'Khoai tây chiên Bỉ' muốn mở rộng thị phần tại thị trường Việt

Chậm chân hơn các công ty Mỹ và Trung Quốc về thị phần khoai tây ở Việt Nam, nhưng các 'ông lớn'trong lĩnh vực xuất khẩu khoai tây của Bỉ vẫn muốn gia nhập cuộc chơi giành thị phần.

Nhiều cơ hội

5 nhà xuất khẩu khoai tây lớn của Bỉ là Agristo, Bart’s Potato Company, Clarebout Potatoes, Ecofost và Mydibel đã đại diện nhóm “khoai tây chiên Bỉ” sang Việt Nam tìm kiếm, mở rộng mạng lưới kinh doanh nhằm tăng thị phần của họ tại đây.

Mặc dù có phần chậm chân hơn các đối thủ Trung Quốc, Mỹ, nhưng các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu khoai tây của Bỉ tin có nhiều cơ hội để gia nhập vào thị phần khoai tây ở Việt Nam.

Động thái này nằm trong chiến dịch mở rộng gia tăng xuất khẩu vào khu vực Đông Nam Á và Việt Nam là thị trường thứ năm (sau Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) trong kế hoạch. Năm 2017 vừa qua cũng là “năm ra mắt” của khoai tây chiên Bỉ tại khu vực Đông Nam Á và tìm kiếm cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Bỉ là quốc gia xuất khẩu khoai tây đông lạnh lớn nhất thế giới, đạt 90% tổng sản lượng xuất khẩu toàn cầu. Riêng năm 2016, tỷ lệ xuất khẩu khoai tây chiên của Bỉ tăng 14,3% (đạt mức 1,6 triệu tấn) so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu khoai tây chiên đông lạnh của Bỉ sang Việt Nam năm 2017 đạt trên 2.000 tấn (khoảng 2,853 triệu USD) và con số này dự kiến tăng cao trong thời gian ngắn sắp tới khi các doanh nghiệp Bỉ đang đẩy mạnh phân phối và hệ thống nhận diện sản phẩm của mình tại thị trường này.

Theo ông Romain Cools, Tổng thư ký Hiệp hội Ngành công nghiệp chế biến và sản xuất khoai tây Bỉ, Việt Nam đã nhập khẩu 146.582 tấn khoai tây tươi từ Trung Quốc và tăng 72% trong vòng 5 năm trở lại đây. Con số này gần bằng một nửa năng suất trồng khoai tây của Việt Nam. Trong khi đó, diện tích trồng khoai tây của Việt Nam đang giảm dần, hiện chỉ khoảng 21.000 ha. Tổng sản lượng khoai tây của Việt Nam chỉ đạt khoảng 300.000 tấn/năm.

Đó là chưa kể, Việt Nam trở thành nhà nhập khẩu khoai tây lớn thứ hai của Trung Quốc (sau Malaysia) với mức giá nhập khẩu trung bình từ 781 euro/tấn (21,21 triệu đồng/tấn). Trong khi, giá khoai tây của Bỉ xuất khẩu trung bình vào Việt Nam là 773 euro/tấn và của Mỹ là 1.102 euro/tấn.

Mặc dù Việt Nam không nằm trong dánh sách những quốc gia có nhu cầu lớn về khoai tây chiên và các doanh nghiệp Bỉ có phần chậm chân hơn các đối thủ Trung Quốc, Mỹ, nhưng họ tin có nhiều cơ hội và sẽ chọn thị trường ngách để tiến vào.

Ông Romain Cools phân tích, Việt Nam là thị trường có nhiều cơ hội để mở rộng kim ngạch xuất khẩu bởi sự gia tăng tầng lớp trung lưu, đô thị hóa và dân số trẻ. Ngoài ra, ngành công nghiệp khoai tây chiên đông lạnh Bỉ đã sẵn sàng để đáp ứng cho những đòi hỏi với tiêu chuẩn cao, cũng như sự đổi mới từ các món ăn châu Âu và hương vị độc đáo của món khoai tây chiên từ người tiêu dùng châu Á.

Không “bành trướng vòi bạch tuộc”

Trong các tiệm đồ ăn nhanh Mcdonald’s, KFC, Loteria, Jollibee, Burger King, Domino’s Pizza… đến các nhà hàng, khách sạn, quán ăn nhỏ trên đường phố đông đúc… đâu đâu cũng hiện diện món khoai tây chiên.

Khoảng 3 năm trở lại đây, ông Dario Miraglia, Quản lý thương mại khu vực Ecofost, một trong 5 tập đoàn gia đình “khoai tây Bỉ” đều đặn đến Việt Nam 2 lần/năm để quan sát diễn biến thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo ông, khoai tây chiên hiện diện khắp mọi nơi, nhưng chất lượng thì còn hạn chế. Có thể, do nguồn nguyên liệu chưa chuẩn hoặc đầu bếp chưa chiên đúng cách. “Cơ hội để Ecofost cùng các doanh nghiệp Bỉ đến Việt Nam là mang theo nguồn nguyên liệu chuẩn và kỹ thuật chiên để người dân dần coi đây là món ăn chính, thay vì đi kèm với humbuger”, ông Dario Miraglia nói.

Trong khi đó, ông Romain Cools nhấn mạnh: “Chúng tôi không cạnh tranh trực tiếp với đối thủ Trung Quốc, với các ông lớn trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh của Mỹ đã hiện diện ở Việt Nam, cũng như các món ăn truyền thống trên đường phố của các bạn. Chủ yếu là các công ty gia đình lâu đời, nên chúng tôi muốn tạo thêm sự đa dạng trong việc lựa chọn đồ ăn nhanh cho người tiêu dùng, nhất là các bạn trẻ”.

Các doanh nghiệp Bỉ sẽ bắt tay với các công ty của Việt Nam cùng phát triển kinh doanh thay vì “bành trướng vòi bạch tuộc” như các công ty lớn tại các quốc gia khác thường làm. Họ có thể cân nhắc đến việc đầu tư một vài nhà máy ở Việt Nam, vì hiện ở Trung Quốc cũng có một số doanh nghiệp Bỉ đầu tư nhà máy lớn để xuất khẩu đi các thị trường lân cận.

Bên cạnh đó, Bỉ sẽ hướng đến hoạt động chuyển giao công nghệ và khoa học cho người dân Việt Nam nhằm gia tăng sản lượng cây trồng trên đồng ruộng.

Bỉ là nơi có nền văn hóa khoai tây chiên lâu đời và có kim ngạch xuất khẩu cao nhất thế giới. Mới đây, sản phẩm khoai tây chiên phong cách Bỉ cũng vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là bước đầu để các nhà xuất khẩu khoai tây chiên của Bỉ mang sản phẩm ẩm thực đặc sắc của mình ra thị trường thế giới, nhất là khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Anh Hoa

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/khoai-tay-chien-bi-muon-mo-rong-thi-phan-tai-thi-truong-viet-d81802.html