Khoanh vùng tội phạm lừa đảo qua mạng

Trước nhiều diễn biến phức tạp, Công an TPHCM đã khoanh vùng từng nhóm đối tượng với các phương thức, thủ đoạn đặc trưng, đồng thời ra quân triệt phá tận gốc tội phạm mạng.

Công an TPHCM triệt phá vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự xảy ra tại 2 công ty thông qua trang web cho vay tiêu dùng trực tuyến trái pháp luật. Ảnh: CACC.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Ngày 16/4, Công an quận 11 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an quận Tân Phú, đồng loạt khám xét tại 6 địa điểm nghi vấn trên địa bàn. Quá trình khám xét, công an xác định được đối tượng cầm đầu là Lê Đức Kông và Nguyễn Thị Hồng Nhung (vợ của Kông, trú quận Bình Tân).

Các đối tượng đã thuê hơn 50 người, sau đó, bố trí về làm việc tại nhiều căn hộ khác nhau ở chung cư Richstar 2 (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) và chung cư Carilon 5 (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú). Tại mỗi địa điểm làm việc, có người là nhóm trưởng và được Kông giao việc trực tiếp, sau đó, nhóm trưởng phân công lại cho các nhân viên. Hai vợ chồng Kông cũng cung cấp các thiết bị máy vi tính, điện thoại có kết nối các đầu số ảo, danh sách số điện thoại, kịch bản... để các nhân viên sử dụng công nghệ cao gọi điện bằng “tổng đài ảo”.

Theo Công an quận 11, đây là hình thức gọi điện thông qua Internet, cuộc gọi được mã hóa, số điện thoại hiển thị bên người nghe là số điện thoại ảo, không có thật. Khi gọi điện thoại, các đối tượng thông báo nạn nhân là một trong những khách hàng "may mắn" được trúng thưởng một phần quà có giá trị (xe máy, điện thoại...). Để nhận quà, nạn nhân phải mua sản phẩm do các đối tượng bán để "nhận mã trúng thưởng" hoặc phải nộp một số tiền gọi là "chi phí nhận quà". Khi nạn nhân đồng ý mua sản phẩm hoặc nộp tiền, các đối tượng đóng gói hàng hóa, giả thông tin trúng thưởng giao cho nạn nhân bằng dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền (COD). Nạn nhân sau khi nhận hàng, trả tiền hoặc đóng tiền "chi phí nhận quà" sẽ tiếp tục bị các đối tượng lừa đóng thêm nhiều loại "phí" khác cho đến khi không còn khả năng đóng thêm được nữa thì các đối tượng cắt liên lạc.

Cơ quan công an xác định, mỗi ngày, trung bình một nhân viên thực hiện khoảng 300 cuộc gọi lừa đảo khác nhau. Tính đến thời điểm bị bắt, nhóm này đã lừa đảo hàng nghìn nạn nhân tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, thu lợi bất chính mỗi tháng hơn 2 tỷ đồng.

Đại diện Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, gần đây có rất nhiều đối tượng “bẫy tình” qua mạng với số tiền lừa đảo lên đến hàng tỷ đồng. Đặc điểm chung của các đối tượng này, thường đóng giả thành người có nhiều tiền và địa vị trong xã hội (bác sĩ, kỹ sư, thương gia...) đưa các hình ảnh trên các trang mạng xã hội giới thiệu đang sinh sống tại nước ngoài, các đối tượng ngỏ ý làm quen, kết bạn, sau đó đưa ra lý do như gia đình người thân bị nạn cần giúp đỡ, ngỏ ý vay mượn nạn nhân tiền để đầu tư kinh doanh... hoặc cho người đóng giả nhân viên giao nhận, hải quan, thuế vụ... thông báo thùng quà biếu bị tạm giữ vì trong đó có nhiều ngoại tệ, hàng hóa có giá trị... và thông báo phải nộp thuế, lệ phí để nhận hàng hoặc “lo lót”. Các đối tượng giả danh này cung cấp cho nạn nhân số tài khoản ngân hàng để nộp tiền, khi rút được sẽ chiếm đoạt và cắt liên lạc.

Mới đây, công an đã bắt đối tượng Nguyễn Văn Tuấn (SN 1986, trú huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) để điều tra hành vi giả danh công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân tại TPHCM và một số tỉnh, thành. Theo kết quả điều tra ban đầu, Tuấn không có nghề nghiệp ổn định nên vào tháng 3/2023, đã lên mạng xã hội tìm mua trang phục công an cấp hàm trung tá và thẻ ngành công an giả. Sau đó, Tuấn mặc trang phục công an, chụp hình rồi đăng lên tài khoản mạng. Qua mạng xã hội, Tuấn đã kết bạn làm quen và nhắn tin trò chuyện với chị V.T.T.H. (trú tại TPHCM). Quá trình này, chị H. đã chuyển khoản cho Tuấn 9 lần với tổng số tiền là 227 triệu đồng. Với thủ đoạn tương tự, Tuấn cũng đã lừa lấy số tiền 14,5 triệu đồng của chị L.T.T.T. (trú tại TPHCM) và nhiều nạn nhân khác. Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM thông tin vụ triệt phá “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên mạng xã hội facebook. Nhóm này nhờ kết nối với nhau qua mạng đã bàn nhau thực hiện kế hoạch cướp số tiền 1,1 tỷ đồng của một nạn nhân ở quận 12.

Theo cơ quan điều tra, các đối tượng đều không có công ăn việc làm, lười lao động, đã tham gia là thành viên của một Fanpage Facebook với tên gọi “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”. Quá trình phạm tội, các đối tượng kết bạn, bàn tính, liên hệ qua mạng xã hội để thực hiện trót lọt vụ cướp trên. Mới đây nhất, Công an TPHCM cũng đã triệt phá băng nhóm cho vay lãi nặng xuyên quốc gia, sử dụng mạng xã hội để hoạt động. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 4 (TPHCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các đối tượng Đỗ Minh Hải, Verevkin Vladimir và nhiều đồng phạm để điều tra về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” xảy ra tại Công ty TM 24H và Công ty ATM Online, thông qua trang web cho vay tiêu dùng trực tuyến trái pháp luật.

Triệt phá “tận gốc” tội phạm mạng

Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, chỉ tính riêng trong quý I/2024, các lực lượng chức năng đã khởi tố 18 vụ liên quan đến hành vi sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.

Qua quá trình theo dõi, đánh giá tình hình loại tội phạm này, Công an TPHCM xác định “khoanh vùng” các nhóm đối tượng với phương thức, thủ đoạn riêng. Cụ thể, đối tượng tạo lập các website, trang, hội nhóm với chủ đề, tên gọi có liên quan đến an ninh trật tự, sau đó tiến hành dụ dỗ, lôi kéo người thân tham gia các hoạt động phạm tội. Tội phạm mạng cũng thường xuyên sử dụng các công cụ, thiết bị, phương tiện khoa học kỹ thuật để chiếm quyền quản trị tài khoản của cá nhân, tổ chức rồi tiến hành nhắn tin, lừa người thân, gia đình, bạn bè, đối tượng. Ngoài ra, các đối tượng tội phạm mạng cũng tạo lập các hội nhóm để làm nơi dẫn dụ các nạn nhân tham gia các hoạt động như kiếm tiền trực tuyến, đầu tư tài chính, vay tiền trực tuyến…khiến nạn nhân thiệt hại về tài sản. Một hình thức khá phố biến khác là các đối tượng mạo danh, sử dụng thông tin, hình ảnh của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người dân và doanh nghiệp, khi gặp các loại tội phạm mạng hoặc phát hiện bất cứ thủ đoạn nào khác, nghi ngờ lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần phải thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để xử lý, tránh gây thiệt hại về tài sản một cách đáng tiếc.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khoanh-vung-toi-pham-lua-dao-qua-mang-10279276.html