Khó vượt qua vấn nạn nợ xấu

DoanhNhanOnline – Mùa đại hội cổ đông năm nay đã qua, đọng lại là tâm trạng lo lắng của các nhà băng, sự thất vọng của cổ đông, bởi bức tranh hoạt động ngân hàng năm 2014 không hứa hẹn...

DoanhNhanOnline – Mùa đại hội cổ đông năm nay đã qua, đọng lại là tâm trạng lo lắng của các nhà băng, sự thất vọng của cổ đông, bởi bức tranh hoạt động ngân hàng năm 2014 không hứa hẹn sáng sủa hơn năm trước.

Trong những tuần gần đây, các ngân hàng thương mại dồn dập tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ). Thế nhưng tin tốt thì ít mà bao phủ bầu không khí tại các đại hội chủ yếu là thất vọng và lo lắng. Họ thất vọng vì mức cổ tức được chia thấp hoặc chỉ được nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Mà cổ phiếu nào thì hiện giờ cũng đang ở mức giá thấp, chưa kể tính thanh khoản không cao khi thị trường chứng khoán sau nhiều lần nhăm nhe tăng lại vẫn tràn ngập sắc đỏ.

Lo rồi, thất vọng cũng… thế thôi

Nhìn vào kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng năm 2014, dù lớn hay nhỏ đều thấy sự thận trọng. Không kỳ vọng môi trường kinh doanh năm nay sẽ được cải thiện nên họ đưa ra kế hoạch kinh doanh tương đối khiêm nhường, với những con số rất khiêm tốn về tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận. Nhìn chung các ngân hàng đang cố gắng giữ được mức lợi nhuận như năm trước và tập trung vào cải tổ, tái cơ cấu. Chẳng hạn, một ngân hàng cổ phần đưa ra kế hoạch sẽ tái định vị lại tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu phát triển trong 5 năm tới (2014 – 2018). Nghĩa là ngân hàng này đã từng định vị lại tầm nhìn rồi, năm nay lại tái định vị!

Hiện tượng dễ nhận thấy nhất trong mùa ĐHCĐ năm nay là làn sóng mua bán, sáp nhập các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều lần khẳng định không ép buộc, nhưng rõ ràng việc Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố, chỉ cần 14 – 17 ngân hàng là đủ (trong khi con số hiện nay là trên 30) cũng khiến các ngân hàng, nhất là những ngân hàng nhỏ, lo lắng. Đồng quan điểm không nặng nề việc ngân hàng này hay ngân hàng kia biến mất, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho biết, ở Mỹ mỗi năm có không ít ngân hàng đóng cửa nhưng nền kinh tế của họ vẫn ổn!

Tất nhiên, nền kinh tế Việt Nam không và không thể giống nền kinh tế Mỹ, nhưng chủ trương của NHNN là sẽ giảm về số lượng nên các ngân hàng thương mại tự biết phải làm gì. Tại sao NHNN lại kiên quyết đến thế trong vấn đề này? Chính là để giải quyết vấn đề sở hữu chéo. Một chuyên gia đã tiết lộ với Doanh Nhân: với tình trạng sở hữu chéo như hiện nay cơ quan quản lý thực sự không thể nắm hết được ông nào để vốn vào những đâu, nên thay vì hình sự hóa, bắt ép mua bán, sáp nhập NHNN chọn hướng mềm dẻo hơn là “thủ thỉ”, cho thêm thời hạn để những nhà đầu tư – các ông chủ thực sự của ngân hàng gom vốn về một nơi để NHNN dễ quản lý. Trường hợp của Bầu Kiên là một lời nhắc nhở không thừa đối với các ông chủ nhà băng. Hơn nữa, tự nguyện vẫn hơn là bị ép duyên. Nguồn tin của Doanh Nhân cũng cho biết, sau một thời gian để các ngân hàng tự nguyện tìm đến với nhau, NHNN sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp còn lại. Sẽ xảy ra việc ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, Vietcombank, Vietinbank) ôm gọn một ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ nào đó để tránh đổ vỡ cho thị trường. Cách làm này đã từng được NHNN tiến hành đối với những ngân hàng nhỏ hồi cuối những năm 1990, đầu những năm 2000.Hồi đó, đã có đến 14 cái tên được thay đổi hoặc biến mất như: Việt Hoa, Vũng Tàu, châu Á – Thái Bình Dương… Tất nhiên trong bối cảnh nền kinh tế cũng như quy mô của các ngân hàng thương mại cổ phần (đặc biệt là quy mô nợ xấu) bây giờ không nhỏ như hồi đó, việc một ngân hàng thương mại nhà nước thâu tóm một ngân hàng cổ phần nào đó cũng không hề đơn giản. Hơn nữa, bản thân các ngân hàng thương mại nhà nước giờ cũng là những đơn vị kinh doanh, đã cổ phần hóa, họ cũng cần lo cho mình trước.

Nợ xấu nhưng kết cấu phải chuẩn!

Cùng với việc buộc phải theo lộ trình tái cơ cấu của toàn ngành thì vấn đề cơ bản nữa khiến các ngân hàng thận trọng khi đề ra kế hoạch kinh doanh năm nay là tỷ lệ nợ xấu không giảm mà vẫn đang tăng. Theo báo cáo của Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ hôm 1/4/2014, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng ở mức 7%, nhưng đến 24/4, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài chính – tiền tệ quốc gia lại cho rằng, con số này đang ở mức 9%. Tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng lâu nay vẫn là con số gây nhiều tranh cãi, nhưng bản thân các ngân hàng biết tỷ lệ này của họ chính xác là bao nhiêu. Và cùng với việc NHNN buộc họ phải áp dụng chuẩn mực phân loại và trích lập dự phòng rủi ro tiệm cận dần với thông lệ quốc tế, tỷ lệ này chắc chắn sẽ càng tăng. Mà tỷ lệ nợ xấu càng cao thì trích lập dự phòng rủi ro sẽ càng lớn. Nợ xấu chưa giải quyết được, liệu họ có dám mở rộng tín dụng? Từ đó lợi nhuận sẽ giảm, ngân hàng lấy đâu tiền chia cổ tức! Thế VAMC đâu? Sao không đẩy nợ xấu sang đó? Không đơn giản như vậy!

Số nợ mà VAMC mua vào tiếp tục tăng, chưa kể rất nhiều ngân hàng đánh tiếng sẽ bán tiếp nợ xấu. Nhưng về phía mình, VAMC ngày càng thận trọng hơn vì chưa nhìn thấy đầu ra của nợ xấu. Tính đến hết quý 1/2014, VAMC đã mua khoảng 45.000 tỷ đồng nợ xấu và thanh toán bằng trái phiếu trị giá 37.600 tỷ đồng. Còn đầu ra của nợ xấu hiện vẫn đang ở giai đoạn xem xét – xây dựng cơ chế – trình lên NHNN, thậm chí Chính phủ quyết định. Thế nên, cho dù các ngân hàng có xếp hàng ngày càng đông thì VAMC cũng không thể vội mua vào nợ xấu được. Song gần đây, có vẻ công ty này đã chọn được hướng giải quyết mới: tiếp tục…nuôi nợ. VAMC sẽ giảm lãi suất cho vay của các con nợ (trong những khoản nợ xấu mà ngân hàng đã bán cho VAMC) về 10,7%/năm đối với khoản vay bằng tiền đồng. Công bố hôm 14/4, nhưng rồi đúng 10 ngày sau ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch VAMC, đã nói lại cho rõ: không phải tất cả các doanh nghiệp đều được giảm lãi suất mà chỉ những doanh nghiệp có khả năng trả gốc và lãi cho VAMC. Và mức lãi suất này được áp dụng đối với các khoản nợ xấu đã được VAMC chấp thuận điều chỉnh lãi suất trong quý 2/2014 (từ ngày 15/4 đến 30/6/2014). Ngoài ra, tất cả các khoản nợ sẽ được điều chỉnh mức lãi suất tùy vào thời điểm mà VAMC công bố. Vậy là chỉ những món nợ xấu có “kết cấu” chuẩn mới được VAMC áp dụng cơ chế này.

Trở lại vấn đề hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại, có lẽ họ sẽ buộc phải chấp nhận cố gắng tồn tại chứ chưa mong phát triển mạnh mẽ, ít nhất cho đến khi hoàn thành giai đoạn bản lề về tái cơ cấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, dự kiến là tới năm 2015. Vậy bức tranh ngân hàng sau năm đó sẽ như thế nào? “Tôi không dám hình dung, vì hi vọng nhiều sẽ thất vọng lớn”, câu trả lời này của một nhân vật từng đóng vai trò chủ chốt trong giai đoạn tái cơ cấu ngân hàng những năm 1990 khiến người ta không khỏi không lo lắng.

Tác giả: Thái Thanh

admin

Admin Creativa

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/kho-vuot-qua-van-nan-no-xau/