Khó xác định mức thiệt hại và quá trình phục dựng nhà thờ Đức Bà Paris

Để điều tra vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris, Cơ quan Cảnh sát Tư pháp Paris, với sự đồng ý của Văn phòng Công tố Paris, đã huy động 50 điều tra viên (chia thành 2 nhóm) và giao biệt đội hình sự thực hiện.

Một phần mái nhà thờ đổ sập vào bên trong (Ảnh: AP)

Một phần mái nhà thờ đổ sập vào bên trong (Ảnh: AP)

Hai nhóm này sẽ phải xem xét hàng loạt manh mối để xác định vụ cháy là do lỗi của con người hay do lỗ hổng kỹ thuật.

Chưa thể tiếp cận bên trong

Cho đến thời điểm này, Giám đốc điều hành của nhà thầu chính trong dự án tôn tạo nhà thờ, Julien Le Bras, vẫn khẳng định rằng các quy tắc an toàn lao động được “thực hiện nghiêm túc” và rằng “tại thời điểm xảy ra vụ cháy, không có bất kỳ nhân viên nào của công ty có mặt tại công trường”.

Tuy nhiên, các nhà điều tra không loại trừ giả thuyết về một đám cháy có thể đã âm ỉ trong nhiều giờ trước khi bùng phát. Cho đến nay, các điều tra viên vẫn chưa được phép vào bên trong di tích do mức độ nguy hiểm còn cao. Theo Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Laurent Nunẽz, việc khám nghiệm hiện trường chỉ được thực hiện cho tới khi có sự cho phép của các kiến trúc sư và lực lượng cứu hỏa.

Mặc dù vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris không có yếu tố nào chứng minh đây là hành động cố ý như lời khẳng định của công tố viên Paris Rémy Heitz, các bước điều tra nhằm tìm ra nguyên nhân vụ hỏa hoạn sẽ phải kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng.

Yếu tố vật liệu

Giám đốc nghiên cứu Viện Lịch sử nghệ thuật quốc gia Pháp Clément Salviani cho biết nhà thờ Đức Bà được xây dựng từ đá vôi Lutetian - loại đá “nhạy cảm” với lửa và nước - cùng chất kết dính là vữa vôi, vốn là những vật liệu không chịu được sức nóng. Dưới tác dụng của nhiệt, đá vôi bị chuyển thành dạng bột trắng và nước thoát ra ngoài. Phản ứng này có thể xâm nhập sâu vào bên trong phần cấu trúc mái vòm nếu như đám cháy diễn ra trong một thời gian dài.

Giáo sư ngành năng lượng, cơ học lý thuyết và ứng dụng tại Đại học Lorraine/CNRS, ông Anthony Collin, cho biết hiện tượng giãn nở do các vật liệu xây dựng bị biến dạng dưới tác dụng của nhiệt cũng là vấn đề cần xem xét. Theo ông, nước trong đá ngưng tụ lại và áp lực do hơi nước làm vỡ khối đá đã gây ra các vết nứt.

Tính đến ngày 17-4, Quỹ đóng góp hỗ trợ phục dựng nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp đã lên tới 1 tỷ EUR, chỉ 2 ngày sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng làm sập phần lớn mái của nhà thờ 850 năm tuổi này.

Cũng theo các chuyên gia, nước được lực lượng cứu hỏa sử dụng để dập lửa có thể đọng lại ở nhiều nơi và xâm nhập vào các vết nứt, từ đó làm loãng các khớp vữa gắn kết giữa các viên đá và làm mất tính ổn định toàn bộ các phần xây dựng. Hiện tác động rất khó xác định vì chưa bao giờ xảy ra tình huống như vậy, do đó rất có khả năng sẽ phải xây dựng lại toàn bộ phần mái vòm của nhà thờ.

Bên cạnh khó khăn ở khâu đo lường thiệt hại, theo kiến trúc sư Francis Maude, Giám đốc Công ty Donald Insall Associates, người từng tham gia công tác phục dựng lâu đài Windsor bị cháy năm 1992, tình trạng thiếu hụt thợ chế tác thủ công lành nghề có thể làm chậm tiến trình phục dựng nhà thờ Đức Bà Paris.

Cùng ngày, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe thông báo, nước này sẽ mời các kiến trúc sư từ khắp thế giới gửi bản thiết kế nhằm xây dựng lại chóp nhọn của nhà thờ Đức Bà. Bên cạnh đó, Hãng hàng không Air France cho hay sẽ cung cấp các chuyến bay miễn phí đối với các chuyên gia đến hỗ trợ cho việc phục dựng nhà thờ Đức Bà Paris.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kho-xac-dinh-muc-thiet-hai-va-qua-trinh-phuc-dung-nha-tho-duc-ba-paris-587688.html