Khoa học sẽ tìm kiếm quái vật hồ Loch Ness bằng công nghệ DNA

Dù chưa từng có một chứng cứ 'chắc như đinh đóng cột' nào rằng Nessie thực sự tồn tại, người ta vẫn muốn tìm kiếm con quái vật này.

Một đội ngũ các nhà khoa học đến từ từ Anh, Mỹ, Đan Mạch, Úc và Pháp đang lên kế hoạch “càn quét” đáy hồ Loch Ness vào tháng 6 tới sử dụng công nghệ eDNA nhằm xác định xem con quái vật hồ Loch Ness nổi tiếng có thực sự tồn tại hay không.

eDNA là một kỹ thuật đã được khoa học sử dụng từ lâu trong việc theo dõi các sinh vật sống dưới nước như cá mập, cá voi. Nó hoạt động dựa trên việc thu thập những mẩu DNA tí hon mà các sinh vật này thải ra dưới dạng da, vảy, lông, phân, nước tiểu… khi di chuyển trong môi trường nước.

“DNA này có thể được tìm thấy, phân đoạn và dùng để nhận diện sinh vật đó bằng cách so sánh các đoạn được tìm thấy với những dữ liệu lớn chứa các đoạn gene từ hàng trăm ngàn sinh vật khác nhau,” giáo sư Neil Gemmell, người phát ngôn của đội ngũ này cho biết.

“Quái vật hồ Loch Ness,” hay còn gọi là Nessie xuất hiện vào khoảng 1.500 năm trước, trên một phiến đá mô tả một con vật có thân rắn. Ghi chép đầu tiên về nó là của một tu sĩ người Ireland, nói rằng ông đã đánh đuổi một “ác thú dưới nước” xuống đáy sâu của sông Ness hồi thế kỷ thứ 6.

Trong thời hiện đại, bức ảnh nổi tiếng nhất của Nessie được biết đến với tên gọi “bức ảnh của bác sĩ ngoại khoa” chụp vào năm 1934 cho thấy hình ảnh một sinh vật nhô cao trên mặt nước. Tuy nhiên 60 năm sau đó, bức ảnh này được tiết lộ là một trò gian dối được tạo nên bằng một con quái vật nhựa gắn vào một chiếc tàu ngầm đồ chơi.

Bức ảnh nổi tiếng này đã bị chứng minh là trò lừa bịp.

Bức ảnh nổi tiếng này đã bị chứng minh là trò lừa bịp.

Từ xưa đến nay, đã có vô số nỗ lực tìm kiếm con quái vật này, trong đó đáng chú ý nhất là hồi năm 2003, khi đài BBC tài trợ cho một nghiên cứu khoa học dùng 600 máy dò sonar và vệ tinh để quét toàn bộ hồ nước. Lần tìm kiếm gần đây nhất là 2 năm trước, khi một drone sục sạo hồ Loch Ness và tìm thấy một con quái vật – chỉ là không phải thứ người ta muốn tìm. Nó chỉ là một mô hình được dùng trong bộ phim “The Private Life of Sherlock Holmes” gần 50 năm trước.

Robot Munin tìm kiếm hồ Loch Ness hồi năm 2016.

Giáo sư Gemmell nói rằng đây không chỉ là một cuộc săn lùng quái vật. “Dù việc tìm kiếm bằng chứng của quái vật hồ Loch Ness là tiêu điểm của dự án, chúng tôi sẽ thu được rất nhiều tri thức mới về các sinh vật sống trong hồ từ cuộc tìm kiếm này.” Theo ông, họ sẽ tìm thấy nhiều chủng loài mới, chủ yếu là vi khuẩn.

Kết quả của cuộc tìm kiếm này sẽ được trình bày vào tháng 1/2019.

Giới khoa học Pháp sửng sốt khi nhận ra cả quốc gia đang bị giun khổng lồ xâm chiếm

Phạm Lê

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tin-tuc/cong-nghe/khoa-hoc-se-tim-kiem-quai-vat-ho-loch-ness-bang-cong-nghe-dna-50401.html