Khó lường các số liệu tăng trưởng GDP Trung Quốc?

Một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu kinh tế tại Đại học Trung Quốc (Hồng Kông) và Đại học Chicago (Mỹ) cho thấy Trung Quốc đã thổi phồng số liệu GDP trung bình 1,7% mỗi năm từ năm 2008 đến 2016.

Trong một dự thảo được xuất bản bởi Viện Brookings, các tác giả cho rằng sự khác biệt này đến từ chính quyền địa phương, những người cần được lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh khen thưởng vì đã đạt được những mục tiêu tăng trưởng và đầu tư. Theo các tác giả Wei Chen, Xilu Chen, Chang-Tai Hsieh and Zheng Song, Cục Thống kê Quốc gia có trụ sở tại Bắc Kinh là cơ quan đã chỉnh sửa các chỉ số từ các địa phương, nhưng từ sau năm 2008 họ đặc biệt không kiểm soát được tình hình.

Con số GDP bị bóp méo được xây dựng như thế nào?

Các nhà nghiên cứu cho biết, từ sau năm 2008, các số liệu thống kê từ địa phương ngày càng không chính xác, nhưng không có bất cứ sự thay đổi nào từ phía Cục Thống kê Quốc gia. Thay vào đó, Cục này sử dụng các con số như doanh thu thuế, tiêu thụ điện hàng vận chuyển qua xe lửa, xuất khẩu và nhập khẩu…, vốn ít khả năng bị làm giả hơn, để dự đoán GDP ở mức chấp nhận được của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tăng trưởng thực của kinh tế Trung Quốc đang bị đặt dấu hỏi.

Tăng trưởng thực của kinh tế Trung Quốc đang bị đặt dấu hỏi.

Ngoài ra, họ đã tiến hành nhiều biện pháp để tránh các số liệu thống kê sai lệch bằng cách thu thập dữ liệu trực tiếp từ các tập đoàn. Năm 2018, người đứng đầu văn phòng thống kê đã tuyên bố rằng từ năm 2019, Văn phòng sẽ bắt đầu tính GDP của 31 khu vực trong nước.

Những con số "được chỉnh sửa" chỉ ra rằng sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc từ năm 2008 nghiêm trọng hơn với những con số được đề xuất của số liệu thống kê chính thức.

GDP của Trung Quốc từ lâu đã bị chỉ trích vì tăng trưởng quá mức hoặc dưới mức ước tính, hoặc để xoa dịu các biến động trong các hoạt động kinh tế. Các nhân vật lãnh đạo của chính quyền địa phương, với mong muốn đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế để nâng cao cơ hội thăng tiến của chính mình, đã từng báo cáo số liệu GDP sai lệch cao hơn 10% so với số liệu chính thức.

Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Economics, cho biết, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã có những nỗ lực thực sự để giảm bớt những tác động của việc phóng đại các chỉ số từ địa phương kể từ những năm 1990 và lập luận về việc các quan chức địa phương phóng đại các khoản đầu tư có vẻ không ăn nhập với câu chuyện chi tiêu vốn của Trung Quốc tăng mạnh. Các tác giả dựa trên ước tính tỷ lệ GDP "thực sự" trên doanh thu thuế nhưng điều này có thể phản ánh một lĩnh vực dịch vụ lớn hơn và cũng không nên coi chính xác hơn các số liệu chính thức.

Đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ tăng mạnh

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, năm 2018, mức chi cho nghiên cứu khoa học của Trung Quốc là 1,96 nghìn tỷ Nhân dân Tệ (291,58 tỷ USD), tăng 11,6% so với mức chi năm 2017 và chiếm 2,18% tổng GDP của cả nước. Còn số liệu của OECD thì cho thấy Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách chi tiêu với thế giới về khoa học và công nghệ trong những thập kỷ gần đây. Nghiên cứu khoa học chỉ chiếm 0,893% GDP năm 2000 và đến năm 2017 đã tăng lên 2,129% GDP. Cũng trong giai đoạn đó, chi tiêu nghiên cứu khoa học của Mỹ tăng từ 2,629% lên 2,788% GDP. Năm 2013, quy mô ngân sách của Trung Quốc đã vượt 28 nước Châu Âu và hiện nay, chi tiêu cho nghiên cứu khoa học của Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ.

Những năm gần đây, Trung Quốc tỏ rõ tham vọng trở thành cường quốc thế giới về công nghệ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng khẳng định khoa học - công nghệ là một trong những mặt trận chính của nền kinh tế. Chiến lược "Made in China 2025" cũng nằm trong chủ trương đó. Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc có kế hoạch nâng cấp ngành sản xuất và đẩy mạnh phát triển công nghệ. Chính phủ sẽ tiếp thêm nguồn lực tài chính và nguyên vật liệu cho các nhà khoa học, cắt giảm thủ tục quan liêu để họ có thể tập trung vào công tác nghiên cứu.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học Trung Quốc, chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản ở Trung Quốc vẫn tụt hậu xa so với Mỹ. Ngân sách cho lĩnh vực này ở mức 111,8 tỷ Nhân dân tệ năm 2018, chỉ chiếm 5 - 5,6% tổng ngân sách chi cho nghiên cứu khoa học nói chung trong vòng hơn 10 năm qua. Trong khi đó, mức chi cho nghiên cứu cơ bản của Mỹ là 18% và 15 - 20% ở các nước mạnh về sáng tạo công nghệ khác.

Đại biểu Quốc hội Trung Quốc Tong Jinna, Giáo sư Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc, mới đây tại kỳ họp Lưỡng hội, cho biết, một phần lớn ngân sách nghiên cứu phát triển của Trung Quốc được dành cho nghiên cứu khoa học ứng dụng, điều này quá đặt nặng kết quả trước mắt; sẽ không thể đạt kỳ tích nếu không đầu tư đủ nguồn lực cho nghiên cứu cơ bản. Giới khoa học trong nước kêu gọi Trung Quốc, vốn vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu các công nghệ cốt lõi, đề ra một chiến lược lâu dài cho nghiên cứu cơ bản, thành lập nhóm đặc trách gồm đại diện Bộ Khoa học Công nghệ, các cơ quan nghiên cứu, xây dựng một kế hoạch chỉ đạo từ trên xuống cho công tác nghiên cứu. Một đại biểu khác, Zhao Jindong của Viện Khoa học Trung Quốc, kêu gọi chính phủ tin tưởng hơn vào các nhà khoa học trong nước, tạo điều kiện cho họ nghiên cứu khám phá những vấn đề mới thay vì tập trung vào những kết quả trước mắt./.

Hoài Nam

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kho-luong-cac-so-lieu-tang-truong-gdp-trung-quoc-20190408163117724.htm