Khoản đầu tư hàng tỷ USD của Trung Quốc bị đe dọa vì binh biến Myanmar

Trung Quốc mong muốn sự ổn định chính trị để hoàn thành các dự án Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, chính biến ở Myanmar đã đẩy nước này vào tình thế khó.

Theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, tình hình chính trị bất ổn tại Myanmar là mối đe dọa đối với các khoản đầu tư lớn mà Trung Quốc đã đổ vào nước này. Nguồn tin tiết lộ Trung Quốc phản ứng thận trọng với chính biến ở Myanmar "bởi nước này nắm giữ lợi ích kinh tế cao tại đây và có quá nhiều thứ để mất".

Theo nhà khoa học chính trị Enze Han tại Đại học Hong Kong, Trung Quốc không mong muốn những thay đổi chế độ mạnh mẽ có thể gây bất ổn cho Myanmar. Ông cho rằng chính phủ và các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ "im hơi lặng tiếng", quan sát và chờ đợi diễn biến mới từ nước láng giềng Đông Nam Á.

Hồi giữa tháng 1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi để ký các thỏa thuận song phương cho dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar. Ảnh: AP.

"Quá nhiều thứ để mất"

Theo ông Han, mối quan hệ giữa Trung Quốc và chính quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Myanmar "đang rất tốt". Các nhà quan sát cho rằng chuyến thăm cấp cao của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới Myanmar hồi giữa tháng 1 là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ ngày càng sâu sắc.

Ông Vương Nghị đã gặp bà Aung San Suu Kyi - lãnh đạo của NLD - để ký các thỏa thuận song phương cho dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar.

Hành lang kinh tế này trải dài từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đến bờ biển của Myanmar trên Vịnh Bengal. Đây là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Thỏa thuận giữa Myanmar và Trung Quốc được định giá 100 tỷ USD, bao gồm 38 dự án cơ sở hạ tầng lớn đã lên kế hoạch.

Bất ổn chính trị tại Myanmar có thể ảnh hưởng đến khoản đầu tư hàng tỷ USD của Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Trung Quốc bắt đầu mở rộng hợp tác kinh tế với Myanmar kể từ năm 2011, khi quốc gia Đông Nam Á bắt đầu quá trình chuyển đổi dân chủ sau gần 50 năm cầm quyền của quân đội.

Trong 10 năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu, "chủ nợ" lớn nhất và nằm trong số ba nguồn đầu tư trực tiếp ngoài hàng đầu của nền kinh tế 71 tỷ USD.

Phản ứng thận trọng

Theo nhà phân tích cao cấp của một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Yangon, Trung Quốc "đã phát triển phạm vi tiếp cận và ảnh hưởng với tất cả thành phần quan trọng của Myanmar, bao gồm các lực lượng vũ trang, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, nhiều tổ chức và tập đoàn kinh doanh".

Trung Quốc phản ứng thận trọng với chính biến ở Myanmar bởi nước này nắm giữ lợi ích kinh tế cao tại đây và có quá nhiều thứ để mất

- Nguồn tin của Nikkei Asian Review

"Chính quyền Trung Quốc tin rằng chiến lược sẽ không thành công nếu chỉ ủng hộ phe này hoặc phe kia trong nền chính trị phức tạp của Myanmar", người này nói thêm.

Tuy nhiên, Nikkei Asian Review nhận định cuộc binh biến mới đây của Myanmar đã đẩy Bắc Kinh vào tình thế khó xử.

Theo giới quan sát, Trung Quốc đang tìm kiếm ngôn từ thích hợp để lên tiếng, nhằm tạo sự cân bằng giữa hai phe phái chính trị - quân đội và phong trào ủng hộ dân chủ của Myanmar. Bởi họ muốn vun đắp mối quan hệ bền chặt với quốc gia láng giềng Đông Nam Á.

"Khi NLD lên nắm quyền, Trung Quốc đã dành nỗ lực rất lớn để chiếm lấy sự ủng hộ của chính quyền. Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar được khởi động nhưng không được công bố rộng rãi trong nhiệm kỳ của bà Suu Kyi", ông Khin Zaw Win, Giám đốc Viện Tampadipa, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Yangon, nói với Nikkei Asia Review.

"Trung Quốc dự kiến đẩy mạnh dự án sau cuộc bầu cử năm 2020", ông nói thêm.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khoan-dau-tu-hang-ty-usd-cua-trung-quoc-bi-de-doa-vi-binh-bien-myanmar-post1190114.html