'Khoán hết trách nhiệm phòng, chống xâm hại trẻ em cho ngành LĐTBXH'

Các ý kiến tại phiên họp nhận định, tại các địa phương, nghị quyết chuyên đề về bảo vệ trẻ em là gần như không có, 'nếu có thì lại khoán hết cho ngành lao động thương binh xã hội. Các ngành công an, kiểm sát, tòa án không có sự phối hợp, nhiều lãnh đạo địa phương không nắm được tình hình'.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp của Đoàn giám sát

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp của Đoàn giám sát

Ngày 6-12, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã chủ trì phiên họp thứ 2 của Đoàn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, thời gian qua, Đoàn giám sát đã thành lập 3 Đoàn công tác đi giám sát tại 17 địa phương; làm việc tại các trung tâm bảo trợ, cơ sở giáo dục, trường học, trường giáo dưỡng, làm việc với lãnh đạo các xã phường, quận huyện, tỉnh thành.

Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn công tác số 1, tại phiên họp, Phó trưởng Đoàn công tác, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, qua giám sát tại thành phố Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Ninh, Đoàn giám sát nhận thấy tình hình xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ cao trong các vụ việc xâm hại trẻ em. Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân thích, ruột thịt, người quen, những người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các em. Trong khi đó, tại hầu hết các địa phương chưa ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Trẻ em theo quy định. Rất ít địa phương ban hành văn bản chuyên biệt về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đồng tình với nhiều nhận định của Trưởng ban Dân nguyện, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ bình luận, tại các địa phương, nghị quyết chuyên đề về bảo vệ trẻ em là gần như không có, “nếu có thì lại khoán hết cho ngành lao động thương binh xã hội, trong khi đây chỉ là một mảng, không bao quát hết được vấn đề. Các ngành công an, kiểm sát, tòa án không có sự phối hợp, nhiều lãnh đạo địa phương không nắm được tình hình”.

Trong khi đó, Trưởng Đoàn công tác số 2, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho biết, qua giám sát tại Nghệ An, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Đắk Lắk và thành phố Đà Nẵng, Đoàn công tác nhận thấy giai đoạn 2015-2019, chính quyền các địa phương này đã quan tâm hơn đến công tác bảo vệ trẻ em, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong đó có phòng, chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, công tác thống kê số liệu về trẻ em hầu như chưa được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ. Hầu hết các địa phương chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm phòng, chống xâm hại trẻ em, chưa dành sự quan tâm đúng mức, chưa đầu tư thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ nghiêm trọng của tình trạng xâm hại trẻ em.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất báo cáo của Đoàn giám sát cần có thêm nội dung về dự báo tình hình trong thời gian tới, đánh giá tình hình lao động, di cư và ảnh hưởng của các yếu tố này đến tình hình xâm hại trẻ em; đánh giá sâu sắc hơn và đề xuất giải pháp vĩ mô, trong đó có việc bố trí khu vui chơi cho trẻ em trong quy hoạch, xây dựng, đảm bảo môi trường an toàn lành mạnh cho trẻ em.

Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các địa phương, cơ quan tiếp tục gửi báo cáo đầy đủ để có cơ sở xây dựng báo cáo chung của Đoàn giám sát. Báo cáo chung không chỉ cần đánh giá khách quan tình hình xâm hại trẻ em ở các địa phương trong cả nước, mà còn phải làm rõ các hình thức xâm hại, đối tượng bị xâm hại, tính chất, mức độ, diễn biến, hậu quả, từ đó kiến nghị những giải pháp cụ thể.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khoan-het-trach-nhiem-phong-chong-xam-hai-tre-em-cho-nganh-ldtbxh-633297.html