Khoảng lặng của cung bậc cảm xúc

Đầu năm 2019, giới hoạch định chính sách cần có khoảng lặng và cân nhắc về những gì sắp diễn ra, xem xét một cách thận trọng hàng loạt thách thức địa chính trị với nhiều cung bậc cảm xúc. Khoảng lặng đó là cần thiết để các bên tái khẳng định rằng, cách tốt nhất để ngăn chặn những nguy cơ đang âm ỉ bùng lên thành các cuộc khủng hoảng toàn diện vẫn là thông qua ngoại giao tích cực và chủ động.

Quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai được cho là sẽ diễn tiến một cách thận trọng và sẽ có thêm nhiều tranh cãi. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai được cho là sẽ diễn tiến một cách thận trọng và sẽ có thêm nhiều tranh cãi. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Những điểm “nóng”

Nga - Ukraine: Thế giới vẫn nhớ tới vụ Nga bắt giữ các tàu tuần tra và thủy đoàn của Ukraine đi qua biển Azov. Cho dù vụ việc này là do Nga hay Ukraine khơi mào, song những sự cố như vậy đã làm thổi bùng căng thẳng trong một cuộc khủng hoảng vốn đã âm ỉ cháy trong suốt những năm qua. Việc Chính phủ Ukraine ban hành lệnh thiết quân luật cho thấy khả năng bất ổn ở đất nước này. Trong bối cảnh những căng thẳng giữa Mỹ và Nga vẫn diễn ra, ngay cả một cú sốc nhỏ cũng có thể phá hủy sự cân bằng mong manh vốn được duy trì trong khu vực những năm vừa qua và có khả năng đẩy Đông Âu vào tình trạng hỗn loạn.

Vịnh Persia: Cuộc khủng hoảng chính trị và quân sự liên miên ở Trung Đông đã khiến thế giới vô cùng mệt mỏi và bất an. Áp lực kinh tế đối với Iran tiếp tục gia tăng trong bối cảnh Mỹ có những hành động ngày càng hiếu chiến hơn nhằm kiềm chế thương mại của nước này. Rối ren chính trị ở Iran có thể khiến cả khu vực bất ổn, hoặc đẩy Iran tới chỗ có những hành động hiếu chiến, hoặc biến nước Cộng hòa Hồi giáo này trở thành một mục tiêu tạm thời của những lực lượng thù địch. Cuộc chiến tranh mà Arab Saudi đang tiến hành ở Yemen chưa có dấu hiệu tạm dừng. Mặc dù cuộc nội chiến ở Syria đã có dấu hiệu "hạ nhiệt", song việc Mỹ rút quân khỏi quốc gia này có thể giúp tái sinh các tổ chức khủng bố và làm tổn hại lòng tin của các đồng minh. Căng thẳng giữa người Kurd, người Thổ, người Syria và người Iraq có thể bùng phát thành một cuộc xung đột công khai bất cứ lúc nào. Tóm lại, khu vực này có tầm quan trọng chiến lược nên bất kỳ sự bất ổn nào cũng có thể dẫn tới cuộc xung đột giữa Mỹ, Nga hoặc thậm chí là cả Trung Quốc.

Bấp bênh

Bán đảo Triều Tiên: Dù nghe lạ, song bây giờ, điểm bình yên nhất là Triều Tiên. Đó là nhận định của giới phân tích quân sự khi bàn về tình hình bán đảo Triều Tiên. Có một điều rất rõ ràng là căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã giảm đáng kể trong năm 2018, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un tỏ thiện chí và ngừng các vụ thử hạt nhân cũng như tên lửa đạn đạo và Tổng thống Mỹ Donald Trump hạ bớt giọng điệu hiếu chiến trong cuộc đối đầu với Triều Tiên. Thực tế là, triển vọng đạt được một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ xán lạn như hiện nay kể từ giữa những năm 1990.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại thực sự ở phía trước. Quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng có thể xấu đi bất cứ lúc nào, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un làm mất lòng nhau. Hơn nữa, những nước cũng có vai trò quan trọng trong vấn đề Triều Tiên như Trung Quốc và Nhật Bản vẫn bất đồng về tiến trình hòa giải giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, mặc dù lý do để họ tỏ thái độ hoài nghi là rất khác nhau.

Quan hệ Mỹ-Trung: 90 ngày "ngưng chiến" thương mại Mỹ-Trung kết thúc vào cuối tháng 2 từng khiến không chỉ Mỹ và Trung Quốc mà cả các nước khác hy vọng cuộc chiến sẽ được giải quyết. Theo giới phân tích, Washington có thể tuyên bố rằng, cuộc chiến này là nhằm vào các biện pháp cạnh trạnh kinh tế không lành mạnh của Trung Quốc, nhưng mối quan tâm thực sự của Mỹ còn sâu xa hơn nhiều. Điều đó có nghĩa cuộc chiến thương mại hiện nay giữa hai bên sẽ không dễ dàng được giải quyết thông qua một cuộc đàm phán chóng vánh. Tuy nhiên, hai bên vẫn thể hiện quyết tâm kiềm chế hơn nữa trong những vấn đề rắc rối này theo các cách khác nhau.

Người dân Anh ủng hộ Brexit tại Thủ đô London. Ảnh: Independent

Brexit: Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là vấn đề Brexit, chính thức diễn ra vào tháng 3-2019 bất chấp việc 27 nước EU và Luân-đôn có đạt được thỏa thuận hay không. Cho dù thỏa thuận về Brexit có được các nghị sĩ Anh chấp thuận hay không, EU và London sớm muộn cũng sẽ mở ra các cuộc đàm phán về một thỏa thuận kinh tế. Vẫn còn phải chờ xem liệu điều này có tuân theo hình thức của một thỏa thuận thương mại như với Na Uy và Thụy Sĩ, hay là một hiệp định thương mại kiểu EU-Nhật Bản. Trong mọi trường hợp, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ phải quyết định mối quan hệ tương lai với nước Anh vào hạn chót là năm 2019 hoặc 2020 chứ không thể muộn hơn.

Những hy vọng…

Mở rộng CPTPP: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với sự tham gia của 11 nước, trong đó có Australia và Nhật Bản, đã chính thức có hiệu lực khi 6 quốc gia thành viên phê chuẩn. Theo đó, những quy tắc đầu tư, thương mại, sở hữu trí tuệ, cùng với việc bãi bỏ thuế quan đã được triển khai. Hàng hóa và dòng tiền lưu chuyển thuận lợi tại khu vực phát triển ấn tượng châu Á-Thái Bình Dương mang một ý nghĩa rất lớn đối với thương mại toàn cầu. Tăng thêm số quốc gia thành viên là hướng đi không thể thiếu trong lộ trình mở rộng quy định về tiêu chuẩn của CPTPP ra toàn thế giới. 11 quốc gia thành viên CPTPP đã bắt đầu bàn bạc về quy chế đối với thành viên mới. Hiện, CPTPP đang nhận được sự quan tâm lớn của nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Hàn Quốc...

EU “trỗi dậy”: Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, EU sẽ chủ động thúc đẩy quan hệ kinh tế trong năm 2019. Từ năm 2018, EU đã thúc đẩy quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, hai bên đồng ý cải thiện điều kiện tiếp cận vào thị trường cũng như môi trường đầu tư của nhau. Nhưng Trung Quốc không phải là đối tác châu Á duy nhất mà EU muốn đẩy nhanh các cuộc đàm phán vào năm 2019. Trước đó, đầu năm 2018, Cao ủy EU phụ trách thương mại Cecilia Malmström cho rằng, thỏa thuận "tham vọng" với Việt Nam về thương mại và đầu tư có thể giúp mở đường cho một thỏa thuận tương tự với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Các cuộc đàm phán thương mại với Khối thị trường chung Nam Mỹ cũng là một nội dung nằm trong chương trình nghị sự giữa EU với các đối tác châu Mỹ. Trong khi đó, Hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, có hiệu lực từ tháng 2-2019. Thỏa thuận EU-Việt Nam, được Ủy ban châu Âu (EC) thông qua hồi tháng 10-2018, dự kiến sẽ được các quốc gia thành viên và Nghị viện xem xét thông qua trong năm 2019 này.

Hồng Ngọc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khoang-lang-cua-cung-bac-cam-xuc/