Khó xử hình sự tài xế đuổi sản phụ xuống xe

Hành vi bỏ mặc phụ nữ sắp sinh dẫn đến cái chết của đứa trẻ sơ sinh của tài xế là rất đáng lên án nhưng tiếc vì với quy định hiện hành thì khó vận dụng xử hình sự.

Chiều tối 19-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Công an huyện Bù Đăng, Bình Phước cho biết đã cử cán bộ xuống điều tra làm rõ vụ việc tài xế xe bảy chỗ bỏ rơi sản phụ sinh non giữa đường. Theo đó, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, công an huyện sẽ xử lý theo đúng quy định. Hiện Công an huyện Bù Đăng đang phối hợp với Công an xã Thống Nhất lấy lời khai những người có liên quan trong vụ việc này.

Tài xế nói gì?

Như PLO đã đưa tin, khoảng 6 giờ ngày 17-8, chị Vy Thị Yến (32 tuổi) mang thai được hơn bảy tháng bị đau bụng dữ dội, có dấu hiệu sinh. Gia đình chị Yến đã thuê xe Innova bảy chỗ của ông Nguyễn Đức Nhạc (46 tuổi, ở cùng xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, Bình Phước) để chở vợ chồng chị đi bệnh viện (BV).

Khi đến Trạm y tế xã Thống Nhất, chị Yến đau bụng dữ dội nên chồng chị đưa chị vào đây. Tuy nhiên, Trạm y tế yêu cầu chuyển ngay chị Yến lên tuyến trên. Ông Nhạc tiếp tục chở khách đến BV tỉnh nhưng đi được gần 5 km đến đoạn đường Sao Bọng - Đăng Hà (thôn 7, xã Thống Nhất) thì chị Yến trở dạ. Lúc này, ông Nhạc dừng xe, đuổi vợ chồng chị Yến xuống, lót một tấm nylon bên lề đường cho chị nằm rồi bỏ đi. Khi vừa xuống đường chị Yến đã sinh một bé trai. Hơn một tiếng sau, gia đình mới gọi được xe đưa hai mẹ con chị Yến đi BV nhưng bé trai đã tử vong.

Cùng ngày 19-8, Trưởng Khoa sản BV tỉnh Bình Phước Đặng Văn Luận cho biết hiện tại sức khỏe của chị Yến đã ổn định và đang tiếp tục được theo dõi, có thể vài ngày nữa sẽ xuất viện. Trong khi ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, cho biết sau khi sự việc xảy ra, ông đã cùng ban ngành, đoàn thể đến BV thăm hỏi, động viên gia đình chị Yến. Ông Tuấn nói: “Tôi rất bất ngờ khi nhận được thông tin này, không hiểu tại sao trong một tình thế nguy cấp mà người tài xế lại hành động như vậy”.

Cũng theo ông Tuấn, qua trao đổi với xã thì tài xế Nhạc cho biết đang rất hoảng loạn, lo sợ và cho biết không hiểu tại sao lúc đó lại làm vậy. Ông Nhạc cũng cho biết đang cùng gia đình cố gắng hết sức để khắc phục hậu quả sự việc.

Ngôi nhà xập xệ của gia đình và anh Sắc (chồng chị Yến) đau buồn vì mất con. Ảnh: LÊ ÁNH

Ngôi nhà xập xệ của gia đình và anh Sắc (chồng chị Yến) đau buồn vì mất con. Ảnh: LÊ ÁNH

Khó xử hình sự ông Nhạc

Theo TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM), khó truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi của tài xế Nhạc, dù rằng về mặt đạo đức rất đáng lên án. Bởi khoản 1 Điều 132 BLHS (tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng) quy định: Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt…

Theo đó, để xử lý tài xế về tội này thì nạn nhân (bị chết) ở đây phải là người mẹ, tức chị Yến. Mặt khác, lúc ông Nhạc rời đi đứa bé chưa được sinh ra, chỉ là thai nhi và không phải là một con người cụ thể nên không phải là đối tượng được điều chỉnh theo điều luật nêu trên. “Nếu cháu bé đã được sinh ra mà ông Nhạc bỏ mặc hai mẹ con dẫn đến một trong hai người bị tử vong thì khi đó mới xử lý hình sự được” - TS Tuấn nói.

ThS Võ Văn Tài (Phó Trưởng Khoa kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM) cho rằng đây là một tình huống hy hữu, thương tâm nhưng với quy định hiện hành thì không thể xử lý hình sự được ông Nhạc. ThS Tài đề xuất TAND Tối cao cùng các cơ quan tố tụng trung ương nên có văn bản hướng dẫn Điều 132 BLHS nói trên. Theo đó, cần mở rộng thai nhi là đối tượng điều chỉnh của điều luật này bởi hành vi của tài xế Nhạc là rất đáng lên án.

Một thẩm phán TAND TP.HCM phân tích do thông tin ban đầu chưa đầy đủ nên có thể chia làm ba trường hợp. Thứ nhất, vì bất kỳ lý do gì đó mà ông Nhạc đề nghị vợ chồng chị Yến xuống xe mà không biết tình trạng nguy cấp của chị. Nếu vợ chồng chị Yến đồng ý xuống xe, tức là hai bên có sự thỏa thuận thì tài xế không phải chịu trách nhiệm gì.

Thứ hai, ông Nhạc đề nghị xuống xe (vì lý do việc riêng của ông) nhưng không biết sản phụ trong tình trạng khẩn cấp thì cũng không thể xem xét trách nhiệm của tài xế. Bởi sản phụ vẫn giữ được tính mạng và lúc này cháu bé vẫn chưa được sinh ra. Nếu hợp đồng thuê xe trọn gói chở vợ chồng chị Yến tới nơi cần đến sinh con mà bỏ giữa chừng là tài xế Nhạc vi phạm hợp đồng và phải bồi thường theo BLDS vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Thứ ba, tài xế Nhạc biết rõ nếu không chở tiếp thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mẹ con sản phụ nhưng không chịu chở và chấm dứt hợp đồng dịch vụ thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, cần có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân cháu bé chết là không được chở đến BV kịp thời hay cho dù có được chở đến BV cũng không thể sống được.

Chúng tôi rất đau buồn!

Chiều 19-8, PV Pháp Luật TP.HCM đã tìm đến ngôi nhà xập xệ rộng khoảng 20 m2 của gia đình anh Ma Đình Sắc (32 tuổi, HKTT tại xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng) là chồng của sản phụ Yến. Anh Sắc đau buồn kể lại khi thấy vợ đau bụng nhiều thì anh đã gọi thuê ông Nhạc đến đưa hai vợ chồng đi BV tại TP Đồng Xoài với giá 750.000 đồng.

Chị Vy Thị Yến đang được người thân chăm sóc tại BV. Ảnh: LÊ ÁNH

Khi vừa đi đến trung tâm xã Thống Nhất, thấy vợ đau bụng dữ dội nên anh Sắc đã bảo ông Nhạc đưa vào Trung tâm y tế xã Thống Nhất. Tại đây, bác sĩ nhận thấy tình hình nguy cấp nên nói đưa ngay đến BV tỉnh Bình Phước. Lúc đó, ông Nhạc tiếp tục chở vợ chồng anh Sắc đi lên BV tỉnh nhưng mới đi được vài cây số thì thấy chị Yến có dấu hiệu sinh nên ông dừng xe lại và mang một tấm nylon xuống trải bên lề đường, bảo anh Sắc đưa vợ xuống nằm.

Anh Sắc bức xúc kể lại: “Lúc đó tôi tưởng anh Nhạc sợ vợ tôi sinh trên xe sẽ làm dơ xe nên đưa xuống lề đường để sinh xong rồi sẽ chở đi tiếp. Thế nhưng khi tôi đang loay hoay lo cho vợ thì ông Nhạc đã lái xe bỏ đi từ lúc nào rồi”.

Anh cho biết thêm, lúc đó do rối quá nên có nhờ người dân quanh đó hỗ trợ đỡ cho vợ sinh con. Khi vợ sinh xong, nhân viên của Trạm y tế xã Thống Nhất cũng chạy đến hỗ trợ. Sau đó hơn 1 tiếng người nhà anh mới gọi được một chiếc ô tô khác đến chở chị Yến lên BV tỉnh Bình Phước nhưng đã muộn vì cháu bé đã mất rồi.

“Hiện tại gia đình tôi đang rất đau buồn về sự việc đáng tiếc này nhưng chuyện cũng đã xảy ra rồi. Ông Nhạc và gia đình cũng đã đến thăm hỏi, xin lỗi và bồi thường cho gia đình nên chúng tôi cũng không muốn làm lớn chuyện” - anh Sắc nói.

Lê Ánh

Trách nhiệm của trạm y tế xã đến đâu?

Theo LS Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư số 33/2015 về chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường trong chăm sóc sức khỏe sinh sản. Theo đó trạm y tế xã, phường có nhiệm vụ triển khai các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về quản lý thai; hỗ trợ đẻ và đỡ đẻ thường. Ngoài ra tài liệu chuyên môn hướng dẫn khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường của Bộ Y tế năm 2014 có nội dung: Tất cả thai nghén có nguy cơ cao phải được chuyển tuyến trên. Nếu sản phụ đến trạm y tế xã khi đã chuyển dạ thì cần tư vấn, giải thích để chuyển sản phụ lên tuyến trên và có cán bộ chuyên môn đi hộ tống. Nếu sản phụ chuyển dạ đã gần đến giai đoạn sổ thai thì xã phải liên hệ với tuyến trên, báo cáo tình hình và xin chi viện cụ thể. Chuẩn bị tốt các phương tiện cấp cứu ban đầu, lực lượng hỗ trợ trong các trường hợp cấp cứu ngay lập tức, không thể chuyển tuyến trên. Trước khi chuyển tuyến, tùy theo từng trường hợp mà phải có xử trí thích đáng ban đầu.

Theo LS Dũ, đối chiếu với quy định và hướng dẫn trên thì cán bộ trạm y tế xã đã thiếu trách nhiệm khi để vợ chồng chị Yến tự xử lý trong trường hợp nguy cấp. Vì thế gia đình chị Yến có quyền yêu cầu cả tài xế Nhạc và cả trạm y tế xã bồi thường thiệt hại cho mình (bồi thường ngoài hợp đồng).

LÊ ÁNH - M.CHUNG- N.NGA

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/kho-xu-hinh-su-tai-xe-duoi-san-phu-xuong-xe-853097.html