Bài 2: Phát triển ngành khoai tây bền vững gắn với chế biến

Thiếu hụt nguồn nguyên liệu khiến Việt Nam phải nhập khẩu, phát triển ngành khoai tây bền vững gắn với chế biến là vấn đề đang được đặt ra. Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thế Giới Tiếp Thị Online xung quanh vấn đề này.

Ông có thể chia sẻ về nguồn nguyên liệu khoai tây dành cho chế biến tại Việt Nam hiện nay, thưa ông?

- Nếu như ngược lại lịch sử trồng khoai tây cách đây khoảng 20-30 năm, có những năm thuộc thập niên 70 thì diện tích khoai tây của Việt Nam lên tới trên 100 nghìn ha. Khi đó, vào vụ Đông, phong trào trồng khoai tây diễn ra rộng khắp và khoai tây Việt Nam thương phẩm thời điểm đó còn dùng phục vụ cho chăn nuôi và xuất khẩu sang Liên Xô.

Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT).

Sau đó, diện tích khoai tây giảm nhanh. Hiện, diện tích trồng khoai tây của Việt Nam vào khoảng 21-22 nghìn ha, năng suất bình quân khoảng 14-15 tấn/ha, sản lượng khoai tây đạt khoảng 350 ngàn tấn.

Trong đó, khoai tây cho chế biến chỉ khoảng trên dưới 100 ngàn tấn, còn lại phần lớn là khoai tây trồng thay cho thực phẩm ăn tươi, người tiêu dùng có thể mua khoai tây để hẩm xương, xào, nấu…

Khoai tây dành cho nguyên liệu chế biến diện tích trồng so với diện tích khoai tây chung không phải là lớn. Tuy nhiên, yêu cầu cho chất lượng của khoai tây dành cho chế biến thì khác hoàn toàn so với khoai tây thương phẩm.

Cụ thể, loại khoai cho chế biến yêu cầu chất lượng riêng, trong đó đặc biệt chú ý đến hàm lượng tinh bột, chất khô và đặc biệt là đường khử. Nếu đường khử cao thì dùng để ăn tươi như rán, ninh, nấu nướng thì ngon và bở, nhưng nếu dùng cho chế biến thì không hợp vì sẽ bị cháy.

Hiện tại, số lượng giống khoai tây dành cho chế biến tại Việt Nam không nhiều, chỉ có khoảng 2-3 giống phù hợp, ví dụ atlantic rất phù hợp cho chế biến, còn lại các giống khoai khác là do chúng ta lai tạo ra hoặc nhập từ Đức và Hà Lan,…

Như vậy, một loạt các nhà máy chế biến khoai tây theo kiểu làm chips hoặc khoai rán hoặc làm 1 số các sản phẩm khác thì cũng phải nhập khẩu nguyên liệu từ một số các quốc gia khác để đưa vào chế biến ở Việt Nam.

Nhu cầu của nhà máy Orion khoảng 18 ngàn và dự báo đến năm 2019 là 22 ngàn, Pesico cũng khoảng vài chục ngàn tấn và một số các nhà máy khác nữa. Với các kế hoạch cụ thể của các nhà máy chế biến khoai tây như vậy, Cục Trồng trọt có hoạch định gì để đón đầu nhu cầu này không thưa ông?

- Để khoai tây phát triển bền vững thì cần gắn với chế biến và tiêu thụ. Việc này sẽ góp phần gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất và tạo ra công ăn việc làm đồng thời cũng nâng cao được vị thế của nông sản Việt Nam.

Khoai tây chiên là món ăn được nhiều người yêu thích.

Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và chương trình hợp tác của Bộ NN-PTNT với Trung tâm Nghiên cứu khoai tây quốc tế (CIP) cũng như một số các tổ chức khác, hiện tại, Cục trồng trọt cũng tham mưu với Bộ NN-PTNT chuẩn bị xây dựng 1 đề án phát triển khoai tây bền vững gắn với chế biến. Bộ NN-PTNT cũng chủ trương phục hồi diện tích khoai tây đã được phát triển từ những năm trước đây.

Khoai tây là cây chi phí đầu vào về giống cao. Mặc dù, Việt Nam cũng đã có các chính sách đầu tư của nhà nước cho các chương trình giống, các địa phương cũng đã hỗ trợ giống. Tuy nhiên, các giống khoai vẫn chủ yếu tiếp cận ở thực phẩm ăn tươi, còn cho chế biến thì rất ít.

Sắp tới, để phát triển ngành khoai tây gắn với DN chế biến sâu cần có sự kết hợp hài hòa và hiệu quả giữa các DN, các đơn vị tham gia chế biến với hệ thống nghiên cứu chọn tạo giống, thì mới giải quyết được khâu giống.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác là hết sức cần thiết. Do cây khoai tây chỉ trồng trong 3 tháng và thu hoạch rất tập trung cũng chỉ trong 1 tháng ở vụ Đông và 1 tháng nữa ở vụ Xuân Hè. Tuy nhiên, hiện nay lao động ở nông thôn hiện nay chuyển dịch mạnh sang lĩnh vực thương mại, công nghiệp, dịch vụ, nếu như không áp dụng được cơ giới hóa từ làm đất, vun xới, thu hoạch thì việc mở rộng khoai tây sản xuất gặp khó khăn.

Mặt khác, chính sách đất đai, quy mô sản xuất của nông dân hiện nhỏ lẻ, trong khi quỹ đất trồng khoai tây ở địa phương hiện nay trên chân đất vàng và vàng cam. Do đó, nếu như có chính sách dồn điền đổi thửa, và nếu như nông dân có đủ lực để đầu tư thì 1 hộ có thể sản xuất 5-10 ha, đầu tư sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm và đảm bảo ứng dụng tốt cơ giới hóa sẽ giúp tăng năng suất và giá thành giảm.

Trong đề án có đưa ra về diện tích tăng như thế nào và sự thay đổi của khoai tây chế biến và thương phẩm ra sao thưa ông?

- Khoai tây trong đề án sẽ có sự tính toán để có sự phối hợp tốt hơn giữa khoai tây thương phẩm nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và khoai tây chế biến. Khoai tây chế biến cần có sự nghiên cứu, chọn tạo ra các giống có tiêu chí chất lượng phù hợp với chế biến, nhất là hàm lượng tinh bột, chất thô và đường khử. Hiện đã có 1 tập đoàn hàng chục giống đã được khảo nghiệm, đánh giá và sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ tiến hành công nhận 1 số giống đáp ứng được yêu cầu chế biến của các DN.

Xin cám ơn ông!

LÊ HẬU

Theo thông tin từ Cục Trồng trọt, giai đoạn 2013 - 2017, diện tích trồng khoai tây tăng từ 16.700 ha lên 19.000 ha. Nhưng theo Đề án Bộ NN-PTNT đang xây dựng, mục tiêu giai đoạn 2018 - 2023 sẽ giữ ổn định diện tích trồng khoai tây trong khoảng 30.000 ha và trong 5 năm tiếp theo sẽ nâng lên khoảng 35.000 - 40.000 ha.

Bài 3: Bắt đầu hành động từ khâu giống

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/bai-2-phat-trien-nganh-khoai-tay-ben-vung-gan-voi-che-bien-16315.html