Khóc trong BV vì hít bóng cười 20 lần/ngày thay cơm

Những ngày đầu hít 1-2 bóng nhưng về sau bệnh nhân bị phụ thuộc, hít hơn 20 bóng mỗi ngày.

Ngày 7-4, thông tin từ BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết nơi đây vừa điều trị cho trường hợp bệnh nhân nhập viện vì “hít bóng cười” thay cơm.

Bệnh nhân được đưa vào Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai ngày 1-4 với các biểu hiện rối loạn cảm giác và giảm vận động, thỉnh thoảng có cảm giác tê bì bàn chân lan lên cổ chân và bàn tay hai bên, đi lại không vững. Bên cạnh đó còn có biểu hiện tổn thương tủy sống cổ khá nhiều, mất chất liệu tủy sống.

Sau thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị ngộ độc khí N2O. Được biết người này đã chơi bóng cười hơn một năm nay. Thời gian đầu dùng ít, chỉ 1-2 quả một lần và có cảm giác “phê”. Dần dần số lượng dùng ngày một tăng, có thể lên tới 20 quả một lần chơi và thường xuyên dùng.

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, đây là trường hợp điển hình của ngộ độc khí ôxit nitơ NO2 do lạm dụng bóng cười, dẫn tới tổn thương thần kinh, không "vô hại" như nhiều người trẻ nghĩ.

"Bóng cười là những trái bóng được bơm khí NO2. Sau khi hít khí này cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng. Nhưng khi NO2 vào cơ thể cũng gây ảnh hưởng đến thần kinh và tim mạch; cười quá mức, liên tục cũng có thể gây ngạt do thiếu ôxy, điều này sẽ nguy hiểm hơn nữa nếu người chơi có bệnh đường hô hấp, thậm chí người dùng còn có nguy cơ tử vong do các biến chứng về tim mạch, rối loạn nhịp tim" - BS Nguyên cho hay.

BS Nguyên cũng cho biết: "bóng cười" hay Funky ball là quả bong bóng được bơm khí N2O, loại khí gây hưng phấn thần kinh, tạo cảm giác muốn cười khi hít vào nên còn được gọi là khí cười. Ở nhiệt độ bình thường, N2O là chất không màu, không mùi, có vị ngọt nhẹ.

"Khí cười" của bóng này thuộc nhóm chất gây ảo giác và có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc.

Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận nhiều trường hợp đến điều trị trong tình trạng tương tự. Ở Việt Nam, "bóng cười" không nằm trong danh mục quản lý đặc biệt, không phải chất ma túy. Tuy nhiên, lạm dụng bóng cười gây ra những hệ lụy khôn lường cho sức khỏe, đặc biệt là hệ thần kinh và tim mạch. Nó gây tổn thương thần kinh, gây liệt, rối loạn cảm giác, đồng thời có thể làm thiếu máu, ức chế tủy xương và một loạt tác động khác lên cơ thể, thậm chí khả năng sinh sản cũng bị giảm.

Vì thế, bác sĩ khuyên không nên sử dụng khí cười. Lạm dụng khí cười sẽ dẫn đến phụ thuộc và nghiện, khi thiếu khí cười dễ bị trầm cảm.

HÀ PHƯỢNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/suc-khoe/khoc-trong-bv-vi-hit-bong-cuoi-20-lan-ngay-thay-com-763953.html