Khỏa thân phản đối chế độ kiểm duyệt của Facebook tại New York

Khoảng 100 người cởi trần trước trụ sở của Facebook ở New York, Mỹ, nhằm phản đối chính sách kiểm duyệt hình ảnh khỏa thân nghệ thuật của mạng xã hội này cũng như Instagram.

Khi bình minh đến với thành phố New York, những người biểu tình trần truồng nằm rạp xuống đường, một tay giơ cao hình ảnh núm vú nam giới, tay còn lại cầm "núm vú" che đi bộ phận sinh dục.

Cuộc biểu tình có tên là #wethenipple (từ "nipple" có nghĩa là núm vú) được tổ chức và chụp ảnh bởi nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế người Mỹ Spencer Tunick và Liên minh Quốc gia Chống Kiểm duyệt (NCAC) hôm 2/6. Ông Tunick, 52 tuổi, là nhiếp ảnh gia người Mỹ nổi tiếng với việc tổ chức các buổi chụp ảnh khỏa thân quy mô lớn.

Người biểu tình khỏa thân cầm "núm vú" nằm xuống đường để phản đối chính sách kiểm duyệt của Facebook và Instagram. Ảnh: Getty.

Các điều khoản hạn chế ảnh khỏa thân

Các thành viên của nhóm nữ quyền Grab Them By The Ballot đã tham gia cuộc biểu tình. Nhóm này tuyên bố "thách thức sự kiểm duyệt ảnh khỏa thân nghệ thuật nữ theo tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook và Instagram".

Hiện mạng xã hội Facebook đã sở hữu Instagram. CNN đã liên lạc với cả hai công ty nhưng không lập tức được phản hồi.

Theo CNN, sứ mệnh của nhóm Grab Them By The Ballot là trao cho phụ nữ xung quanh quyền quyết định cơ thể mình, đồng thời khuyến khích các cử tri nữ bỏ phiếu cho điều này vào năm 2020.

Dawn Robertson, người sáng lập nhóm, cho biết Grab Them By The Ballot đã bị Facebook kiểm duyệt sau khi đăng tải hình ảnh khỏa thân nghệ thuật của phụ nữ.

Cô Robertson nói Facebook đã vô hiệu hóa vĩnh viễn tài khoản quảng cáo của nhóm sau khi họ đăng tải một bức tranh khỏa thân với bài thơ kỷ niệm Ngày của Mẹ. Đồng thời, tài khoản cá nhân của cô cũng đã bị cấm 6 lần sau khi cô đăng tải những hình ảnh nghệ thuật về phụ nữ khỏa thân.

Trong một bức thư, Facebook đã xin lỗi và nói rằng đã sai khi làm như vậy, nhưng cô Robertson cho biết sau đó cô lại bị cấm trở lại.

Các tình nguyện viên khỏa thân tạo dáng chụp hình cho dự án của nhiếp ảnh gia người Mỹ Spencer Tunick, trên dòng sông băng Aletsch lớn nhất dãy núi Alps ở Thụy Sĩ, trong chiến dịch bảo vệ môi trường vì sự nóng lên toàn cầu. Ảnh: Getty.

Theo quy định về cộng đồng của Instagram, hình ảnh khỏa thân cũng bị cấm trên trang web này. "Chúng tôi biết rằng đôi khi mọi người có thể muốn chia sẻ hình ảnh khỏa thân mang tính nghệ thuật hoặc sáng tạo, nhưng vì nhiều lý do, chúng tôi không cho phép ảnh khỏa thân xuất hiện trên Instagram".

"Điều này bao gồm ảnh, video và một số nội dung được tạo ra bằng kỹ thuật cho thấy cảnh quan hệ tình dục, bộ phận sinh dục và cận cảnh mông trần hoàn toàn. Nó cũng bao gồm một số hình ảnh về núm vú phụ nữ, nhưng hình ảnh về sẹo sau phẫu thuật cắt bỏ vú và phụ nữ cho con bú được cho phép", theo chính sách Instagram.

Tương tự, điều khoản của Facebook hạn chế "việc hiển thị ảnh khỏa thân hoặc hoạt động tình dục vì một số người trong cộng đồng của chúng tôi có thể nhạy cảm với thể loại nội dung này".

Các tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook giải thích: "Chính sách về hình ảnh khỏa thân của chúng tôi đã trở nên đa dạng hơn theo thời gian. Chúng tôi hiểu rằng ảnh khỏa thân có thể được chia sẻ vì nhiều lý do, bao gồm cả hình thức phản đối, để nâng cao nhận thức về nguyên nhân, hoặc nhằm giáo dục hoặc vì lý do y tế. Trong trường hợp có ý định rõ ràng như vậy, chúng tôi sẽ cho phép cung cấp nội dung".

Tuy nhiên, cô Robertson nói với CNN rằng sự nhất quán trong chính sách về khỏa thân của Facebook và Instagram là rất thấp. "Nó giống như chơi Roulette Nga (bài Nga)", cô nói. "Tôi không bao giờ biết khi tôi đăng bài họ có gỡ xuống hay không".

Đại diện nhóm nữ quyền cũng thừa nhận rằng không phải tất cả hình ảnh khỏa thân đều phù hợp để hiển thị trên mạng xã hội, nhưng theo cô các điều khoản của Facebook đã lỗi thời.

"Facebook đang buộc thế giới nhìn nhận cơ thể khỏa thân của phụ nữ như một điều tội lỗi và đáng xấu hổ, cần phải làm điều gì đó", cô Robertson lên tiếng.

Nghệ thuật gây tranh cãi

Nhiếp ảnh gia Tunick đã tạo ra hơn 120 bức ảnh khỏa thân quy mô lớn tại các khu vực công cộng trên khắp thế giới, khiến tên tuổi của ông được biết đến rộng rãi.

Gần đây nhất là buổi chụp hình ở Melbourne, Australia, vào tháng 7/2018. Năm trăm người thỏa thân đã tụ tập tại bãi đậu xe của siêu thị Woolworth để thực hiện dự án "Return of the Nude" do Spencer Tunick tổ chức trong thời tiết 9 độ C. Hoạt động nhằm hưởng ứng lễ hội nghệ thuật Provocaré của thành phố. Theo nhiếp ảnh gia, dự án đã thu hút hơn 12.000 người đăng ký tham gia.

Người tham gia tạo dáng trong dự án chụp ảnh khỏa thân "Return of the nude" của nhiếp ảnh gia Spencer Tunick vào ngày 9/7/2018 tại Melbourne, Australia. Ảnh: Getty.

Nghệ sĩ Tunick không còn xa lạ với các tranh cãi. Ông đã bắt đầu chụp những bức ảnh khỏa thân đám đông tại nhiều nơi trên thế giới từ đầu những năm 1990. Ông có các dự án được thực hiện ở sa mạc Nevada và Biển Chết.

Trong video về buổi chụp hình được đăng tải trên Instagram ngày 2/6, ông Tunick nói rằng "không có lý do gì để Facebook hay Instagram kiểm duyệt video này hoặc chặn các hashtag".

Tại Mỹ, công việc của ông Tunick đặc biệt gây tranh cãi. Nhiếp ảnh gia đã nhiều lần bị bắt. Ông từng là đối tượng trong vụ tranh chấp giữa Tòa án Tối cao Mỹ và cựu thị trưởng New York, Rudy Giuliani, người đấu tranh cho quyền chụp ảnh khỏa thân trong thành phố.

Mặc dù còn vấp phải khó khăn về pháp lý, ông Tunick tin rằng thái độ đối với ảnh khỏa thân đang dần "được tự do hóa" trên toàn thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi đầu năm nay, ông thậm chí còn ghi nhận sự phát triển của Instagram như một yếu tố góp phần thay đổi điều này.

"Khỏa thân là một phần tranh luận của chúng tôi hiện tại. Nó không phải là điều cấm kỵ", ông Tunick cho biết. "Tôi nghĩ đó là một điều tuyệt vời, nhưng đồng thời vẫn có thể nguy hiểm khi khỏa thân ở nơi công cộng vì điều này bị cấm. Vì nghệ thuật và vì ảnh khỏa thân", ông lên tiếng ủng hộ.

Hà Lan
Theo CNN

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khoa-than-phan-doi-che-do-kiem-duyet-cua-facebook-tai-new-york-post952991.html