳng định hiệu quả kinh tế mà còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn trên địa bàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được đẩy lùi, các trang trại trước khi tái đàn phải tuân thủ các quy định về chăn nuôi an toàn và phải theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng nhằm hạn chế rủi ro do dịch bệnh gây ra, bảo đảm sản xuất an toàn, bền vững.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/kho-khan-trong-khoi-phuc-dan-lon-de-phat-trien-chan-nuoi