Kho ngoại quan - Những nguy cơ tiềm ẩn

Hoạt động kho ngoại quan (KNQ) là hình thức phổ biến trong thương mại quốc tế. Tại Việt Nam, hoạt động này khá phát triển với nhiều KNQ được thành lập và cấp phép, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm, một số tỉnh giáp biên giới phía Bắc. Bên cạnh những doanh nghiệp chấp hành pháp luật, vẫn có không ít trường hợp lợi dụng danh nghĩa XNK hàng hóa theo loại hình KNQ để thực hiện hành vi vi phạm, đòi hỏi cơ quan chức năng phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả.

Bài 1: Hàng kho ngoại quan nhưng người nhận trong nội địa

Về mặt nguyên tắc, hàng hóa gửi KNQ sẽ được làm thủ tục nhập theo loại hình KNQ (C11) sau đó được xuất ra nước ngoài. Tuy nhiên, một số vụ việc được lực lượng kiểm soát Hải quan bắt giữ gần đây có thông tin hết sức bất ngờ khi người nhận hàng có địa chỉ ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương…

Xì gà trong lô hàng xuất xứ từ Đức làm thủ tục C11 do Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài bắt giữ ngày 22/5/2019. Ảnh: T.Bình

Xì gà trong lô hàng xuất xứ từ Đức làm thủ tục C11 do Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài bắt giữ ngày 22/5/2019. Ảnh: T.Bình

Lợi dụng KNQ nhập hàng nghìn kg hàng hóa để gian lận, trốn thuế

Thực hiện kế hoạch công tác năm 2019 trên tuyến hàng không tại sân bay quốc tế Nội Bài, Tổ công tác số 2 thuộc Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc- Đội 1 (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) phát hiện Công ty TNHH MMI Trading Vina (địa chỉ: Phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đăng ký mở tờ khai theo loại hình nhập KNQ (C11) cho các mặt hàng tiêu dùng từ châu Âu, châu Á về Việt Nam nhằm mục đích gian lận, trốn thuế, trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Một công chức trực tiếp xử lý vụ việc cho biết: Mặc dù Công ty TNHH MMI Trading Vina mới thành lập tháng 2/2019 nhưng chỉ trong thời gian ngắn (đến cuối tháng 7/2019), với cùng một vận đơn, Công ty này đã mở nhiều tờ khai tại hai chi cục thuộc Cục Hải quan Lạng Sơn. Theo nguồn tin, hàng hóa trong các tờ khai này được mua gom và được Công ty TNHH MMI Trading Vina lợi dụng loại hình nhập khẩu KNQ gian lận, trốn thuế, trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng sau đó đưa vào tiêu thụ nội địa, không tiến hành mở tờ khai xuất khẩu ra nước ngoài theo quy định.

Sau khi củng cố nguồn tin, tổ chức xác minh, Đội 1 tiến hành kiểm tra 12 lô hàng mở theo loại hình C11 của Công ty TNHH MMI Trading Vina. Đáng chú ý, trong 12 lô hàng chỉ có 2 lô khai báo đúng, trong khi có tới 10 lô khai báo không đúng thực tế, với tổng trọng lượng hàng hóa lên đến hàng nghìn kg. Trong đó, hàng hóa có rất nhiều chủng loại hàng tiêu dùng nước ngoài. Đặc biệt, sau khi cơ quan Hải quan khám xét, phát hiện vi phạm và mời đại diện doanh nghiệp đến làm việc nhưng đại diện doanh nghiệp không đến làm việc, không cung cấp các giấy tờ liên quan đến hàng hóa.

Vụ việc đã được Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan chuyển Cục Hải quan Hà Nội xử lý theo quy định. Theo thông tin mới nhất từ Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã buộc tái xuất toàn bộ hàng hóa vi phạm tại cửa khẩu nhập và xử phạt vi phạm hành chính.

Khoản 4 Điều 85 Nghị định 08/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “4. Hàng hóa sau đây không được gửi kho ngoại quan: a. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc tên gọi xuất xứ Việt Nam; b. Hàng hóa gây nguy hiểm cho người hoặc ô nhiễm môi trường; c. Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Ngoài hàng hóa quy định tại các điểm a, b và c Khoản 4 Điều này, căn cứ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định Danh mục hàng hóa nhập khẩu được gửi kho ngoại quan”.

Bất thường ở những kiện hàng từ Đức

Ngày 22/5/2019, tại khu vực giám sát hải quan của kho hàng NCTS tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, Đội 1 phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) kiểm tra một lô hàng vận chuyển theo đường hàng không từ Đức về sân bay quốc tế Nội Bài.

Lô hàng do Công ty TNHH Thương mại XNK APT Việt Nam- mã số thuế 4900810300 (trụ sở tại phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) mở tờ khai hải quan theo loại hình gửi KNQ tại một chi cục thuộc Cục Hải quan Lạng Sơn.

Hàng hóa khai báo gồm 3 mục là: Kem đánh răng hiệu Aktiv, mới 100%; dầu gội Loves loại 350 ml/chai, mới 100%; bộ quần áo nỉ của nam (người lớn) hiệu DIORRO mới 100%.

Tuy nhiên, qua các biện pháp nghiệp vụ, Đội 1 phát hiện dấu hiệu nghi vấn và kịp thời phối hợp, đề nghị Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài dừng đưa hàng qua khu vực giám sát hải quan để kiểm tra thực tế 100% lô hàng thuộc tờ khai nêu trên.

Phóng viên Báo Hải quan có mặt trực tiếp tại hiện trường chứng kiến việc kiểm tra của lực lượng Hải quan, nhận thấy trong hàng trăm thùng hàng đóng trong 7 Pallet có rất nhiều hàng hóa không đúng với khai báo hải quan như bếp từ, máy rửa bát, nồi hấp điện tử; các bộ nồi, vào nhiều hàng gia dụng... mang các thương hiệu của Đức. Đáng chú ý, trong lô hàng có nhiều hộp xì gà mang thương hiệu nổi tiếng như Cohiba, Habanos, Magnum. Đặc biệt, phóng viên chứng kiến có nhiều hộp chứa các điếu xì gà dài đến 48,3 cm. Kết quả khám xét cuối cùng cho thấy trong lô hàng có tới 4.402 điếu xì gà, trị giá khoảng 500 triệu đồng. Trong khi thuế Nhập khẩu, thuế Tiêu thụ đặc biệt và thuế Giá trị gia tăng với mặt hàng này lần lượt là 60% (tương đương 300 triệu đồng), 70% (tương đương 560 triệu đồng), 10% (tương đương 136 triệu đồng). Như vậy, nếu trót lọt, chỉ riêng mặt hàng xì gà, Công ty đã trốn thuế khoảng 1 tỷ đồng. Hiện, tang vật đang được cơ quan Hải quan tạm giữ, tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý.

Bất thường ở chỗ, hàng hóa làm thủ tục theo loại hình nhập KNQ nhưng phóng viên nhận thấy hầu hết các kiện hàng nhỏ bên trong đều ghi tên người nhận là người Việt Nam có địa chỉ ở nhiều quận, huyện thuộc Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác.

Một công chức Đội 1 chia sẻ thêm: Trên từng kiện hàng thuộc 7 Pallet thể hiện đầy đủ tên người gửi ở Đức, tên người mua hàng ở Việt Nam với đủ thông tin (địa chỉ, điện thoại, số tiền phải thanh toán). Công chức Đội 1 đã liên hệ các số điện thoại của người mua hàng được ghi sẵn trên các kiện hàng và hầu hết xác nhận có đặt hàng trên website và được hẹn tuần sau (từ ngày đặt hàng) sẽ nhận được hàng và khi nhận hàng thanh toán tiền trực tiếp cho người giao hàng…

Thêm một thông tin đáng chú ý, khi cơ quan Hải quan tra cứu thông tin trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp cho thấy Công ty TNHH Thương mại XNK APT Việt Nam thành lập ngày 16/6/2017, có địa chỉ tại phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn. Giám đốc là Nguyễn Xuân Cảnh, với ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán thiết bị, linh kiện điện tử. Nhưng khi Đội 1 tổ chức xác minh tại Lạng Sơn theo địa chỉ trên thì không hề tồn tại Công ty TNHH thương mại XNK APT Việt Nam như đăng ký.

Vì sao hàng hóa làm thủ tục theo loại hình KNQ lại có “đầu ra” ở nội địa? Thực tế hoạt động các KNQ hiện nay ra sao? Phóng viên Báo Hải quan sẽ trực tiếp ghi nhận ở một số địa bàn có nhiều KNQ tại khu vực miền Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn.

Không chỉ nhằm mục đích gian lận, trốn thuế, cơ quan Hải quan còn phát hiện trường hợp doanh nghiệp lợi dụng loại hình KNQ để vận chuyển hàng cấm. Đó là trường hợp Công ty TNHH Giao nhận quốc tế Hòa Bình (có trụ sở tại Hà Nội). Ngày 22/3/2019, Công ty này mở tờ khai theo loại hình nhập KNQ tại một chi cục thuộc Cục Hải quan Lạng Sơn. Hàng hóa khai báo là hạt nhựa PE đã hóa dẻo mới 100%, tổng trọng lượng 16.000 kg. Hàng hóa được vận chuyển về khu vực cảng Hải Phòng.

Tuy nhiên, qua các thông tin nghi vấn, Đội 1 (Cục Điều tra chống buôn lậu) phối hợp với các đơn vị chức năng của Cục Hải quan Hải Phòng đã kiểm tra ngay tại cửa khẩu và phát hiện trong lô hàng chứa hơn 8 tấn vảy tê tê có nguồn gốc châu Phi được ngụy trang trong các bao tải hạt muồng.

Bài 2: Ra khỏi kho ngoại quan, hàng hóa đi đâu.

Nhóm PV

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/kho-ngoai-quan-nhung-nguy-co-tiem-an-118558-118558.html