Khởi công các dự án đường dây 500kV-mạch 3

Ngày 18-12, tại xã Đại Quang, H.Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Cty Truyền tải điện Quốc gia đã tổ chức lễ khởi công các dự án Đường dây (ĐZ) 500 kV nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; ĐZ 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và ĐZ 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2.

Ngày 18-12, tại xã Đại Quang, H.Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Cty Truyền tải điện Quốc gia đã tổ chức lễ khởi công các dự án Đường dây (ĐZ) 500 kV nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; ĐZ 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và ĐZ 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2.

Tham dự lễ khởi công có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành T.Ư và lãnh đạo các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ khởi công.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ khởi công.

Dự án 11.949 tỷ đồng

Đây là các công trình điện cấp bách trong Quy hoạch phát triển lưới điện với mục tiêu truyền tải điện từ Trung tâm Điện lực Quảng Trạch lên hệ thống điện Quốc gia; đồng thời tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500kV liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc vận hành hệ thống điện Quốc gia. Quy mô tổng thể của dự án bao gồm: Xây dựng mới gần 742km ĐZ 500kV mạch kép đi qua 9 tỉnh, thành phố; xây dựng mới 8 ngăn lộ 500kV tại sân phân phối Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; mở rộng một số ngăn lộ 500kV tại các trạm biến áp 500kV Vũng Áng, Dốc Sỏi, Pleiku 2; xây dựng mới 3 trạm lặp quang và 3 nhà quản lý vận hành đội truyền tải điện. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là hơn 11.949 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thi công của tất cả các dự án nêu trên khoảng 20 tháng và phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành khoảng giữa năm 2020.

Tại lễ khởi công, ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc BQL Dự án các công trình điện miền Trung (Ban A miền Trung), đơn vị đại diện chủ đầu tư quản lý dự án cho biết, thời gian qua, song song với việc hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư xây dựng, Ban A miền Trung cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tổ chức rà phá bom mìn, lập hồ sơ đo đạc giải thửa, hoàn chỉnh các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án. Đặc biệt, từ đầu năm 2017 đã tổ chức đoàn công tác do Chủ tịch HĐTV EVN làm trưởng đoàn đến làm việc với 9 tỉnh, thành phố để đề nghị địa phương tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho chủ trương đầu tư trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đáp ứng mục tiêu tiến độ của dự án. “Đây là dự án có quy mô lớn, điều kiện địa hình khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên có mưa bão, lũ lụt, biến động giá cả, nguyên nhiên vật liệu và nhân công. Chính điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý dự án và công tác tư vấn giám sát trên công trường. Một số gói thầu vật tư thiết bị có quy mô lớn nên thời gian đánh giá, xét chọn thầu và ký hợp đồng sẽ phải kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án…” – ông Tuyển nói.

Các dự án lần này thu hút 17 đơn vị xây lắp có đầy đủ kinh nghiệm, năng lực trong cả nước. Ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Cty CP Sông Đà 11, một trong số các đơn vị tham gia thực hiện dự án cho biết “Dù biết sẽ gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết và địa hình nhưng chúng tôi cũng như các nhà thầu thi công xây lắp khác sẽ bố trí đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện máy móc thiết bị thi công trên công trường, tranh thủ thi công cả trong dịp lễ, Tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết để đảm bảo tiến độ Chính phủ giao”. Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định, sẽ tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đáp ứng mục tiêu tiến độ của dự án, đảm bảo đủ quỹ đất cho thực hiện dự án.

Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ khởi công dự án. Ảnh: P.K

Tăng cường năng lực truyền tải điện

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trong những năm qua, do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước diễn ra nhanh và mạnh mẽ, nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng cao. Tăng trưởng nhu cầu điện bình quân 10%/năm. Hiện tại nước ta có tổng công suất nguồn điện khoảng 48 ngàn MW nguồn điện. Đến năm 2025, dự kiến nhu cầu sẽ là 90 ngàn MW, gấp đôi hiện nay. Đến năm năm 2030 nhu cầu là khoảng 130 ngàn MW. Do nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, yêu cầu ngành điện phải tập trung đầu tư phát triển các nguồn điện, đồng thời đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới truyền tải.

Trước thực trạng cung cầu điện tại mỗi vùng miền đang có sự mất cân đối, Phó Thủ tướng dẫn chứng, năm 2018, miền Nam tiêu thụ 90 tỷ kw/h điện, chiếm 47% tổng điện năng tiêu thụ. Trong khi đó, nguồn cung trong khu vực chỉ đạt dưới 35%. Khu vực miền Trung và miền Bắc tiêu thụ 53% nhưng nguồn cung chiếm hơn 60% điện năng cả nước.

“Xu hướng thiếu điện ở phía Nam sẽ gia tăng trong những năm tới do công tác đầu tư nguồn điện tại khu vực này đang gặp khó khăn (các dự án chậm tiến độ), trong khi các tuyến đường dây 500 kV hiện nay đã đầy tải, có thời điểm quá tải. Do đó, việc đầu tư thêm đường dây truyền tải điện 500 kV mạch 3 từ Vũng Áng đến Pleiku 2 là hết sức cấp bách. Khi hoàn thành, công trình này sẽ tăng cường năng lực truyền tải, góp phần điều hòa, đảm bảo đủ điện cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân các vùng miền, đặc biệt là khu vực phía Nam. Đồng thời, góp phần tối ưu hóa sản xuất và truyền tải điện trong vận hành mạng lưới điện quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng”- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Phó Thủ tướng lưu ý, chủ đầu tư cùng các nhà thầu thực hiện nghiêm công tác quản lý, giám sát, huy động nhân lực, thiết bị, công nghệ, vốn, tranh thủ tối đa thời gian để thực hiện dự án, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quá trình thực hiện dự án.

PHƯƠNG KIẾM

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_199814_khoi-cong-cac-du-an-duong-day-500kv-mach-3.aspx