Khỏa thân rồi đưa vào bài giảng: Truyền thông bẩn?

Tham gia vào nhóm khỏa thân tại nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama rồi đưa hình ảnh liên tưởng vào trong bài giảng của mình là do vấn đề đạo đức.

Người đàn ông có tên H. - chủ một công ty chuyên về truyền thông - marketing là 1 trong 4 người trực tiếp tham gia vào việc khỏa thân, dừng chân tại nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) vừa tung ra hình ảnh 4 con lợn đi phượt làm giáo cụ trực quan sinh động trong lớp học về khủng hoảng truyền thông do chính mình mở ra.

Trong bài giảng của H. nói rõ hai vấn đề "tạo khủng hoảng" và "khủng hoảng chủ động".

Ở phần khủng hoảng chủ động, ông H. có viết về khâu xác định nguồn đối tượng chính là… ta, người sẽ tấn công ta là người ghét ta, rủi ro gặp phải sẽ là tạo hình ảnh xấu.

Hình ảnh 4 chú lợn khỏa thân vào trong bài giảng của người đàn ông tên H.

Hình ảnh 4 chú lợn khỏa thân vào trong bài giảng của người đàn ông tên H.

Nhưng quan trọng nhất là mục "xác định cơ hội, được lợi gì" thì ông H. đưa ra luôn là: Tên tuổi và thông điệp môi trường.

Còn nhớ, trước đó, ông H. đã gửi lời xin lỗi tới mọi người về việc cùng nhóm bạn khỏa thân ở đèo Mã Pì Lèng và chấp nhận xử phạt.

Tuy nhiên, với những diễn biến mới nhất đến từ người đàn ông này thì nhiều người cho rằng, việc khỏa thân ở Mã Pì Lèng và lên tiếng xin lỗi mọi người chỉ là chiêu trò, đã được lên kế hoạch từ trước nhằm đánh bóng tên tuổi và phục vụ cho lợi ích cá nhân chứ không có chuyện "bảo vệ môi trường".

Ngày 14/10, trao đổi với Đất Việt, TS Phạm Đức Trọng - giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân thừa nhận, trong hoạt động kinh tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp dùng chiêu trò "truyền thông bẩn" để gây dựng hình ảnh của mình để thu hút được sự chú ý của dư luận.

"Trong marketing có khâu giải quyết khủng hoảng chứ không có "tạo ra khủng hoảng" để bán hàng. Tuy nhiên, nhiều người đã biến tướng, cố tình tạo ra khủng hoảng để bán được hàng. Việc cố tình tạo ra khủng hoảng có 2 vấn đề, một là nếu kiểm soát được thì sẽ có tác dụng tốt nếu doanh nghiệp đó biết sửa lỗi, gây được cảm tình của dư luận. Tuy nhiên, việc giải quyết khủng hoảng này phải dựa trên tinh thần cầu thị, nhận ra được cái sai của mình, biến mình trở thành nạn nhân.

Hai là, việc tạo ra khủng hoảng nơi như "tự đào mộ chôn mình" nếu như doanh nghiệp, cá nhân sau đó không tự giải quyết được vấn đề" - ông Trọng cho biết.

Bốn người đàn ông khỏa thân trên đèo Mã Pì Lèng khi dư luận đang lên tiếng phản ứng về việc nhà hàng được xây dựng ở đây phá cảnh quan thiên nhiên.

Với sự việc của người đàn ông tên H., TS Phạm Đức Trọng cho rằng, đây rõ ràng là một biểu hiện của "truyền thông bẩn" khi các dữ kiện xảy ra liên tiếp nhau, được thực hiện một cách thái quá, gây mất thiện cảm đối với nhiều người.

"Đây là đạo đức trong kinh doanh. Với doanh nghiệp hay một cá nhân nào đó việc hoạt động kinh tế ngoài việc sinh ra lợi nhuận thì còn phải tạo ra giá trị cho xã hội. Tuy nhiên, hành động của người đàn ông này chỉ có thể tạo ra lợi nhuận cho cá nhân mình mà bị dư luận phản ứng, tạo giá trị xấu cho xã hội" - ông Trọng nói.

Vị chuyên gia trong lĩnh vực marketing này cho hay, cơ quan chức năng cần vào cuộc để xử lý đích đáng hành vi này vì "người nào cũng vì mục đích cá nhân, làm xấu đi hình ảnh của xã hội thì không thể khiến cho đất nước phát triển".

Một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực truyền thông ở Việt Nam cũng cho biết, việc khỏa thân bảo vệ môi trường ở đèo Mã Pì Lèng của 4 người đàn ông trong thời gian qua là một sự việc phản cảm. Trong khi nhiều người đang lên tiếng phản ứng gay gắt việc vi phạm pháp luật, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên của nhà hàng thì một nhóm người lại lợi dụng việc này để quảng cáo hình ảnh cho bản thân mình.

"Có nhiều cách để tạo ra hình ảnh của bản thân nhưng có hành động phản cảm để tạo ra điều đó thì cho thấy đạo đức của người thực hiện đang có vấn đề, thậm chí còn được coi là chạy theo đồng tiền. Bất chấp mọi quy chuẩn đạo đức xã hội thông thường để thực hiện có chủ đích, điều đó không những không tạo ra một thông điệp hữu ích nào mà còn khiến cho dư luận phản ứng gay gắt. Thái độ của dư luận chính là thước đó chính xác nhất cho việc truyền thông bẩn..." - vị chuyên gia này nói.

Vân Ngọc

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/khoa-than-roi-dua-vao-bai-giang-truyen-thong-ban-3389464/