'Khoảng lặng' sau trang giáo án

ĐBP - Ở những bản cheo leo trên đỉnh núi hay miền biên viễn xa xôi, cách trở, lớp học vẫn vang tiếng trẻ thơ mỗi ngày. Phía sau trang giáo án là khoảng lặng từ sự hi sinh của những người đứng trên bục giảng.

Giáo viên Trường Mầm non Hua Thanh, huyện Điện Biên trên đường đến điểm bản Nậm Ty.

Những năm gần đây, giáo dục miền núi đã có phần khởi sắc. Song khi nhắc đến giáo viên vùng cao, không nhiều người thấu hiểu được hết nỗi gian khó của những bước chân lặng lẽ băng rừng, vượt suối, trèo đèo, ngược dốc. Mỗi trường hợp là một câu chuyện có buồn, có vui mà thầy cô thường cất rất kỹ sau trang giáo án.

Cô giáo Lò Thị Duyên năm nay 25 tuổi, một mình “cắm bản” trên khu vực biên giới Việt - Lào - bản Na Chén, xã Mường Lói (huyện Điện Biên). Con đường đất độc đạo vào điểm trường nơi cô Duyên công tác gập ghềnh, lên xuống bởi những dốc cua trơn trượt. Bản Na Chén vỏn vẹn 21 nóc nhà, với hơn 130 nhân khẩu dân tộc Khơ Mú, lâu nay gần như biệt lập với bên ngoài do cách trở về giao thông. Đây là bản “nhiều không”: Không điện, không sóng điện thoại di động, không dịch vụ y tế... Giáo viên như cô Duyên phải “nhập gia tùy tục”. Thân gái một mình nơi “thâm sơn cùng cốc”, cô Duyên phải ở nhờ nhà dân. Mỗi sớm, cô vượt con suối rộng vài chục mét để tới lớp - nơi có 12 trẻ ở các lứa tuổi (từ 18 tháng - 5 tuổi) theo học. Cô Duyên cho biết mùa mưa là thời điểm đáng sợ nhất, khi nước suối dâng cao, chảy xiết. Đến giờ cô vẫn ám ảnh về lần “chết hụt” tại con suối hơn 1 năm về trước. Những khi màn đêm buông xuống, muốn tâm sự với bạn bè, người thân cho vơi bớt cô độc nhưng lại không có sóng điện thoại khiến cô giáo trẻ nhiều lần tủi thân. Thế nhưng, kiên trì bám lớp với lòng yêu nghề mến trẻ, chứng kiến sự đổi thay của các em, cô Duyên như được tiếp thêm động lực. “Thấy bọn trẻ biết rửa đôi chân đầy bùn đất, lau sạch sẽ trước khi bước vào phòng. Rồi biết xếp bút màu, đất nặn vào chiếc tủ kê ở góc phòng mỗi lần chơi xong; biết nằm ngủ trên tấm thảm... Đơn giản nhất là việc biết đi vệ sinh đúng nơi, đúng chỗ là tôi đã thấy sự có mặt của mình ở đây có giá trị rồi!” - cô Duyên bộc bạch.

Hay như câu chuyện về cô giáo Vũ Thị Sen, Trường PTDTBT Tiểu học Hừa Ngài (huyện Mường Chà) dành 8 năm thanh xuân để gắn bó với học sinh vùng cao. Năm 2009, cô Sen cầm tấm bằng giỏi trên tay để “ngược” lên núi Hừa Ngài dạy học. Năm đầu tiên cô nhận nhiệm vụ tại điểm bản khó khăn nhất, cách trung tâm xã hơn 10km. Đường vào bản là con đường dân sinh đất đỏ xen lẫn đá hộc. Bền bỉ mỗi ngày đầu tuần, cô dậy từ 5 giờ sáng, cuốc bộ vào điểm bản. Hành trang mang theo là chiếc ba lô chứa đủ thứ từ quần áo, sách vở, đến cá khô, gạo... đủ phục vụ “cắm bản” trong 1 tuần. Sáng lên lớp với học sinh, tối về phòng nghỉ công vụ của giáo viên. Thời gian rảnh, cô xuống bản hỏi thăm cuộc sống bà con và học cách trở thành “người bản địa”, từ việc học tiếng dân tộc Mông, lên rừng lấy củi, lên nương thu hoạch lúa... 8 năm sau ngày nhận công tác, cô Sen hầu như đã đi hết các điểm bản, thuộc từng con đường, nhưng lại chưa thể tìm cho mình một “bến đỗ”. “Thật lòng mà nói thì ai mà không muốn tìm kiếm hạnh phúc riêng cho mình. Từ ngày tôi vào công tác, giáo viên trong trường hầu hết đều có gia đình. Nhiều lúc tủi thân ngồi khóc một mình. Nhưng rồi nghĩ tích cực lên thì lại thấy cũng tốt. Nhờ vậy mà suốt chặng đường ấy, tôi yên tâm dành trọn tâm huyết, thời gian, công sức cho học trò!” - cô Sen giãi bày.

Còn đối với người gắn bó già nửa cuộc đời với giáo dục vùng khó như cô giáo Vũ Thị Năm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hua Thanh (huyện Điện Biên), thì ký ức gian khó càng đồ sộ. Thế nhưng, những câu chuyện “dở khóc, dở cười” luôn khiến cô ấn tượng nhất. Cô Năm kể, vì bà con vùng cao kinh tế khó khăn, nên nhiều phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học của con. Nhất là nhóm trẻ từ 1 - 3 tuổi rất khó huy động ra lớp, do chưa được hưởng chế độ hỗ trợ, phụ huynh tự đóng học phí. Đa phần giáo viên phải đi lại nhiều lần để tuyên truyền, vận động, thậm chí, có đợt các cô “nằm vùng” cả tuần. “Nhiều lần chúng tôi hẹn phụ huynh đến nhà, nhưng khi đến nơi thì vườn không nhà trống hoặc cắm lá xanh (báo hiệu có việc cấm kỵ không tiếp khách). Có lần, vì không muốn cho con đến lớp, một phụ huynh đã đưa con trốn lên nương. Khi thấy cô giáo lên tận nơi tìm, họ đã treo con lên cành cây cao và thách thức: Cô giáo leo cây mà bắt nó!”.

Gắn bó, cùng sống cảnh khó khăn, thiếu thốn với bà con các dân tộc và “gánh” trên vai tương lai của những đứa trẻ nhiều thiệt thòi. Đó là sự lựa chọn của hàng nghìn giáo viên ở khắp miền biên giới, vùng cao Điện Biên. Trong đó có người còn rất trẻ như cô Duyên, cũng có người dành quá nửa đời người như cô Năm. Điểm chung của họ là yêu nghề, khát khao cống hiến. Trước bao khó khăn, thiếu thốn họ đã không rời đi mà chọn ở lại “đốt cháy” tuổi xuân của mình “soi đường” cho trẻ em bước tới tương lai.

Tú Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/201269/%E2%80%9Ckhoang-lang%E2%80%9D-sau-trang-giao-an