Khó xuất nông sản chính ngạch: Phải tự cứu lấy mình!

Nông sản Việt đang tồn tại nhiều nghịch lý, trong đó có chuyện doanh nghiệp muốn 'làm ăn ổn định' nhưng không được.

Thị trường khó tính

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ mong muốn được xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường Trung Quốc để có giá trị tăng cao, đảm bảo thanh toán, giám rủi ro. Nhưng hiện mặt hàng nông sản của Việt Nam chỉ có 6 loại được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít.

Chính vì vậy, khi muốn xuất những loại nông sản có nhiều thế mạnh của Việt Nam như bơ, sầu riêng, dừa, khoai lang… qua con đường chính ngạch đều không thể được.

Trong khi đó, Thái Lan có tới 40 mặt hàng, Campuchia là nước đi sau Việt Nam nhưng cũng đã đuổi kịp với 6 loại trái cây.

“Chúng tôi không muốn bán trái cây sang TQ kiểu thương lái theo con đường tiểu ngạch nhiều may rủi. Chúng tôi muốn đường đường chính chính xuất khẩu trái cây, nông sản chất lượng, giá trị cao, có thương hiệu, hợp đồng, thanh toán đảm bảo nhưng lại không được xuất chính ngạch” - ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty TNHH Việt Á Agrifood chia sẻ.

Ngày 4/10/2018, trao đổi với Đất Việt về thực trạng xuất khẩu chính ngạch nông sản Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho biết, thực ra thị trường Trung Quốc là thị trường khó tính chứ không dễ như Anh, Pháp, Nhật Bản...

Vì thế, để được xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc thì Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT của Việt Nam không còn cách nào khác là phải kiên trì, từng bước đàm phán với họ để mở rộng đầu ra cho nông sản.

Nông sản Việt Nam luôn phải chịu nhiều thách thức từ Trung Quốc.

"Đàm phán là thế nhưng để mặt hàng đó có được đồng ý cho xuất khẩu chính ngạch không thì không phải đơn giản. Nó không chỉ phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm phải đạt đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng, thuốc bảo vệ thực vật... mà còn liên quan đến quan hệ giữa hai nước.

Không có chuyện chỉ cần mang nông sản sang Trung Quốc đăng ký chính ngạch là có thể bán được" - ông Nam cho hay.

Theo ông Nam, Việt Nam quen với cách xuất khẩu tiểu ngạch, giờ Trung Quốc chú trọng nhập khẩu chính ngạch nên sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Đặc biệt, chính ngạch của Trung Quốc lại khác xa với các nước trên thế giới.

Trung Quốc thời đầu mở cửa tiểu ngạch cho chúng ta, bởi họ biết rõ trình độ dân trí Việt Nam thấp và công nghệ kém. Từ lâu người dân Việt Nam vẫn "bám" vào con đường tiểu ngạch để giao thương. Nhưng xuất khẩu tiểu ngạch về lâu dài bộc lộ nhiều nhược điểm khi không có chương trình, kế hoạch dài hạn.

Con đường tiểu ngạch cũng không có sự cam kết giữa 2 nước dẫn đến bấp bênh về thị trường, giá cả. Từ đó mới dẫn đến tình trạng tồn hàng, ứ đọng tại các cửa khẩu. Điệp khúc "được mùa mất giá" cứ kéo dài từ năm này sang năm khác mà không có cách giải quyết.

Bài toán chưa có lời giải

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc đẩy mạnh chính sách nhập khẩu nông sản chính ngạch là chiêu bài ép giá thương mại nhưng PGS.TS Nguyễn Văn Nam không đồng tình với quan điểm này.

Ông Nam lý giải: "chính thị trưởng của họ cũng bị rối loạn khi nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu, giá hàng hóa chính ngạch cũng cao hơn tiểu ngạch".

Vị chuyên gia này đưa ra lời khuyên, thị trường Trung Quốc chịu sự chi phối của Nhà nước rất mạnh, thể hiện rõ chính sách quản lý của đất nước họ nên từng thời kỳ và thời điểm mà thị trường Trung Quốc có sự thay đổi làm ảnh hưởng tới việc xuất nhập nhẩu nông sản của Việt Nam.

Nhưng đấy cũng chỉ là một mặt khách quan còn cái chính là Việt Nam phải tự phấn đấu để vươn lên, cứu lấy chính mình.

Ông Nam kể, các nước khác trên thế giới khi làm việc với Trung Quốc họ đàm phán rõ ràng, thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản mà 2 nước đã ký kết. Ngay từ khâu sản xuất trong nước trước khi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng được họ kiểm tra, quản lý rất tốt chứ không thả lỏng như ở Việt Nam.

Để làm vượt qua được khó khăn trước việc Trung Quốc nâng cao chất lượng đầu vào nông sản, Việt Nam không còn cách nào khác là phải kiên trì đàm phán, đồng thời thay đổi chính mình trong việc sản xuất.

"Nhiều nước sợ nông sản Việt Nam sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều. Trong khi người nông dân trong nước lại chưa có nhiều người được phổ biến kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, bản quản sao cho đúng quy cách, giữ chất lượng.

Bên cạnh đó, việc sản xuất còn manh mún, đại trà mà chưa được quy hoạch, định hướng cụ thể... Nếu nông sản Việt Nam muốn phát triển thì phải giải được bài toán này" - ông Nam cho hay.

Vân Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/kho-xuat-nong-san-chinh-ngach-phai-tu-cuu-lay-minh-3366782/