Khoe mẽ thời 4.0

Chủ nhật vừa rồi, trên Facebook của Nam lại đăng một bức ảnh về tấm bằng khen mà anh mới được nhận. Status đi kèm viết khá khiêm tốn: 'Thêm động lực để tiếp tục phấn đấu'. Thế nhưng 'kỳ lạ' ở chỗ, bên dưới có rất ít lượt like và comment chúc mừng, dù rằng tài khoản của anh có đến vài nghìn người theo dõi, kết bạn.

Câu chuyện không dừng lại ở đó. Từ một bài viết trên Facebook, mấy ông đồng nghiệp lại mang ra đàm tiếu. Các ý kiến đều bày tỏ sự bức xúc: “Ông Nam lại khoe thành tích các ông ạ! Chả biết tâm lý ông ấy dạo này có vấn đề gì không?”; “Khổ, chẳng biết tay Nam làm như vậy để làm gì, chứ tôi thì thấy phản cảm lắm”; “Càng có thành tích thì người ta càng phải khiêm tốn mới đáng quý. Đằng này...".

Nhiều người thoạt nghe qua câu chuyện của mấy ông đồng nghiệp kia sẽ tỏ vẻ không hài lòng. Thế nhưng, ngẫm cho thật sâu, thật kỹ thấy họ nói có lý. Bởi lẽ trên tài khoản mạng xã hội của Nam dạo gần đây chủ yếu đăng hình ảnh và bài viết tự ca ngợi mình. Một số “sự kiện trong đời”, một số hình thức khen thưởng nổi bật, tiêu biểu được anh đăng đi đăng lại ở nhiều thời điểm khác nhau một cách có chủ đích. Thành thử, khi Nam đăng hình ảnh về các buổi nhận thưởng, nhiều người trở nên nghi hoặc, cho rằng anh đưa lên hình ảnh đã cũ hòng tự vinh danh mình.

Chuyện như vậy rõ ràng là Nam rất đáng trách, cần tự mình nghiêm cách rút kinh nghiệm sâu sắc. Thế nhưng ở một phương diện nào đó, những đồng nghiệp của Nam cũng rất đáng bị phê bình. Đúng ra, nếu anh em thật lòng vì sự tiến bộ của nhau thì nên thẳng thắn góp ý cho Nam trong cuộc sống và sinh hoạt đời thường, chứ không nên xì xèo sau lưng đồng nghiệp.

Chúng ta nhớ rằng: Có một thời, các cơ quan, đơn vị đều rất quyết liệt đấu tranh với bệnh háo danh; lên án cán bộ, đảng viên mắc bệnh khoe mẽ thành tích, ngồi đâu cũng oang oang nói về mình, tự ghi nhận, tung hô bản thân một cách thái quá. Và đến nay, căn bệnh háo danh, phô trương thành tích ấy đã “lây lan” lên cả mạng xã hội với không ít cán bộ, đảng viên bị mắc phải; cần sớm được nhận diện, đấu tranh phê bình, chữa trị dứt điểm.

Hãy ngẫm thật kỹ: Vì sao ngay từ năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã viết tác phẩm “Đường Kách mệnh”, chỉ ra 14 tiêu chuẩn cần có của một người cách mạng, trong đó có tiêu chuẩn là “Không hiếu danh...”. Rồi sau đó 20 năm, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh lại cảnh báo những sai lầm, khuyết điểm mà cán bộ, đảng viên dễ mắc phải, trong đó có bệnh thành tích mà Người gọi là “bệnh hữu danh vô thực”. Theo Người, những cán bộ, đảng viên mắc căn bệnh này đều có chung đặc điểm như: Ham địa vị, hay lên mặt, ưa người khác tâng bốc, khen ngợi mình; hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang, vênh váo, cho ai cũng không bằng mình; có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm...

Những lời răn dạy của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị, nhắc nhở từng tổ chức, cán bộ, đảng viên phải không ngừng nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình đối với những biểu hiện của bệnh háo danh, khoe mẽ. Không thể chậm trễ hơn mà ngay từ thời điểm này, cần lắm những hiệu lệnh cảnh tỉnh và sự nêu gương của người đứng đầu trong đấu tranh triệt để với căn bệnh nguy hại này ở tất cả các cấp, các ngành.

NGUYỄN TẤN TUÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khoe-me-thoi-4-0-654233