Khoảng 30% người bệnh được khám và điều trị bằng y học cổ truyền mỗi năm

Tỷ lệ BVĐK tuyến huyện có khoa, tổ y dược cổ truyền (YDCT) đạt 92,7%; Trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng YDCT đạt 84,8%... Mỗi năm có khoảng 30% số người bệnh được khám và điều trị bằng y học cổ truyền (YHCT) hoặc kết hợp YDCT với y dược hiện đại.

Chia sẻ tại Hội nghị Y học cổ truyền, y học dân gian các nước lưu vực sông Mê Kông mở rộng, PGS-TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Việt Nam mong muốn khẳng định vai trò của YDCT trong chăm sóc sức khỏe người dân. Việc củng cố, phát triển hệ thống YDCT là một trong các mục tiêu cơ bản mà thời gian qua Bộ Y tế Việt Nam rất quan tâm.

Hiện nay, Việt Nam có 63 tỉnh, TP với trên 1.000 huyện và trên 11.000 xã, phường có hệ thống BV YDCT công lập tuyến Trung ương và 65 BV tuyến tỉnh. Tỷ lệ BVĐK tuyến huyện có khoa, tổ YDCT đạt 92,7%; Trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng YDCT đạt 84,8%; 89% trạm y tế xã có vườn thuốc nam. Mỗi năm có khoảng 30% số người bệnh được khám và điều trị bằng YHCT hoặc kết hợp YDCT với y dược hiện đại. Ngoài ra, mạng lưới chăm sóc sức khỏe bằng YHCT còn có Hội Đông y phát triển mạnh ở cả 4 cấp với trên 70.000 hội viên tham gia.

Cần ưu đãi, khuyến khích việc nuôi trồng dược liệu, sản xuất, lưu thông thuốc YHCT. Ảnh:V.H

Cần ưu đãi, khuyến khích việc nuôi trồng dược liệu, sản xuất, lưu thông thuốc YHCT. Ảnh:V.H

Bên cạnh đó, bộ y tế thường xuyên quan tâm chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực. Hệ thống đào tạo đã cung cấp nhân lực có trình độ ở tất cả các tuyến. Số lượng nhân lực làm công tác YDCT ở các tuyến tăng dần qua các năm: Năm 2017 tỷ lệ này là 7,32%; tỷ lệ nhân lực YHCT có trình độ chuyên sâu đến năm 2017 đạt 5,69% so với nhân lực y tế nói chung tại tuyến tỉnh, tuyến huyện là 4,85%. Riêng nhân lực là dược sỹ ĐH công tác trực tiếp trong lĩnh vực YDCT đến nay chiếm 12,07% so với tổng dược sỹ đang công tác tại tuyến tỉnh.

Về giải pháp để tăng cường phát triển YDCT theo TS. Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý YDCT, Bộ Y tế: Cần hoàn thiện hệ thống quản lý Nhà nước về YDCT, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh bằng YHCT; tăng đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị, mở rộng quy mô khám, chữa bệnh bằng YHCT từ Trung ương đến địa phương.

Huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư thành lập các cơ sở cung cấp loại hình dịch vụ YDCT dưới nhiều hình thức theo quy định của pháp luật. Đầu tư mở rộng và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, cơ sở thực hành cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giảng viên; đổi mới một cách toàn diện công tác đào tạo nhân lực YDCT.

Đồng thời, ưu đãi khuyến khích việc nuôi trồng dược liệu, sản xuất, lưu thông thuốc YHCT trên thị trường và khai thác được dược liệu tự nhiên hợp lý, bảo đảm lưu giữ, tái sinh và phát triển nguồn gen dược liệu; nhập khẩu giống cây thuốc tạo nguồn dược liệu. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, thử nghiệm các thuốc Đông y, thuốc có nguồn gốc từ dược liệu nhằm hiện đại hóa YDCT nhưng không làm mất đi bản sắc của YDCT.

Phát triển dược liệu, thuốc cổ truyền và thuốc dược liệu bằng cách đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển và nghiên cứu ứng dụng dược liệu, thuốc dược liệu nhằm thương mại hóa các sản phẩm dược liệu, thuốc cổ truyền, sản phẩm quốc gia về dược liệu; đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực, cơ sở vật chất cho hệ thống kiểm nghiệm dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu từ Trung ương đến địa phương; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng dược liệu nhập khẩu, xuất khẩu, sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh, kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu.

Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trong lĩnh vực Đông y, Đông dược, mở rộng liên kết hợp tác giữa các cơ sở khám chữa bệnh bằng YHCT công lập với cơ sở trong nước với nước ngoài…

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khoang-30-nguoi-benh-duoc-kham-va-dieu-tri-bang-y-hoc-co-truyen-moi-nam-161770.html