Khổ như nữ làm xây dựng

Lương thấp, công việc nặng nhọc thế nhưng nhiều lao động nữ vẫn gắn bó với nghề xây dựng bởi không làm thì chẳng biết làm gì khác. Đa phần họ đều là lao động ra đi từ nông thôn, mong muốn làm công việc thời vụ để có thêm thu nhập.

15-16 tiếng/ngày

Một ngày của công nhân xây dựng bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc 5 giờ 30 chiều. Thế nhưng với phụ nữ làm thợ xây, công việc còn bắt đầu sớm và kết thúc muộn hơn nhiều. Theo đó, các chị phải dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả tổ thợ, chiều thì 5 giờ về nhưng không để nghỉ ngơi mà nấu cơm cho cả tổ, ăn uống, dọn dẹp xong cũng 8-9 giờ tối.

Chị Nguyễn Thị Thắm đang tất bật trộn vữa cho đội thợ xây. Ảnh: Minh Nguyệt

"Nữ lao động tự do làm trong lĩnh vực xây dựng đa phần là đối tượng lao động yếu thế. Công việc thì nặng nhọc mà không được bảo vệ. Lao động tự do không có hợp đồng, đồng nghĩa với việc họ có thể bị mất việc làm, gặp tai nạn lao động mà không được hỗ trợ tiền điều trị...”.

Bà Nguyễn Thu Giang –
Phó Giám đốc Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng

Có mặt tại một công trường xây dựng ở phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào lúc 11 giờ, dù đang giữa cái nắng nóng cao điểm của đầu hè, tôi vẫn thấy không khí lao động tấp nập tại nơi đây. Đảo qua một vòng xung quanh công trường, quan sát bằng mắt thường cũng thấy phải có tới 1/3 lao động ở đây là phụ nữ.

Đang loay hoay trộn vữa bê tông, chị Nguyễn Thị Thắm (45 tuổi) quê ở Hà Nam vừa thở gấp, vừa gạt những giọt mồ hôi thấm đẫm trên trán, ướt cả chiếc khăn buộc trên đầu. Từ 2 năm nay, chị theo chồng lên Hà Nội làm nghề phụ hồ. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng khá vất vả với phụ nữ, không phải ai cũng làm được.

“Trộn vữa là khâu dễ nhất nhưng cũng đòi hỏi phải có sức khỏe bởi mỗi lần cầm xẻng trộn qua trộn lại mất 15-20 phút. Đánh đủ vữa rồi thì phải xếp gạch, chuyển gạch. Làm xong nhà thì đánh tường, cọ nền... Mấy công việc phụ thợ xây rất đa dạng, kể cả ngày cũng không hết” – chị Thắm nói.

Mặc dù công việc còn vất vả hơn cả chồng nhưng mức lương của chị chỉ bằng ½ lương chồng, chỉ chừng 4-5 triệu/ tháng. Tháng nào làm đủ lương còn tàm tạm nếu mưa nắng thất thường, công việc đình trệ thì chỉ được chừng hơn 3 triệu. “Biết là vất vả, nhưng không làm nghề này cũng chẳng biết làm gì khác. Ở nhà làm có 3 sào ruộng, lấy lúa ăn, vợ chồng mình không đi làm thêm thế này thì không có tiền cho con ăn học, chi tiêu. Chắc cứ làm thế này tới lúc nào không làm được nữa mới thôi chứ về quê giờ chỉ có chết đói” – chị Thắm nói.

Khổ đủ đường

Vào lúc 8 giờ tối, khi mà tất cả mọi nhà đã xong bữa cơm tối ngồi nghỉ ngơi thì những lao động nữ làm công việc vệ sinh tại công trường xây dựng ở khu Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới chính thức được ăn cơm.

Bữa cơm đạm bạc, chỉ có vài ba miếng thịt, cộng với mấy miếng đậu, bát canh rau mùng tơi vẫn được mọi người lùa thật nhanh để còn đi ngủ. Thấy có phóng viên qua, bà Lê Thị Thủy (57 tuổi, ở Triệu Sơn, Thanh Hóa) hồ hởi mời chào tôi ăn cơm cùng. Nhẹ nhàng từ chối rồi lánh sang ngồi uống cốc nước trà, tôi trò chuyện với mấy công nhân nữ đã dùng xong bữa tối.

Dù mới chỉ 30 tuổi, Nguyễn Thị Tươi (quê ở Tam Đường, Lai Châu) lại trông rất già dặn và khá yếu, người chỉ nặng chừng 40kg. Tâm sự với tôi, Tươi cho biết cô chưa có gia đình, từng làm qua nhiều nghề nhưng không nghề nào trụ được lâu. Cực chẳng đã, cô đành xin vào làm tổ vệ sinh công trường xây dựng với nguyện vọng có việc nuôi thân, đỡ đần bố mẹ qua ngày. “Công việc vất vả, Tươi sức yếu nên chẳng làm được mấy nhưng đuổi việc thì khổ thân nó lắm thế nên ông chủ đành nhận” – bà Thủy tâm sự.

Chia sẻ với phóng viên về lý do đi làm ở tuổi 57, bà Thủy ngậm ngùi: “Tuổi này chị em đi làm nhà nước đều đã về hưu, được nghỉ ngơi nhưng như các cô ở quê, không làm lấy gì nuôi thân. Chồng cô ốm đau, mắc đủ thứ bệnh, nào là tiểu đường, tim, sỏi thận..., tháng nào ông ấy cũng phải đi viện. Cô không kiếm tiền thì chả nhẽ để chồng chịu chết”.

Vì hoàn cảnh đặc biệt, nhiều năm nay bà Thủy đã phải bôn ba khắp nơi. Trước đó, bà cũng từng phiêu bạt, làm đủ công việc như phun sơn, cọ đồ gỗ ở Bình Dương, rồi có lúc lại đi bán tăm, bán hàng rong ở Sài Gòn. Ra Hà Nội làm đã được 5 tháng, thế nhưng nơi duy nhất ở Hà Nội mà bà biết đến là khu công trường xây dựng đang làm. “Nghỉ lễ 30.4, chị em tôi chẳng ai về vì tiền không có, đi lại thì đông đúc, vất vả. Cũng muốn đi Lăng Bác hay lên hồ Gươm đi chơi nhưng sợ tốn tiền, sợ lơ ngơ đi lạc thì phiền nên 4 ngày nghỉ, chị em chúng tôi chỉ quanh quẩn trong lán trại” – bà Thủy tâm sự.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết lao động nữ làm ở các công trường xây dựng là lao động tự do, không có hợp đồng lao động. Chính vì vậy, bản thân họ cũng không được tham gia bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế hay hưởng chế độ phúc lợi khác. Mong ước lớn nhất của bà Thủy cũng như chị em khác đang làm ở công trường xây dựng này là sớm được ký hợp đồng lao động để được tham gia đóng bảo hiểm y tế, thỉnh thoảng ốm đau được đi khám bệnh.

“Giờ già rồi, sức khỏe cũng yếu đi, hôm nay làm ngày mai có thể phải nghỉ, nhưng dù thế nào tôi vẫn sẽ cố gắng. Khổ thế chứ khổ nữa thì vẫn làm được, chỉ cần có sức khỏe thì vẫn muốn gắn bó với công việc này” – bà Thủy chia sẻ thêm.

Nguyệt Tạ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/kho-nhu-nu-lam-xay-dung-872492.html