Khoảnh khắc trong chuyến đi lịch sử của Giáo hoàng Francis

Trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày ở Iraq, Giáo hoàng Francis muốn kêu gọi sự đoàn kết và lên án bạo lực bằng lịch sử chung của Kitô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo.

Ngày 5/3, Giáo hoàng Francis đến Baghdah, Iraq để bắt đầu chuyến thăm kéo dài 3 ngày của mình. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của giáo hoàng kể từ khi đại dịch xảy ra. Ông cũng là lãnh đạo Giáo hội Công giáo đầu tiên đến Iraq. Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyến thăm này, giáo hoàng dự định tới thăm khu vực phía bắc Iraq từng bị Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm giữ. Trong ảnh là Tổng thống Iraq Barham Salih chào đón Giáo hoàng Francis tại Baghdad. Ảnh: New York Times.

Giáo hoàng vẫn quyết đi đến Iraq và thăm những tín đồ Cơ đốc giáo phải chịu nhiều đau khổ ở đây dù virus đang lây lan và tình hình an ninh bấp bênh. Hai ngày trước chuyến đi của giáo hoàng, một căn cứ quân sự ở miền Bắc Iraq đã bị không kích bằng tên lửa. Ảnh: New York Times.

Giáo hoàng Francis đã đến nhà thờ Đức mẹ Cứu rỗi ở Baghdad, nơi từng xảy ra vụ thảm sát khiến những tín đồ Công giáo bắt đầu rời khỏi Iraq vào năm 2010. Trong ảnh là các tín đồ tập trung bên ngoài nhà thờ Đức mẹ Cứu rỗi với hy vọng được nhìn thấy giáo hoàng. Ảnh: New York Times.

Đây là một chuyến đi mang tính biểu tượng nhưng cũng đầy rủi ro. An ninh được tăng cường ở những nơi giáo hoàng sẽ đến và thủ đô Baghdad của Iraq hoàn toàn bị phong tỏa. Ảnh: New York Times.

New York Times cho biết hơn 1 triệu người theo Kitô giáo đã rời Iraq kể từ khi Mỹ đưa quân vào đây năm 2003. Ước tính hiện tại, ở Iraq chỉ còn khoảng 500.000 tín đồ Kitô giáo. Ảnh: New York Times.

Các tín hữu chào đón Giáo hoàng Francis tại nhà thờ Đức mẹ Cứu rỗi ngày 5/3. Chương trình chuyến thăm Iraq của giáo hoàng trải dài từ đồng bằng Nineveh đến vùng phía bắc của Kurdistan. Ngày 7/3, giáo hoàng sẽ chủ trì thánh lễ ngoài trời cho hàng nghìn người tại sân vận động bóng đá Franso Hariri ở Erbil. Ảnh: New York Times.

Giáo hoàng Francis đến nhà thờ Saint Joseph ở Baghdad cùng với Hồng y Louis Raphael I Sako (phải) người đứng đầu Giáo hội Công giáo Chaldean. Ảnh: AFP.

Ảnh chụp từ trên không cho thấy công tác chuẩn bị cho việc đón giáo hoàng tại tàn tích của nhà thờ Đức mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Mosul. Ảnh: AFP.

Giáo hoàng Francis chủ trì thánh lễ tại Nhà thờ Saint Joseph của Baghdad. Tại đó, giáo hoàng nói với những người tham dự buổi lễ rằng ông hy vọng thế giới sẽ đi từ "xung đột đến thống nhất". Ảnh: AFP.

Giáo hoàng bắt đầu ngày thứ hai của chuyến thăm Iraq bằng việc gặp gỡ Đại giáo chủ Hồi giáo dòng Shia Ayatollah Ali al-Sistani. Hai người đã thảo luận trong gần một giờ về vai trò của các nhà lãnh đạo tinh thần trong một thế giới đầy biến động. Ảnh: AP.

Đại giáo chủ Hồi giáo dòng Shia Ayatollah Ali al-Sistani "khẳng định mối quan ngại của mình rằng các công dân Cơ đốc giáo phải được sống trong hòa bình và an ninh như tất cả người dân Iraq, với đầy đủ các quyền hiến định của họ", theo một tuyên bố. Giáo hoàng cảm ơn ông Sistani đã “lên tiếng bênh vực những người yếu thế nhất và bị bức hại nhiều nhất” tại một trong những thời điểm bạo lực nhất trong lịch sử hiện đại của Iraq, Vatican cho biết. Ảnh: AFP.

Trong ảnh là nghi lễ chào đón Giáo hoàng Francis khi ông đến thăm Đại giáo chủ Ali al-Sistani. Cả hai nhà lãnh đạo đều không đeo khẩu trang trong cuộc gặp gỡ thân mật tại ngôi nhà thuê của ông Sistani ở thành phố thánh địa Najaf. Ảnh: Reuters.

Sau khi gặp Đại giáo chủ Ali al-Sistani, Giáo hoàng Francis đến thành phố cổ Ur, được cho là nơi chào đời của Abraham - vị tổ phụ trong Kinh thánh được Kitô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo tôn kính. Giáo hoàng nói rằng mối liên kết chung này nên đóng vai trò là nguồn cảm hứng cho thế giới đầy sự chia rẽ. Ảnh: New York Times.

Như Trần

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khoanh-khac-trong-chuyen-di-lich-su-cua-giao-hoang-francis-post1190457.html