Khoa Văn trường Vinh - mất, còn...

Biết chuyện khoa Văn trường Vinh được sáp nhập với khoa Sử, Địa, Chính trị để thành lập Viện Sư phạm xã hội Đại học Vinh, anh Nguyễn Như Khôi, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An, chia sẻ: 'Khoa Văn mất tên, người ta làm cả bài ai điếu! Nhưng tôi nghĩ là thời thế, đành phải chấp nhận'. Ngẫm cho cùng, không chỉ khoa Văn mà mấy khoa bạn cũng mất tên khi cùng nhau vào một viện.

Các giảng viên Khoa văn Đại học sư phạm Vinh những năm 1960-1970 (Tư liệu)

Các giảng viên Khoa văn Đại học sư phạm Vinh những năm 1960-1970 (Tư liệu)

Trường Đại học Sư phạm Vinh ra đời những năm 1960, với ban đầu chỉ có hai ban là Ban Văn Sử và Ban Toán Lý. Sau 60 năm, khoa Văn, Đại học Vinh đã đào tạo hơn 10.000 sinh viên ĐHSP chính quy, gần 2.500 sinh viên ĐHSP tại chức, hơn 1.500 cử nhân khoa học chính quy, gần 1.300 cử nhân khoa học tại chức và liên kết, hơn 1.500 thạc sĩ và 35 tiến sĩ. Giảng viên của khoa với nhiều trí thức tên tuổi như các thầy Nguyễn Duy Bình, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Khắc Phi, Lê Bá Hán, Lê Hoài Nam, Trần Đình Sử, Nguyễn Quang Hồng, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Thái Hòa, Nguyễn Xuân Đức…

Khoa Văn, Đại học Vinh-nay được chuyển thành ngành Ngữ văn thuộc Viện Sư phạm xã hội-Trường Đại học Vinh.

Văn tế

Biết chuyện khoa Văn trường Vinh được sáp nhập với khoa Sử, Địa, Chính trị để thành lập Viện Sư phạm xã hội Đại học Vinh, anh Nguyễn Như Khôi, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An, chia sẻ: “Khoa Văn mất tên, người ta làm cả bài ai điếu! Nhưng tôi nghĩ là thời thế, đành phải chấp nhận”. Ngẫm cho cùng, không chỉ khoa Văn mà mấy khoa bạn cũng mất tên khi cùng nhau vào một viện.

Anh Lưu, giảng viên dạy tại khoa Ngữ văn tác giả cuốn: “Giai thoại khoa Văn” (lấy bút danh Phương Mỹ). Anh Lưu nói: “Khoa Văn mất tên, lòng tôi nhiều xúc cảm, nên cất công sưu tầm in cuốn sách để các thế hệ sau nhớ tới khoa Văn”.

“Giai thoại khoa Văn” kể chuyện thầy K mỗi lần đi dạy dường như chỉ mặc một cái quần. Sinh viên cứ cãi nhau xem rút cục thầy có bao nhiêu cái quần, họ bèn chấm mực xuống ghế cho thầy ngồi dính vào. Hôm sau, thầy đi dạy, không thấy có dấu mực ở mông, bèn kết luận: “Thầy có hai
cái quần”.

Lại có giai thoại giảng viên trong khoa mất xe đạp, trưởng khoa vội đến làm công tác tư tưởng. Trưởng khoa bảo với khổ chủ: “Có xe đạp, trẻ con ham đi dễ bị tai nạn. Không có xe đạp, thầy đi bộ đến giảng đường khỏi cần tập thể dục”. Giảng viên tấm tắc: “Ừ nhỉ! Mất xe đạp hóa ra lại may!”.

Cuốn “Giai thoại khoa Văn” (Nhà xuất bản Đại học Vinh, 2019) cũng có nói tới bài “Văn tế Khoa sư phạm Ngữ văn” chưa rõ tác giả đang được lưu hành trên internet với những câu: “Nhớ các bậc anh hào một thủa/ Tay bút nghiên mà mở cơ đồ/ Dày công xây móng đắp bờ/ Chung tay xây dựng một lá cờ trường Vinh”.

Ký ức “cấp 4”

Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Vinh được xây dựng trên mảnh đất thành Vinh nắng gió Lào khắc nghiệt, những năm chiến tranh trường đi sơ tán nhiều nơi, cơ sở vật chất thuộc loại thiếu thốn nhất trong các trường đại học, nhưng tình cảm thầy trò khoa Văn trường Vinh rất gần gũi thân thương, ít khoảng cách.

Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập khoa Ngữ văn, giảng viên của khoa là tiến sĩ Biện Minh Điền kể về khi thầy nhập học trường Đại học Vinh. “Trung tuần tháng 8/1975, tôi đến trường ĐHSP Vinh, nhập học. Nhìn về phía rìa nằm trong khu vực của trường, thấy có ánh đèn, tôi “liều mạng” lần vào. Một căn nhà cấp 4 nhỏ nhoi, lọt thỏm giữa những mía và cỏ lau. Chào bác! Cháu là sinh viên mới, đến nhập học Trường ĐHSP Vinh, khoa Văn. Trời tối quá rồi, chẳng biết đi về đâu, xin bác cho cháu nghỉ trọ lại đây một đêm, cháu ở ngoài thềm cũng được. Chủ nhà - một người phụ nữ thật hiền lành, đôn hậu: “Mời cháu cứ nghỉ lại đây”.

Người sinh viên nghèo ngủ một đêm, tỉnh dậy thì thấy chủ nhà đã dậy từ lúc nào và mời tân sinh viên ăn sáng: “Cô Nhung (lúc này thì tôi đã biết tên cô): “Cháu đánh răng, rửa mặt, rồi mời vào ăn sáng với gia đình cô. Ăn sáng bằng cơm rang mỡ. Cô cho biết: “Đây là nhà tôi - anh Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Vinh”. Thầy Lê Hoài Nam cũng chính là một chuyên gia văn học Việt Nam.

Tác giả bài báo và Phương Mỹ (phải) người viết “Giai thoại khoa Văn”. Ảnh: Tiến sĩ Phan Huy Dũng

Những năm 1988, khoa Văn trường Vinh cũng vẫn còn rất xập xệ, nằm không xa ruộng rau muống. Kim Chi, sinh viên khóa 29 kể: “Tôi học trường chuyên và là học sinh giỏi quốc gia. Lúc nhập học khoa Ngữ văn, cứ nghĩ giảng đường là một tòa nhà tráng lệ lắm. Đến lúc vào trường, tôi ngơ ngác hỏi cô văn thư: “Giảng đường ở đâu cô ơi?”. Cô chỉ dãy nhà cấp bốn trước mặt: “Giảng đường là đây chứ đâu nữa”. Nghe thấy thế, tự dưng nước mắt tôi tuôn hai hàng”.

Khu tập thể của giảng viên cũng chẳng khá hơn là bao. Mỗi giảng viên được cấp một căn phòng hẹp trong dãy nhà cấp bốn kéo dài. Thầy Hào nhà ở khu tập thể ấy, sát vách với một thầy giáo dạy quân sự. Thầy dạy quân sự kiếm thêm thu nhập bằng nghề làm pháo. Ai dè một hôm mưa, thuốc pháo ẩm, thầy dạy quân sự cho pháo vào nồi áp suất để hong khô. Thầy vừa đi ra ngoài thì thuốc pháo nổ như trái bom, thổi bay cánh cửa và cái mái nhà lên trời.

Tấm lòng hiếu học

Giáo sư Trần Đình Sử (từng là giảng viên khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh) nay ở Hà Nội, nhận xét: “Mình hướng dẫn khá nhiều nghiên cứu sinh đến từ các tỉnh thành. Riêng thạc sĩ, nghiên cứu sinh của Đại học Vinh tôi luôn đánh giá cao sự đam mê khoa học và sự nghiêm túc của họ”.

Tiến sĩ Trương Đăng Dung (Viện Văn học) cũng nhận xét: “Tôi được khoa Ngữ văn của Đại học Vinh mời vào giảng dạy. Mỗi lần chia tay các bạn, tôi đều thấy lưu luyến vì đức tính hiếu học và tôn sư trọng đạo của các bạn”.

Ở dải đất miền Trung, con người hiếu học nhưng một thời kinh tế khó khăn, không dễ gì theo đuổi giấc mơ đại học. Thanh Tâm, sinh viên khóa 29 Văn kể rằng khi đi xem điểm đại học, thấy có một bạn đứng ôm cột điện khóc. Tâm mới hỏi: “Bạn trượt à? Bạn tên gì?”. Cô bạn kia vừa khóc vừa đáp: “Mình tên là Hảo Yến. Mình đậu khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh rồi. Nhưng bố mình nói gia đình khó khăn quá, không cho mình đi nhập học”. Tâm bèn động viên cô bạn mới: “Bạn cứ đi học, khó khăn thì chúng ta chia sẻ cùng nhau”.

Về dự kỷ niệm 60 năm khoa Văn, cô bé Hảo Yến năm xưa nay đã là một tiến sĩ Ngữ văn giảng dạy tại Đại học Hồng Đức. Thanh Tâm, người đã khuyên nhủ bạn mình theo đuổi giấc mơ sinh viên khoa Văn nay làm việc tại trường Sư phạm mẫu giáo Trung ương Hà Nội. Sinh viên Kim Chi, người đã khóc khi nhìn thấy giảng đường mơ ước của mình là dãy nhà cấp bốn rêu phong, sau là Giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Nghệ An.

Câu đối mới

Trường Đại học Vinh nay cơ sở vật chất khang trang không kém gì các trường đại học quốc tế, đào tạo đa ngành. Những giảng đường cấp 4 cũ kỹ bên ruộng rau của những năm 1990 nay chỉ còn là ký ức.

Việc xóa tên khoa Văn trường Vinh đã thành “giai thoại” mới, đã xuất hiện “Văn tế khoa văn” xôn xao giới văn chương cả nước. Nhưng theo tiến sĩ Phan Huy Dũng; “Việc đào tạo văn chương tại Đại học Vinh vẫn được duy trì. Ngành ngữ văn vẫn là một ngành đào tạo chính của Viện Sư phạm Xã hội, Đại học Vinh”.

Kỷ niệm 60 năm khoa Văn, Đại học Vinh, các sinh viên tổ chức hội trại. Trong một trại, chúng tôi thấy trưng bày rất nhiều giáo trình, các sách nghiên cứu do các thế hệ giảng viên của khoa Văn, Đại học Vinh viết.

Chúng tôi nhìn thấy câu đối về Viện Sư phạm Xã hội, Đại học Vinh
như sau:

“Lật giở truyền thống khoa, phấn khởi tự hào bao quả ngọt

Đắp xây tiền đồ viện, tràn đầy hy vọng những mùa vui”.

T.N.A, tháng 10/2019

Trần Nguyễn Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/khoa-van-truong-vinh-mat-con-1477164.tpo