Khoảnh khắc 'sát thủ săn ngầm' P-3C Na Uy 'chạm mặt' tàu ngầm hạt nhân Nga

Nga công bố video cho thấy 'sát thủ săn ngầm' P-3C Na Uy thả phao thủy âm do thám trước tàu ngầm hạt nhân Knyaz Vladimir đang di chuyển ở biển Barents.

Truyền hình quân đội Nga Zvezda ngày 6/11 công bố video cuộc chạm mặt giữa tàu ngầm hạt nhân chiến lược Knyaz Vladimir với trinh sát cơ P-3C Na Uy hoạt động ở biển Barents, nhưng không tiết lộ thời gian diễn ra sự việc.

Trong video, tàu ngầm Nga di chuyển ở trạng thái nổi, một số thành viên thủy thủ đoàn tập trung trên tháp chỉ huy để quan sát xung quanh.

Truyền hình Nga cho biết chiếc Knyaz Vladimir đã nổi trên mặt nước suốt một ngày trước đó và đang trở về cảng sau khi hoàn thành chuyến làm nhiệm vụ.

Trinh sát cơ Na Uy xuất hiện từ xa, sau đó tiếp cận tàu ngầm Nga và thả một phao thủy âm ngay trước mũi chiến hạm.

Phao thủy âm chứa các cảm biến hiện đại, được thả xuống mặt biển để thu thập các dữ liệu như độ ồn, tốc độ và các tín hiệu khác của tàu ngầm.

"Họ đang cố gắng thu thập dữ liệu về chiếc Knyaz Vladimir", truyền hình quân đội Nga cho hay, nhưng không tiết lộ thủy thủ đoàn tàu ngầm xử lý phao thủy âm như thế nào.

Bộ Quốc phòng Na Uy chưa bình luận về thông tin.

Tầm bay xa, thiết bị điện tử hiện đại cho phép phát hiện tàu ngầm đối phương từ sớm, kho vũ khí lớn... máy bay săn ngầm P-3C Orion là nỗi khiếp sợ của tàu ngầm các nước.

P-3 Orion là máy bay tuần tra, giám sát hàng hải và săn ngầm sử dụng 4 động cơ cánh quạt. Máy bay cất cánh lần đầu tháng 11/1959. P-3 Orion là niềm tự hào của không quân hải quân Mỹ.

757 mẫu phi cơ loại này đã được chế tạo với nhiều phiên bản cải tiến, giúp nó duy trì vị thế trong quân đội hàng chục quốc gia.

Hiện biến thể P-3C Orion là biến thể hiện đại nhất và đang được sử dụng nhiều nhất hiện nay trên thế giới.

Máy bay có 10 giá treo dưới cánh, cho phép nó tăng cường các thiết bị tuần tra, giám sát hoặc vũ trang.

Cụ thể các giá treo có khả năng mang tên lửa chống hạm, ngư lôi, thủy lôi và các loại bom bao gồm cả bom hạt nhân nổ dưới nước Mk 101 Lulu và bom hạt nhân B57 của Mỹ.

Ra đời nhằm mục tiêu săn ngầm và tuần tra hàng hải nên P-3C Orion sở hữu hệ thống radar và thiết bị dò sonar cực mạnh, giúp phát hiện tàu ngầm, tàu chiến địch.

Phần đuôi máy bay gắn thiết bị dò từ tính MAD, giúp phát hiện tàu ngầm di chuyển sâu dưới mặt biển.

Thiết bị này dễ bị nhiễu động nên nó được đặt ở phần đuôi máy bay, cách xa các thiết bị khác.

Một trong những vũ khí đặc biệt của P-3C Orion là các phao Sono chủ động và thụ động, giúp tăng cường khả năng định vị tàu ngầm của máy bay.

Sau khi rời máy bay, một phần phao Sono sẽ chìm xuống biển và bung ăng ten để nghe ngóng tín hiệu từ tàu đối phương.

Hai phao chủ động và thụ động giúp xác định chính xác vị trí tàu ngầm đối phương.

P-3C Orion còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử AN/ALQ-78, giúp phát hiện, đánh chặn và định vị tín hiệu của đối phương.

Ngoài ra thiết bị này cũng có khả năng phân tích nguồn năng lượng bức xạ điện từ phát ra từ radar kiểm soát hỏa lực của địch để xác định nguy hiểm.

Với tải trọng lên tới 9 tấn, tùy vào khối lượng bom, P-3C Orion có thể mang tới hàng chục quả thực hiện các phi vụ ném bom rải thảm với sức hủy diệt vô cùng khủng khiếp.

Đặc biệt, P-3C Orion có thể mang các tên lửa tấn công mặt đất như AGM-65 Maverick hay AGM-84 SLAM-ER.

Mỗi chiếc P-3C Orion có thể mang theo 4 ngư lôi hạng nặng trong thân để tấn công tàu ngầm.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khoanh-khac-sat-thu-san-ngam-p-3c-na-uy-cham-mat-tau-ngam-hat-nhan-nga-post522168.antd