Khốc liệt thị phần bán lẻ

Sau khi chứng kiến Chuỗi cửa hàng 24 giờ Shop&Go, Trang thương mại điện tử Robins.vn, Chuỗi siêu thị Auchan… rút khỏi thị trường bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh và Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này đã phản ánh đúng sự đào thải khốc liệt của thị trường. Những nhà bán lẻ yếu về tài chính hoặc chưa nắm được xu hướng mua sắm nhanh của người tiêu dùng sẽ phải nhường thị phần cho "người chuyên nghiệp hơn".

Mới đây, Công ty Nhật Bản Muji đã công bố sẽ đưa thương hiệu cửa hàng Ryohin Keikaku tham gia thị trường bán lẻ thành phố và Việt Nam. Tại một số quốc gia châu Á, chuỗi cửa hàng bán lẻ này đang được người tiêu dùng trẻ ưa chuộng do bán các loại sản phẩm khá đa dạng. Công ty Nhật Bản Muji và thương hiệu cửa hàng Ryohin Keikaku cho rằng, Việt Nam là thị trường quan trọng vì có số dân đông thứ ba Ðông - Nam Á và kinh tế đang tăng trưởng cao (gần 7,1% trong năm 2018).

Tương tự, quan sát tại các tuyến đường lớn nhỏ, ngoại thành cũng như trong nội thành, không khó để thấy các cửa hàng tiện lợi bán lẻ như MiniStop, Family Mart, E-mart, 7-Eleven, GS25... phát triển rất rầm rộ. Ngay cả các siêu thị lớn như Aeon, Central Group cũng không ngừng nhân rộng điểm bán ở các tỉnh, thành phố lớn. Nếu như năm 2016, doanh thu bán lẻ của thị trường Việt Nam đạt khoảng 118 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm trước thì sang năm 2017, con số này đạt mốc 130 tỷ USD, tăng 10,9%. Bước sang năm 2018, doanh số lại đạt
150 tỷ USA, tăng 12,4% so với năm 2017. Riêng bốn tháng đầu năm nay, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng đến 13,2% so với cùng kỳ năm 2018, một mức tăng kỷ lục. Con số này cho thấy, thị trường bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đang là "miếng bánh ngon đợi người đến thưởng thức". Tuy nhiên, không phải cứ "thức ăn ngon" là được mà xu thế bán lẻ còn cần phải "hợp khẩu vị" người tiêu dùng thì các nhà bán lẻ mới có thể kinh doanh lâu dài.

Trường hợp Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam không đưa mô hình kinh doanh siêu thị vào Việt Nam mà chỉ tập trung phát triển mô hình phân phối sỉ. Họ cho rằng mô hình siêu thị đứng riêng lẻ hiện không còn dư địa phát triển ở thị trường trong nước trong bối cảnh thị trường bán lẻ ngày càng cạnh tranh gay gắt và thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi quá nhanh. Tuy nhiên, sau thời gian 12 năm kinh doanh, đến năm 2014, Metro được chuyển nhượng về Tập đoàn TCC (Thái-lan). Trước khi chuyển nhượng, Metro có 19 trung tâm thương mại tại 14 tỉnh, thành phố. Sau khi được bán lại cho đối tác Thái-lan, thương hiệu này cũng biến mất khỏi thị trường. Chủ đầu tư mới cũng đổi tên hệ thống thành MM Mega Market.

Ðáng chú ý là thương vụ diễn ra vào đêm 27-6, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh - Saigon Co.op và nhà bán lẻ Pháp Auchan đã bất ngờ công bố "thỏa thuận chuyển giao tất cả các hoạt động bán lẻ Auchan tại thị trường Việt Nam về Saigon Co.op với 18 siêu thị". Ông Nguyễn Anh Ðức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op cho rằng, việc chuyển giao được lãnh đạo hai bên ký kết trong đêm sau một thời gian đàm phán, thảo luận. Ngoài các siêu thị Auchan, Saigon Co.op còn tiếp quản luôn hoạt động thương mại điện tử, nền tảng online (trực tuyến) của đối tác Pháp; cũng như cam kết bảo đảm quyền lợi khách hàng thành viên Auchan. Từ nay đến cuối năm 2019, Saigon Co.op sẽ khai trương mới các điểm bán này dưới dạng siêu thị Co.opmart, Co.optra, Finelife... Còn Auchan khi nói lời giã từ cũng cho hay, mảng kinh doanh của Auchan đạt doanh thu 45 triệu ơ-rô (50,4 triệu USD) năm 2018 và vẫn đang thua lỗ.

Trước đó, thị trường cũng chứng kiến trung tâm thương mại cuối cùng của Parkson tuyên bố đóng cửa, đánh dấu sự rút lui khỏi Việt Nam của tập đoàn đến từ Ma-lai-xi-a. Từng là thị trường được đánh giá đầy tiềm năng với dự định mở từ hai đến ba trung tâm tại các đô thị lớn của Việt Nam, nhưng Parkson có dấu hiệu đuối sức trong cuộc đua giành thị phần. Kể từ năm 2014, làn sóng đầu tư của Parkson đã dừng hẳn khi không mở rộng thêm. Rồi các năm sau đó, đơn vị này đã lần lượt phải đóng cửa các trung tâm thương mại khi kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Cũng tương tự, năm 2016, Central Group (Thái-lan) đã "thâu tóm" chuỗi siêu thị Big C và nâng cấp các điểm bán Big C trở thành các trung tâm thương mại bán lẻ hiện đại và đa dịch vụ. Với khoản đầu tư 30 triệu USD, Central Group đặt mục tiêu nâng cấp 13 trong tổng số 34 trung tâm bán lẻ của Big C thành các trung tâm thương mại lớn hơn vào năm 2021.

Theo các chuyên gia, khi mô hình bán lẻ mới được nhiều người tiêu dùng chấp nhận thì hàng loạt chuỗi cửa hàng mới nhảy vào với chiến lược phát triển nhanh điểm bán, tạo áp lực khá lớn cho các cửa hàng tiện lợi cũ. Các mô hình bán lẻ mới còn đáp ứng khá tốt nhu cầu của khách như: thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, cung cấp wifi miễn phí, có không gian cho khách ăn uống tại chỗ. Theo tính toán, các mô hình bán lẻ mới phải đạt ít nhất là 200 điểm bán mới đạt điểm hòa vốn và bắt đầu có lợi nhuận. Lãnh đạo một doanh nghiệp bán lẻ ở thành phố cho rằng khi đầu tư chuỗi cửa hàng tiện lợi, có thực tế là càng mở càng lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn đua nhau giành mặt bằng đẹp, mở rộng chuỗi cửa hàng là vì tin tưởng thị trường sẽ phát triển trong tương lai, dần thay thế các cửa hàng truyền thống. Ðơn vị nào trụ vững trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này thì sẽ hái được "trái ngọt", nếu không sẽ phải nhường lại sân chơi cho những đối thủ có tiềm lực mạnh hơn.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/41146502-khoc-liet-thi-phan-ban-le.html