Khó trừng phạt

Tờ The Hindu dẫn lời Tướng Bipin Rawat, Tư lệnh Lục quân Ấn Độ, ngày 7-10, khẳng định, Ấn Độ theo đuổi một chính sách độc lập và đang quan tâm tới việc mua máy bay trực thăng chiến đấu Kamov và các hệ thống vũ khí khác của Nga.

Tuyên bố trên được đưa ra 2 ngày sau khi New Delhi và Mátxcơva ký kết các hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD, trong đó có hợp đồng chuyển giao cho Ấn Độ hệ thống phòng không S-400, làm dấy lên lo ngại về việc Mỹ có thể trừng phạt Ấn Độ theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).

Tướng Rawat trong một cuộc họp của lục quân Ấn Độ hồi đầu năm nay. Ảnh: India Times.

Tướng Rawat trong một cuộc họp của lục quân Ấn Độ hồi đầu năm nay. Ảnh: India Times.

CAATSA được Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành tháng 8-2017, quy định rằng mọi quốc gia giao dịch với Nga trong lĩnh vực quốc phòng hay tình báo đều có thể bị Washington trừng phạt. Trong đó bao gồm cả việc mua bán vũ khí và trang thiết bị quân sự. Nhân danh đạo luật này, ngày 20-9 vừa qua, Mỹ đã phạt Cục Phát triển thiết bị (EDD) của Trung Quốc do mua 10 chiến đấu cơ Sukhoi-35 của Nga năm 2017. Trong năm 2018, Bắc Kinh đã mua nhiều trang thiết bị liên quan đến hệ thống phòng không S-400. Dưới sự điều chỉnh của CAATSA, tài sản của EDD tại Mỹ đều bị đóng băng, người Mỹ bị cấm làm ăn với EDD. Hơn nữa, EDD bị từ chối giấy phép xuất khẩu và bị loại khỏi hệ thống tài chính của Mỹ.

Vậy New Delhi có chung số phận như Bắc Kinh?

Theo giới quan sát, câu trả lời có lẽ là không, vì nhiều lý do. Thứ nhất, là yếu tố Trung Quốc. Washington cần New Delhi để kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh cả về mặt kinh tế lẫn quân sự trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 9 vừa qua, Mỹ và Ấn Độ thông báo đẩy mạnh hợp tác trao đổi thông tin quân sự mang tính nhạy cảm cao. Hai bên cũng đã đồng ý tiến hành một cuộc tập trận chung quy mô lớn vào năm 2019. Với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, Washington khó mà mạnh tay với New Delhi.

Thứ hai, việc Ấn Độ tăng cường khả năng phòng thủ cũng chính là nhằm để đối phó với sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc và đó là điều buộc Washington phải quan tâm. Năm 2017, nhiều vụ đụng độ giữa quân đội Ấn Độ - Trung Quốc ở Doklam, biên giới 2 nước, kéo dài hàng tháng, làm nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự tăng cao. Chưa kể Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng với Pakistan, mà trong quá khứ, Ấn Độ và Pakistan đã 3 lần tuyên chiến với nhau.

Thứ ba, Ấn Độ hiện là một trong những quốc gia đang có nhu cầu hiện đại hóa khả năng phòng thủ rất lớn. Vì vậy, đây là một thị trường mà các nhà sản xuất vũ khí Mỹ không muốn bỏ qua. Còn Nga lâu nay vẫn là đối tác ưu tiên của New Delhi, cho dù là khi lên cầm quyền, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược. Mỹ khó có thể thay đổi được thực tế này. Hơn nữa, trên bàn cờ ngoại giao, Nga đang ủng hộ Ấn Độ giành một ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Và cũng nhờ Matxcơva, New Delhi đã gia nhập Tổ chức hợp tác Thượng Hải.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ J.Jeganaathan thuộc Khoa nghiên cứu an ninh quốc gia tại Đại học Jammu (Ấn Độ), thỏa thuận mua bán S-400 giữa Ấn Độ với Nga đã được thảo luận từ rất lâu, trước khi CAATSA có hiệu lực nên Ấn Độ có thể sẽ được coi là một ngoại lệ và nhiều khả năng Washington sẽ miễn trừ New Delhi khỏi CAATSA.

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kho-trung-phat-551606.html