Khó nhất của Quy hoạch tổng thể quốc gia là phạm vi và ranh giới

Cho ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu nhận định, đây là vấn đề mới, nội dung khó, phạm vi rộng chưa có tiền lệ, nhưng Chính phủ đã chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đã nêu ra nhiều vấn đề quan trọng cần điều chỉnh, Chính phủ cần tiếp thu để hoàn thiện thêm.

Quy hoạch quốc gia cần mở ra những kết nối không gian mới, tạo động lực phát triển mới.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã cơ bản đáp ứng yêu cầu được quy định trong Luật Quy hoạch, bám sát vào chức năng của quy hoạch tổng thể. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng chỉ ra, phần cơ sở pháp lý, vị trí, vai trò cho một Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa thể hiện đủ rõ trong dự thảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Phải nói rõ vị trí vai trò của Quy hoạch tổng thể quốc gia trong hệ thống quy hoạch đất nước. Quy hoạch này nó không bao hàm mọi thứ, những cái cụ thể chi tiết ở chỗ khác. Quy hoạch này nó là định hướng hành lang để các quy hoạch khác phải theo, để các quy hoạch khác để các địa phương khác có cộng hưởng, kết nối, tranh thủ phạm vi không gian để phát triển, đồng thời cũng là giới hạn không gian.”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, một trong những thuận lợi của việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia là có cơ sở chính trị khi được Hội nghị Trung ương 6 ra kết luận. Về mặt pháp lý có Luật Quy hoạch và nghị quyết về giám sát của Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ về vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, bố cục và kết cấu phải rà soát tuân theo quy định của Luật Quy hoạch. Về phạm vi ranh giới lập Quy hoạch cần bảo đảm thống nhất đồng bộ với các luật hiện hành. Quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển cần thể hiện rõ. Về định hướng phát triển không gian kinh tế xã hội, nhất là hành lang kinh tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải chú trọng kết nối hành lang kinh tế của nước ta với hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Trong toàn bộ bản quy hoạch của ta thì chưa thật nổi bật lắm vấn đề về kết nối khu vực và quốc tế về các sáng kiến khu vực, quốc tế. Ví dụ kênh đào Kra của Thái đào rồi thì có khi mình sẽ khác đi, rồi một hành lang, một vành đai và một con đường hoặc ở Bắc - Nam nhưng người ta kết nối như thế nào thì mình phải dựa vào đó để kết nối, một mình không thể kết nối được, như một chuỗi. Chỗ đó nên chú trọng hơn không gian phát triển, vấn đề kết nối quốc tế. Từng hành lang kinh tế không có nghĩa là mình phải đầu tư đồng bộ, toàn diện ngay toàn bộ hành lang này và nên có những chọn lọc, chọn những đoạn, những tuyến nào quan trọng và cần phải ưu tiên nguồn lực để phát triển trước, trong tư duy như thế.”

Giải trình thêm một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đây là đề án rất khó, phức tạp, mới, phạm vi rất rộng, chưa từng có tiền lệ, nhiều nội dung chưa hiểu và chưa hình dung hết. Vấn đề khó nhất hiện nay là phạm vi và ranh giới của quy hoạch, nó dừng ở mức độ nào. Nếu chi tiết quá thì lại trùng với cả quy hoạch của ngành, quy hoạch của tỉnh, quy hoạch của vùng; nếu chung quá thì lại ở dạng nghị quyết, dạng chiến lược. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là những gợi ý hết sức quan trọng để Bộ tiếp tục hoàn thiện đề án.

Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Các vấn đề mới hiện nay chủ yếu tập trung tạo ra các vùng kinh tế, các hành lang kinh tế, các vùng động lực, các cực tăng trưởng để làm sao có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung vào biển để phát triển kinh tế biển, như Chủ tịch nói là kết nối được với quốc tế. Vấn đề này còn chưa rõ, chúng tôi sẽ tiếp tục trong thời gian tới làm sao tổ chức không gian mới, tạo động lực mới cho phát triển giai đoạn tới một cách tốt nhất, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, điều kiện cụ thể của từng vùng, từng miền; hỗ trợ, bổ trợ lẫn nhau, cân đối hài hòa, cân bằng, bền vững”

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cơ quan chủ trì đề án cần rà soát, phân bổ, đánh giá đầy đủ thực trạng việc tổ chức không gian phát triển của đất nước, nhận diện đầy đủ các bất cập, rủi ro, thách thức để có định hướng, giải pháp phù hợp đưa vào dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, trong đó có xây dựng các hệ thống chỉ tiêu phù hợp và các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực ưu tiên cần có tính dự báo cao, định vị đất nước trong khu vực và thế giới, thể hiện quyết tâm và yêu cầu phát triển, nhưng phải phù hợp với cân đối nguồn lực, tiềm năng, lợi thế để đảm bảo phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Thực hiện : Dương Dung Thanh Nga Anh Đức Vũ Hiếu

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/kho-nhat-cua-quy-hoach-tong-the-quoc-gia-la-pham-vi-va-ranh-gioi