Khó khăn vật liệu, Chính phủ đề xuất kéo dài cơ chế đặc thù

Do hầu hết dự án đều gặp khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là cát đắp nền ở đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến hết năm 2024.

Giải phóng mặt bằng đạt 91%, thi công đạt 9,7%

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất (Nghị quyết số 44/2022/QH15).

Thi công cao tốc đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ. Nguồn: Tạp chí Giao thông

Dự án có tổng chiều dài khoảng 729km, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km); quy mô đầu tư phân kỳ 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng và được chia thành 12 dự án thành phần. Tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.

Trong Báo cáo 487/BC-CP về tình hình thực hiện dự án vừa gửi tới Quốc hội, Chính phủ cho biết, 12 dự án thành phần được chia thành 25 gói thầu xây lắp giá trị từ 3.000 - 8.000 tỷ đồng và thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. 14 gói thầu đã khởi công đồng loạt vào ngày 1.1.2023; 11 gói còn lại đã khởi công từ 15.1 đến 19.2.2023.Đến nay, giá trị sản lượng hoàn thành toàn dự án đạt 9.304 tỷ đồng (khoảng 9,7% giá trị hợp đồng) cơ bản bám sát kế hoạch đề ra.

Tính đến ngày 10.9, các địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao 657,06/721,25km, đạt 91%. Dự án phải bố trí tái định cư cho 5.806 hộ dân tại 150 khu, gồm 147 khu xây dựng mới và 3 khu đã có sẵn. Hiện nay, các địa phương đã hoàn thành 56 khu tái định cư; đang thi công 91 khu, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ hoàn thành.

Chính phủ cũng đã giao tổng số vốn trong kế hoạch hàng năm cho các dự án thành phần là 54.747 tỷ đồng (năm 2022 là 9.521 tỷ đồng; năm 2023 là 45.226 tỷ đồng). Đến hết tháng 8.2023, dự án giải ngân được 35.920/54.747 tỷ đồng đạt khoảng 65,6% kế hoạch giao.

Khó hoàn thành thủ tục mở mỏvật liệu mới trong năm 2023

Liên quan đến các khó khăn trong triển khai dự án, Chính phủ cho biết, giải phóng mặt bằng vẫn là khâu phức tạp nhất, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án và cần ưu tiên thực hiện trước một bước để bảo đảm tiến độ thi công. Phần mặt bằng còn lại tuy không lớn, chỉ chiếm 9%, nhưng tập trung chủ yếu tại khu vực đất ở (vướng mắc xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường, chưa hoàn thành khu tái định cư…) và các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời (công tác di dời đường điện cao thế có kỹ thuật phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị).

Đặc biệt, các dự án đều đang gặp khó khăn về nguyên vật liệu, nhất là nguồn đất và cát đắp nền. Cụ thể, 10 dự án thành phần đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa cần khoảng 9,93 triệu mét khối cát. Trong đó 4,74 triệu mét khối được sử dụng từ 77 mỏ đang khai thác và phải nâng công suất khai thác mới đáp ứng nhu cầu; đồng thời cần khai thác 4,72 triệu mét khối từ 14 mỏ mới. Các dự án này cũng cần khoảng 49,55 triệu mét khối đất. Trong đó 2,7 triệu mét khối được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác; 46,85 triệu mét khối còn thiếu cần khai thác từ 74 mỏ mới.

Hai dự án thành phần đoạn từ TP. Cần Thơ đến Cà Mau không thiếu nguồn đất đắp nhưng thiếu cát đắp nền trầm trọng. Năm 2023, nhu cầu cát đắp nền của 2 dự án này là 9,1 triệu mét khối. Trong đó, An Giang thống nhất bố trí cho dự án 3,3 triệu mét khối và đã giao 1,1 triệu mét khối từ 4 mỏ đang khai thác. Nhà thầu đã ký hợp đồng với 2/4 mỏ, tuy nhiên từ cuối tháng 7.2023 đến nay đã tạm dừng do 1 mỏ tỉnh thu hồi giấy phép, 1 mỏ doanh nghiệp bị khởi tố, điều tra. Đối với 2 mỏ còn lại chưa ký hợp đồng thì 1 mỏ tỉnh đã thu hồi giấy phép, 1 mỏ chưa thể cung cấp.

Tỉnh Đồng Tháp cũng đã thống nhất bố trí đủ cho dự án 7 triệu mét khối cát. Trong đó, dự án đã lấy được 0,371 triệu mét khối từ nguồn tăng công suất và dự kiến cấp thêm 1,3 triệu mét khối từ các mỏ đang khai thác. Đối với khối lượng còn lại đã giao cho nhà thầu 6 mỏ, dự kiến khai thác trong năm 2023 được 1,9 triệu mét khối, hiện các nhà thầu đang hoàn thiện thủ tục.

Đối với các dự án thành phần khu vực đồng bằng sông Cửu Long, toàn bộ tuyến qua khu vực đất yếu, phải xử lý nền đường và gia tải chờ lún, thời gian hoàn thành phụ thuộc rất lớn vào khả năng cung cấp vật liệu cát đắp. “Nếu các địa phương không đẩy nhanh thủ tục khai thác, cung cấp cát cho dự án, bảo đảm để các nhà thầu hoàn thành thi công đắp nền đường xong trước tháng 6.2024 thì rất khó hoàn thành tiến độ, do phải chờ lún từ 12 - 16 tháng”, Chính phủ cho biết.

Theo đánh giá của Chính phủ, việc triển khai các thủ tục nâng công suất mỏ, giao mỏ mới cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù của các địa phương còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. Các thủ tục về đất đai, thủ tục mở mỏ mới kéo dài và sẽ khó hoàn thành các thủ tục mở mỏ mới trong năm 2023. Trong khi đó, Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định chỉ được áp dụng cơ chế đặc thù khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong 2 năm 2022 và 2023. Vì vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù này đến hết năm 2024.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/kho-khan-vat-lieu-chinh-phu-de-xuat-keo-dai-co-che-dac-thu-i345455/