Khoảng 5 triệu người ở Việt Nam phải đào tạo lại cho công nghiệp 4.0

McKinsey & Company: Chất lượng và kỹ năng của nguồn nhân lực là bài toán khó cần phải giải ngay của Việt Nam trước làn sóng công nghiệp 4.0.

Theo nghiên cứu của McKinsey & Company (một trong những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tư vấn quản lý và chiến lược kinh doanh), cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang tới 216 - 627 tỷ USD cho khu vực ASEAN. Tuy nhiên, việc “bắt kịp” làn sóng công nghiệp 4.0 này là thử thách không nhỏ đối với ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Mới có 13% doanh nghiệp bắt đầu có hành động cụ thể bắt nhịp cách mạng công nghiệp 4.0 (Nguồn: McKinsey & Company).

Nghiên cứu của McKinsey & Company cho thấy tại ASEAN đối với công nghiệp 4.0 hiện có khoảng 79% số doanh nghiệp đã có nhận thức, 52% doanh nghiệp đã lên lộ trình cơ bản, nhưng chỉ có 13% doanh nghiệp đã bắt tay có những hành động cụ thể.

Một khảo sát khác của McKinsey & Company thực hiện với khoảng 1000 doanh nghiệp, tập đoàn thuộc nhóm sản xuất trụ cột của cách mạng công nghiệp 4.0, có khoảng 2,6% doanh nghiệp tiên phong, nhưng không có doanh nghiệp nào trong ngành năng lượng của Việt Nam.

Ông Vishal Agarwal, Phó Chủ tịch McKinsey & Company nhận định, năng lượng là một trong những ngành trụ cột quan trọng phục vụ cho công nghiệp 4.0, vì thế việc chuyển đổi công nghệ hay dần số hóa ngành năng lượng rất quan trọng.

Ông Vishal Agarwal cho rằng, điểm nghẽn trong việc đón làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN ngoài vấn đề cơ sở hạ tầng, trở ngại lớn nhất chính là chất lượng và kỹ năng nguồn nhân lực.

Khoảng 4,4 triệu lao động Việt Nam cần đào tạo lại để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Nguồn: McKinsey & Company).

McKinsey & Company ước tính, từ nay đến năm 2030, riêng tại Việt Nam sẽ có khoảng 4 – 5 triệu người cần đào tạo lại để thích ứng được với cách mạng công nghiệp 4.0. Để thực hiện được yêu cầu này, một cơ quan, tổ chức riêng lẻ không thể làm được.

“Việc Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với một loạt các bộ, ngành tổ chức Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo dựng một hệ sinh thái cần thiết cho việc bắt nhịp làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Agarwal nhận định.

Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 (Industry 4.0 Summit 2019) diễn ra trong hai ngày 2-3/10 tại Hà Nội.

Industry 4.0 Summit 2019 nhằm đánh giá tình hình tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) của nước ta trong thời gian qua, đồng thời phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia CMCN 4.0 trong thời gian tới. Sự kiện còn tạo cơ hội cho trao đổi, tiếp nhận các ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế về các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai có hiệu quả cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam./.

Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/khoang-5-trieu-nguoi-o-viet-nam-phai-dao-tao-lai-cho-cong-nghiep-40-962639.vov