Khoảng 3.800 hộ mong mỏi 'ra khỏi' kinh thành Huế

VH- Khu vực I thuộc di tích Kinh thành Huế hiện có khoảng 3.800 hộ dân đang sinh sống. Trong đó, đoạn Thượng thành và các Eo bầu có hàng nghìn hộ đang sống 'tạm bợ', đời sống sinh hoạt khó khăn, gây nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến khu di sản Huế.

Di dời hàng nghìn hộ dân ra khỏi di tích Kinh thành Huế luôn là bài toán nan giải đối với lãnh đạo tỉnh Thừa thiên Huế

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang lên kế hoạch để di dời, tái định cư cho những hộ dân này. Đây cũng là nguyện vọng của người dân đang sinh sống tại khu vực Thượng thành và Eo bầu suốt nhiều năm qua.

“Mong di dời ra khỏi đây lắm rồi”

Ngày 8.9, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng đại diện các ban ngành liên quan đã có chuyến khảo sát thực tế về đời sống của người dân đang sống ở khu vực I Kinh thành Huế, tập trung ở tuyến Hộ thành hào và khu di tích Thượng thành, Eo bầu. Chuyến khảo sát lần này sẽ là cơ sở để tỉnh đưa ra kế hoạch, phương án di dời các hộ dân trong vùng di tích trong thời gian tới.

Gia đình ông Nguyễn Văn Châu (49 tuổi, tổ 14, phường Thuận Lộc) với 7 nhân khẩu nhưng chỉ sống trong căn nhà tạm bợ rộng chưa đầy 20 m2. Nhà nhỏ, mái tôn xiêu vẹo, có lúc dành dụm và vay mượn tiền để sửa lại nhà nhưng cũng không dám, vì lo không biết bao giờ sẽ được di dời. Đó cũng là hoàn cảnh chung của nhiều gia đình đang sinh sống ở khu vực di tích Thượng thành như ông Châu. Bà Nguyễn Thị Sen (60 tuổi), trú cùng tổ dân phố với ông Châu, kể rằng, bà về làm dâu đã 40 năm rồi, và lúc đó nhà chồng cũng đã cất nhà tạm sinh sống ở Thượng thành đã lâu. Hiện nay, căn nhà của bà có hai hộ với 11 nhân khẩu, rất chật hẹp và thiếu thốn nhưng không có tiền để mua đất làm nhà ở nơi khác.

Các nhà dân ở di tích Thượng thành được dựng tạm bợ, nhếch nhác, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và di sản Huế

Khi nghe Chủ tịch UBND tỉnh hỏi về nguyện vọng của gia đình, bà nói liền: “Mong di dời lắm rồi, đi mô cũng được miễn có mảnh đất, rồi sẽ vay mượn thêm và tận dụng kèo cột gỗ của nhà cũ mà cất cái nhà mới cho thoáng. Ở đây chật chội, những đứa trẻ lớn lên cũng tội lắm”. Gia đình ông Trần Hòa (72 tuổi) cũng đã sống ở khu di tích Thượng thành từ năm 1970 đến nay, khi nghe thông tin sẽ có kế hoạch di dời, ông Hòa cười hỏi: “Nhà nước mà cho tái định cư thì tốt quá, chứ ở đây mấy chục năm không được sửa chữa nhà cửa, thiếu thốn đủ bề. Nhưng lần này Nhà nước có làm thật không hè?”.

Bà Phan Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc thông tin, cả phường có 92 hộ nghèo và phần lớn là những hộ đang ở tạm trên di tích Thượng thành. Trong đó, tổ dân phố 14 đã có 29 hộ nghèo. Phường Thuận Lộc hiện có 508 hộ dân sống ở khu vực I di tích cần được di dời, tái định cư.

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, năm 1995 có 1.838 hộ dân sống tại khu vực I của di tích Kinh thành Huế, đến năm 2003 đã tăng thêm 438 hộ do tách hộ và tăng tự nhiên. Đến nay 2018, số hộ đã khoảng 3.800 hộ dân, con số này là chưa tính hơn 1.050 hộ dân đã được di dời trong hơn 20 năm qua, sau khi di sản Huế được UNESCO vinh danh.

Khẩn trương hoàn thiện Đề án di dời

Ở ngay cạnh tuyến phòng lộ ở Cửa Hậu (phía Bắc của Kinh thành Huế), có 3 hộ dân cũng đang sống tạm bợ. Điều đáng nói là họ chăn nuôi nhiều gia súc và gia cầm và xả thải xuống Hộ thành hào, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và hình ảnh di sản Huế. Anh Lê Văn Hồng, 44 tuổi cho biết, gia đình đã sinh sống ở đây lâu năm rồi. Cũng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên các hộ dân ở đây dựng thêm mấy chuồng nuôi heo ở mặt giáp Hộ thành hào để kiếm thêm thu nhập.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ khảo sát và hỏi thăm đời sống của người dân ở khu vực Thượng thành (Kinh thành Huế)

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND phường Phú Thuận cho hay, địa phương muốn di dời 3 hộ dân này lâu lắm rồi, cũng đã có kế hoạch từ 5 nhiệm kỳ trước nhưng nguồn lực không có nên đành để họ ở tạm đến giờ. Theo đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, việc các hộ dân sống trên di tích đã gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trong đó đáng kể đến là việc gây mất mỹ quan, diện mạo đô thị nói chung và khu di sản Huế nói riêng; ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, cảnh quan trong di sản như tường thành, Hộ thành hào, hồ Tịnh Tâm, hồ Ngọc Hải, Khâm Thiên Giám… Ngoài ra, việc sống tạm bợ của người dân đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội, phát sinh nhiều tệ nạn xấu. Chưa kể, việc có quá nhiều hộ dân sống trên di tích là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, kế hoạch bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích thời gian qua cũng như sắp tới.

Trong chuyến khảo sát, khi tiếp xúc với người dân, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đều hỏi thăm về đời sống và nguyện vọng của người dân nếu tỉnh, Chính phủ thực hiện di dời để khoanh vùng bảo vệ di tích. Phần lớn, cộng đồng cư dân đều ủng hộ chủ trương, và mong muốn đến một nơi ở tốt hơn. Tuy nhiên, cũng không ít hộ dân điều kiện kinh tế khó khăn, nếu được cấp đất cũng khó xây được nhà. Vấn đề này, ông Thọ đã đề nghị chính quyền các cấp của TP. Huế xem lại tình hình hộ nghèo, hộ cận nghèo ở địa phương để tiếp tục nghiên cứu kỹ giải pháp phù hợp hỗ trợ người dân, đồng thời phải kiểm đếm chính xác, đầy đủ số hộ trong khu vực khảo sát.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị các Sở, ngành liên quan, cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, UBND TP Huế khẩn trương hoàn thiện Đề án di dời giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế để trình các Bộ, ngành và Chính phủ xem xét phê duyệt. Được biết, việc di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế là một trong những nhiệm vụ, công trình, dự án trọng điểm của tỉnh trong năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ có chủ trương thực hiện tại Thông báo 26/TB-VPCP ngày 17.1.2018.

SƠN THÙY

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/khoang-3800-ho-mong-moi-ra-khoi-kinh-thanh-hue