Khoảng trắng trách nhiệm

Những cơn mưa lớn liên tiếp trong ít ngày qua đã khiến cả cầu Vĩnh Tuy 2 lẫn cầu cạn Vành đai 2 ngập úng cục bộ do miệng cống thoát nước trên mặt đường bị rác rưởi bịt kín.

Trong khi các bên liên quan đều đăng đàn biện minh thì nguy cơ tiếp tục ngập úng vẫn chưa được giải quyết.

Cầu Vĩnh Tuy 2 và cầu cạn Vành đai 2 đều đã được đưa vào khai thác, sử dụng từ lâu nhưng phải đến những ngày gần đây khi mưa lớn liên tiếp gây ngập úng, vấn đề quản lý, duy tu, dọn dẹp vệ sinh mới được nhắc đến. Với cầu Vĩnh Tuy 2, chủ đầu tư chưa bàn giao được cho TP quản lý, Sở GTVT chưa giao được phần việc duy tu, dọn dẹp vệ sinh cho đơn vị nào. Hệ quả là rác thải, đất cát bịt kín miệng cống thoát, mưa xuống liền ngập, gây mất ATGT, bức xúc cho người dân.

Cầu cạn Vành đai 2 thì chủ đầu tư khẳng định đã bàn giao, nhưng ba Sở: GTVT, TN&MT, Xây dựng mỗi đơn vị quản một phần. Khi mưa ngập người dân không biết nguyên nhân do đâu, lỗi tại ai, kiến nghị, phàn nàn thì ai cũng cho rằng không thuộc trách nhiệm quản lý của mình.

Hà Nội đang bắt đầu vào mùa mưa bão, những cơn mưa lớn sẽ còn xuất hiện nhiều. Vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ còn “chìm đắm” trong úng ngập đến khi nào chưa thể xác định rõ. Chỉ có người dân mỗi lúc trời nổi giông gió lại nơm nớp sợ qua tuyến đường ngàn tỷ này.

Thật khó để chấp nhận thực tế một tuyến đường trên cao với cây cầu qua sông đắt đỏ, hiện đại bậc nhất Thủ đô lại dễ dàng tổn thương, ngập lụt đến vậy trước mỗi cơn mưa lớn. Và lại càng khó chấp nhận hơn khi không ít sở, ban, ngành, địa phương dù có liên quan trực tiếp lại chưa thể xử lý vấn đề nhỏ nhặt như dọn rác trên miệng cống thoát nước.

Thực tế đó cho thấy, giữa xây dựng với quản lý, sử dụng còn có một khoảng trắng trách nhiệm cần sớm được lấp đầy. Việc quản lý các công trình hạ tầng giao thông cần được quy về một mối thống nhất để chấm dứt tình trạng đùn đẩy, do vướng mắc quy định về thẩm quyền, chức năng mà chậm trễ xử lý bất cập.

Các địa phương có tuyến đường đi qua cũng không thể làm ngơ trước hiện tượng ngập úng, gây ùn tắc, mất an toàn giao thông. Với vị trí quản lý trực tiếp, hơn ai hết chính quyền địa phương là những người sâu sát, gần gũi với người dân nhất, nắm bắt sớm và đầy đủ những vấn đề dân sinh bức xúc. Không thể vì không thuộc thẩm quyền của mình mà thoái thác trách nhiệm, phó mặc cho sở, ban, ngành và người dân tự xoay xở.

Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đầu tư toàn diện cho hạ tầng giao thông. Nếu mỗi đơn vị, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn một chút chắc hẳn sẽ không còn cảnh cầu, đường mới mở đã biến thành bất cập, gây khó cho dân. Đặc biệt phải nhanh chóng có giải pháp, xử lý tình huống trước, làm rõ câu chuyện thẩm quyền, chức năng sau, ưu tiên phục vụ, bảo đảm lợi ích cho người dân làm đầu.

Đặng Sơn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khoang-trangtrach-nhiem.html