Khoán xe công: Phải trả lời được câu hỏi giảm bao nhiêu đầu xe?

Sáng nay 31/10, Quốc hội đã nghe tờ trình và thẩm tra về dự án: Luật quản lý, sử dụng tài nhà nước (sửa đổi).

Một trong những điểm đáng chú ý trong Dự thảo là việc giao thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với xe ô tô công, trụ sở làm việc cho Chính phủ (thay cho thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay); bổ sung các quy định để đảm bảo việc ban hành tiêu chuẩn, định mức được chặt chẽ, công khai, minh bạch. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm tuân thủ, giám sát, kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công trong toàn bộ quy trình đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công để khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua.

Đại biểu Vũ Trọng Kim nêu quan điểm (Ảnh: Hà Giang)

Đồng thời Dự luật cũng bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công bao gồm: mua sắm tập trung; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), khoán kinh phí sử dụng tài sản công; huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập; ghi giảm tài sản do nguyên nhân bất khả kháng.

Trong đó, việc khoán kinh phí sử dụng tài sản được áp dụng đối với nhà công vụ, xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan nhà nước; điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động và các tài sản khác theo chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành…

Thẩm tra về dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành với dự thảo luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung ngay trong dự thảo luật quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức trang bị và thẩm quyền quyết định việc quản lý sử dụng tài sản công như: xe ô tô, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản dưới luật trong thời gian vừa qua để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch và thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân sử dụng tài sản công trong hệ thống chính trị.

Xe ô tô - sổ sách ghi 0 đồng nhưng vẫn bán giá hàng chục triệu đồng

Tại buổi thảo luận ở tổ, phần lớn ý kiến các đại biểu tập trung vào vấn đề cần quản lý chi tiết tài sản công, việc bán tài sản công cần phải quy định chi tiết nhằm tránh thất thoát.

Đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, đối tượng áp dụng của Dự thảo Luật có 1 số đối tượng chưa phù hợp, nên xem xét lại. Tài sản chưa được quy định minh bạch và phù hợp gây ra lãng phí.

Về vấn đề khoán định mức sử dụng tài sản, vừa rồi Bộ Tài chính có thực hiện khoán xe ô tô, dù trước đây từng làm rồi.

“Giờ Bộ Tài chính làm lại. Người ta bình luận là đầu xe không giảm. Lái xe không giảm nhưng lại tăng chi phí cho cá nhân. Vậy cái đó có phải là sự lãng phí mới không? Chứ không phải Bộ Tài chính làm là người ta nghe hết đâu! “Anh” đã giảm bao nhiêu lái xe? Giảm bao nhiêu đầu xe công? Chỉ giảm ở việc không đến nhà đưa đón nhưng cá nhân nhận được 9-10 triệu đồng. Vậy đó có phải giảm không?”, ông Kim nói.

Nêu quan điểm về 3 phương pháp khấu hao tài sản cố định, đại biểu Kim lấy ví dụ:

“Ví như 1 xe ô tô đến thời điểm này là giá trị bằng 0 nhưng vẫn đem ra bán 50-70 triệu đồng. Vậy số tiền 50-70 triệu đồng này sẽ được quy định như thế nào trong Dự luật? Rõ ràng trong trường hợp này người ta đã đấu thầu rất sai quy định”, đại biểu Kim nói thêm.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Giàu cũng nêu quan điểm rằng vấn đề khoán xe công cần phải làm rõ “xem giảm cụ thể được bao nhiêu đầu xe?”. Qua đây để thấy rằng, các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công trong Luật quản lý, sử dụng tài nhà nước (sửa đổi) phải chặt chẽ tài và đúng hướng.

Ai cũng muốn có trụ sở riêng

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu bất cập trong việc quản lý trụ sở (Ảnh: Hà Giang)

Đề cập đến việc sử dụng trụ sở công, Phó bí thư thành ủy TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay báo cáo thẩm tra đề nghị áp dụng mô hình trụ sở tập trung nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên quản lý như hiện nay.

“Có ý kiến đề nghị giao một bộ làm đầu mối quản lý các trụ sở ở Trung ương. Tôi chưa hình dung quản lý thế nào, có “đẻ” thêm bộ máy hay không?”, đại biểu Tâm nói.

Bà Tâm cũng nêu lên bất cập trong việc quản lý trụ sở cơ sở 2 của các bộ, ngành tại các tỉnh thành hiện nay. Bà cho rằng, “trước đây Chính phủ có ý tưởng xây khu tập trung cho các cơ quan Trung ương có cơ quan đại diện ở phía Nam nhưng không thực hiện được vì các bộ không ai muốn, ai cũng có một trụ sở riêng. Ngay tại TP HCM cũng có nhiều trụ sở bỏ trống nhiều năm nhưng không thu hồi được”. Vì thế, theo bà vấn đề thu hồi tài sản công không sử dụng để lãng phí là câu chuyện muôn thuở.

Một trong những quy định tại dự thảo Luật là đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết…

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, tài sản Nhà nước rất lớn, nhưng việc sử dụng lại kém hiệu quả, lãng phí, chưa kể bị lợi dụng để kinh doanh mà không kiểm soát được.

“Nhiều tài sản của các cơ quan, từ Trung ương đến địa phương, rất nhiều nơi sử dụng đất đai, nhà cửa, thậm chí kể cả vỉa hè ở các thành phố lớn, nhưng tiền thu được vào đâu, vào ngân sách hay chui vào túi cá nhân?”, Phó chủ tịch đặt câu hỏi.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tài sản công nếu đem ra kinh doanh đều phải được kiểm soát ở các góc độ khác nhau. “Doanh nghiệp hạch toán kế toán, quản lý qua hệ thống thuế, các cơ quan sự nghiệp kinh doanh cũng thế. Nếu không, tài sản công lớn, khai thác rất mạnh, nhưng tiền không vào nhà nước”.

Đại biểu này cũng lưu ý, dự án luật này có tính bao quát rất rộng, nên phải rà soát lại, tránh tình trạng xung đột pháp lý giữa các điều khoản trong luật cũng như với luật khác./.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/khoan-xe-cong-phai-tra-loi-duoc-cau-hoi-giam-bao-nhieu-dau-xe-216981.html