Khoảng 80% nạn nhân mua bán người bị bóc lột tình dục

Tại hội thảo rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, hơn 90% nạn nhân bị mua bán người là phụ nữ và trẻ em.

Đa số nạn nhân mua bán người là phụ nữ và trẻ em

Sáng nay 11-9, Bộ LĐ-TB&XH đang tổ chức Hội thảo rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, tình hình mua bán người tại Việt Nam diễn biến ngày một phức tạp. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia, từ năm 2012 đến 2017 lực lượng chức năng đã giải cứu được khoảng 7.500 người.

Đáng lưu ý, hơn 90% nạn nhân bị mua bán người là phụ nữ và trẻ em trong đó có đến 80% thuộc dân tộc ít người. Đa số các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, họ chỉ làm ruộng hoặc không có việc làm. Có 37,2% nạn nhân không biết chữ, thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống, tâm lý nhẹ dạ cả tin.

Vẫn theo báo cáo này, nạn nhân bị bán ra nước ngoài chiếm trên 80%, trong đó chủ yếu là sang Trung Quốc. Các nạn nhân là phụ nữ bị bán ra nước ngoài đa số bị ép kết hôn làm vợ và bóc lột tình dục chiếm đến gần 80%.

Để phòng chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân trở về Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan đã ban hành hệ thống các văn bản, chính sách cơ bản đồng bộ, có tính khả thi, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn để thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trong thực tế, đã nảy sinh những bất cập về cơ chế, chính sách dẫn đến việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Theo ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH,

các quy định chính sách, pháp luật đã xác lập một cơ chế khá toàn diện để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai công tác này ở các địa phương. Mặc dù vậy, xét tổng thể, cơ chế pháp lý hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hiện nay vẫn còn một số bất cập.

Ví dụ như, pháp luật quy định nạn nhân bao gồm cả những người bị mua bán trong nước và nam giới. Tuy nhiên, trong thực tế hiện đang thiếu dịch vụ hỗ trợ cho hai dạng đối tượng này, đặc biệt là nam giới. Điều này một phần là do pháp luật vẫn còn thiếu quy định cụ thể về từng loại đối tượng được hỗ trợ, bao gồm những nạn nhân tự trở về, nạn nhân ở địa phương khác, nạn nhân là nam giới, nạn nhân bị mua bán trong nước.., nên chính quyền các địa phương gặp khó khăn trong việc hỗ trợ cho các đối tượng nạn nhân khác nhau.

Tại hội thảo các chuyên gia đã thảo luận, đề xuất một số giải pháp sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

An Nhiên

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/khoang-80-nan-nhan-mua-ban-nguoi-bi-boc-lot-tinh-duc/781459.antd