Khổ vì thân hình... quá khổ

Nếu như anh Hồ Văn Trung (34 tuổi, ở Cà Mau) cao 2,5m là do bệnh tật thì gia đình bà Trần Thị Láng (Bạc Liêu) cao 'lêu nghêu' từ nhỏ. Dù vậy điểm chung của họ là rất khổ sở vì thân hình cao quá khổ khiến họ mặc cảm với cuộc sống và bệnh tật liên miên, chẳng lao động giúp được gia đình.

Anh Hồ Văn Trung với thân hình quá khổ đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau. Ảnh: N.H

Những thân hình khổng lồ

Bà Trần Thị Láng (67 tuổi, ấp 12 xã Vĩnh Hậu A Hòa Bình, Bạc Liêu) cao 2,1m và được xem là người đàn bà cao nhất Bạc Liêu.

Bà Láng có tất cả 8 anh em, ai cũng cao lênh khênh. Dù cao đến 2,1m nhưng bà Láng được xem là lùn nhất gia đình, 7 người còn lại ai cũng cao trên 2,1m.

Gia đình sống tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình từ rất lâu đời. Cha bà là ông Trần Văn Hên cao hơn 2,3m và đã từng tham gia vào cuộc “đấu xảo” người cao nhất tại Sài Gòn do Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy tổ chức. Có lẽ đó là niềm vui nhỏ, duy nhất đáng tự hào của gia đình “bự nhất Bạc Liêu”, còn lại trong câu chuyện của bà là toàn chuyện chẳng vui.

Bà kể, do cao lênh nghênh nên chuyện lấy vợ, lấy chồng cũng vô cùng khó khăn.

“Lúc tôi với ông nhà tôi đây lấy nhau, bên chồng từ ổng luôn vì cấm đoán không được. Vậy mà do duyên số hay sao, từ ngày lấy nhau đến giờ chưa bao giờ ông ấy nặng lời với tôi cả”.

Bà Láng và ông Lê Văn Sụa có với nhau 8 người con, 4 trai, 4 gái. Một nửa giống bà cao nghều, một nửa giống ông cao… bình thường.

Một nửa không bình thường ấy cũng có cuộc sống chẳng bình thường. Anh Lê Văn Lem đã từng được người ta hứa hẹn gả con gái cho sau khi làm lụng 3 năm. Đúng hẹn, nhà gái không chịu do anh cao, to khá khổ. Điều này khiến anh buồn, đi biệt xứ làm ăn.

Còn anh Lê Văn Lắm với thân hình cao to được các gánh hát cải lương nhờ làm trò trước khi diễn chính thức. Bạn bè, anh em hay chọc ghẹo. Phần mặc cảm với thân hình, phần ít học và thần kinh có vấn đề nên không bao lâu cũng bỏ bà Láng mà đi biệt xứ, đến nay chẳng ai biết tông tích.

Hai người con gái của bà Láng cũng cao tồng ngồng. Một cô lấy chồng ở gần với bà, gia cảnh khó khăn, một cô cũng bỏ bà đi lấy chồng tận Đài Loan.

Ông Sụa than thở: “Tội nghiệp lũ con tôi lắm, cái nghèo, cái đói cứ bám riết lấy gia đình tôi. Vợ chồng nghèo, chẳng nuôi nổi các con ăn học. Duy nhất có một đứa được học hết lớp 3. Hồi trước ai thuê gì làm đó. Nay có tuổi lại đau bệnh liên miên nên sống nhờ vào trợ cấp hộ nghèo của xã và bà con thương tình cho gì ăn đó sống qua ngày”.

Bệnh tật liên miên

Gia đình “khổng lồ” tại Bạc Liêu ai cũng bệnh tật. Bà Láng bị tiểu đường, tim, khớp. Những người anh của bà và cả 4 người con to quá khổ đều người bệnh này, kẻ bệnh khác. Không ai khỏe mạnh bình thường cả. Trong khi đó, anh Hồ Văn Trung (34 tuổi, ngụ ấp Lợi Đông, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) có chiều cao “ngoại cỡ” lên đến 2,5m hiện nay vẫn còn nằm tại BV Đa khoa tỉnh Cà Mau.

Theo người nhà, năm 18 tuổi, anh Trung bị sốt cao trong thời gian dài. Gia đình đã đưa đến nhà một y sĩ trong xã thăm khám, uống và chích thuốc. Sau khi hết bệnh, khoảng 1 năm, cơ thể anh Trung phát triển cao một cách kỳ lạ. Hiện tại anh cao 2,5m và chưa có chiều hướng giảm.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán anh Trung bị tăng kali huyết/đợt cấp suy thận mạn, thiếu máu mức độ nặng. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng bệnh của anh Trung không thuyên giảm, tiểu ít, vẫn còn đau lưng, nhức đầu nên gia đình quyết định chuyển anh Trung lên BV Đa khoa tỉnh Cà Mau.

Sau khi nhập viện, do cơ thể cao lớn vượt trội nên anh Trung không thể sử dụng bất cứ giường bệnh nào của bệnh viện. Gia đình phải bỏ ra hơn 1 triệu đồng thuê thợ hàn sắt hàn cho anh 1 chiếc giường dài 2,6m, ngang hơn 1m để anh nằm cho thoải mái.

Theo bác sĩ Tạ Duy Quan - Khoa Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, do anh Trung mắc chứng bệnh suy thận mạn nên phía bệnh viện tiến hành chạy thận định kỳ, truyền máu để kéo kali, giảm chất độc trong người bệnh nhân xuống thấp. Đồng thời, bệnh viện sử dụng thuốc hạ áp cho bệnh nhân để nhằm ổn định huyết áp.

Còn ông Trần Quốc Bình - Phó trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết, bệnh của anh cần phải điều trị lâu dài. Qua khảo sát của bệnh viện thì gia đình anh gặp nhiều khó khăn, nên bệnh viện cũng muốn kết hợp vận động để anh Trung có điều kiện trị bệnh.

Hiện tượng “người khổng lồ” tại Bạc Liêu, Cà Mau rất cần được giải mã. Chí ít để công luận biết, hiểu, đi đến cảm thông, chia sẻ về những khó khăn của họ. Xin đừng nhìn họ như một hiện tượng “lạ”, “khác người” khiến cuộc sống của họ vốn đã cô đơn càng thêm tủi phận hơn.

NHẬT HỒ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/y-te/kho-vi-than-hinh-qua-kho-638688.ldo