Kho tài sản vô giá của người đàn ông mê đồ cổ

Không phải ai cũng gặp được những món đồ cổ này, gặp và sở hữu, đó là cái duyên. Mình không biết giữ gìn thì nó chẳng bao giờ đến với mình nữa.

Sở hữu hàng trăm cổ vật có giá trị, ông Nguyễn Thanh Liêm (55 tuổi, ngụ ấp 8, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho biết đây là kết quả của hàng chục năm đam mê, tìm kiếm và sưu tâm đồ cổ.

Toàn cảnh ngôi nhà trưng bày đồ cổ của ông Liêm.

Toàn cảnh ngôi nhà trưng bày đồ cổ của ông Liêm.

"Ban đầu, tôi chỉ sưu tập một số món đồ đơn giản như chén, dĩa.... Về sau, càng tìm hiểu càng đam mê, tôi rong ruổi khắp các tỉnh miền Tây, từ Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Cà Mau… đến các tỉnh miền Trung, như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Quy Nhơn để sưu tập lư đồng, chóe thời Chăm-pa, đèn cổ... qua các thời kỳ"- ông Liêm chia sẻ.

Bộ sưu tập đèn và chén cổ qua các thời kỳ.

Tích tiểu thành đại, số lượng đồ cổ mà ông Liêm thu thập ngày càng tăng với hàng trăm mẫu vật tương ứng với các giai đoạn lịch sử. Phần lớn những mẫu vật được ông Liêm mua từ những người sưu tầm đồ cổ khác hoặc từ những người thu mua phế liệu, ve chai.

Bình chóe cổ có từ thời văn hóa Chăm- pa

"Sưu tầm đồ cổ là một thú chơi tao nhã, vừa hiểu biết hơn về lịch sử dân tộc, cũng vừa là sự tri ân, tưởng nhớ những thế hệ đi trước"- vừa nói, ông Liêm vừa đổ nước vào một chóe cổ (thời văn hóa Chăm- pa), phần nước còn lại, ông đổ vào một chiếc ly bình thường. Chờ khoảng 15 phút, ông lấy nước từ chóe cổ đưa tôi uống thử và so sánh với phần nước để trong ly. Quả nhiên, nước đựng trong chóe cổ có độ mát và thanh hơn nước đựng trong ly. "Bởi vì chóe cổ được làm từ chất liệu cách nhiệt, chỉ thời Chăm- pa mới có. Chất liệu này giữ cho nước được mát và có độ thanh hơn. Đây là cách tận hưởng cái tao nhã"- ông Liêm giải thích.

Tấm liễn có 3 chữ Đức Lưu Phương

Những cổ vật mà ông Liêm sưu tầm được có những cái có giá trị đến hàng trăm triệu đồng nhưng ông không bán mà nâng niu, cất giữ cẩn thận. Bởi như ông nói: "Không phải ai cũng gặp được những món đồ này, gặp và sở hữu, đó là cái duyên. Mình không biết giữ gìn thì nó chẳng bao giờ đến với mình nữa".

Bộ trường kỷ mà cha mẹ ông Liêm để lại, có người trả giá 100 triệu đồng nhưng ông không bán vì "đó là đồ của cha mẹ để lại, nó như máu thịt của tôi rồi"

Ông Liêm cho rằng chơi đồ cổ phải gắn liền với đạo đức. Người có đức thì mới giữ được đồ cổ. "Tiền thì ai cũng muốn nhưng đạo đức là cái gốc, là cơ sở để mọi sự trở nên suông sẻ, thuận lợi. Tôi muốn lưu lại thông điệp cho con cháu đời sau"- ông Liêm chia sẻ.

Mơ ước của ông Liêm là sưu tập thật nhiều đồ cổ, đủ sức mở một "bảo tàng đồ cổ" để trở thành điểm đến cho những ai muốn tìm hiểu một phần lịch sử dân tộc.

Bài và ảnh: Lê Tấn Đức

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/dia-phuong/kho-tai-san-vo-gia-cua-nguoi-dan-ong-me-do-co-20180830163845822.htm