Khởi công, thông xe nhiều dự án giao thông quan trọng: Mở rộng không gian phát triển mới cho Thủ đô

Cùng với mục tiêu là hoàn thiện hạ tầng theo quy hoạch, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, các dự án giao thông vừa được khởi công, thông xe trong các tháng đầu năm tại Hà Nội còn giúp kéo giãn mật độ dân cư, mở rộng không gian phát triển mới cho Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn (áo trắng thứ 3, từ phải sang) cùng đại diện chủ đầu tư, các sở ngành cắt băng thông xe cầu vượt xóa ùn tắc tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch ngày 30/6/2023

Dự án Vành đai 4 chuyển động ở công trường

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành, thời gian qua UBND thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cũng như huy động các nguồn lực để triển khai đầu tư hàng loạt dự án hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch.

Với các dự án như Vành đai 4, Quốc lộ 6 và đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3 vừa được khởi công trong các tháng đầu năm nay, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho rằng, việc đầu tư, xây dựng các tuyến đường này là hết sức cần thiết, có tính chất cấp bách.

“Các dự án sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong khu vực nội đô, đồng thời góp phần mở rộng không gian phát triển đô thị, giãn mật độ dân cư các quận nội thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực tuyến đường đi qua, trong đó có các huyện ngoại thành chưa có nhiều điều kiện để phát triển, cải thiện tỷ lệ đô thị hóa”, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đánh giá.

Với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Vành đai 4), là dự án quan trọng quốc gia với mức đầu tư hơn 85.800 tỷ đồng, trải qua địa bàn 3 tỉnh thành là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, nhưng theo ghi nhận, từ khi được Quốc hội duyệt chủ trương đến chuẩn bị công tác đầu tư, khởi công ngày 25/6/2023 chỉ trong thời gian rất ngắn là 1 năm 9 ngày.

Đây là quãng thời gian chuẩn bị cho một dự án quan trọng quốc gia là “thần tốc” chưa có tiền lệ. Điều này đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tại lễ khởi công: Thể hiện rõ sự nỗ lực, chủ động và quyết tâm lớn của các cấp ngành, lãnh đạo thành phố Hà Nội (đơn vị chủ trì dự án - PV) và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh...

Đến nay, sau 2 tháng khởi công, dự án đang được chủ đầu tư thay mặt thành phố phối hợp với các quận, huyện khẩn trương hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các phần diện tích còn lại, hoàn thiện giải pháp kỹ thuật để thi công đồng bộ dự án theo tiến độ đặt ra.

Đề cập tiến độ triển khai dự án đến tháng 8/2023, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Ban Giao thông - Chủ đầu tư) cho biết, các quận huyện đã phê duyệt và thu hồi được 694,20/793,80 ha đất mặt bằng, đạt 87,45% (tại thời điểm khởi công con số này là 84%).

Từ thực tế mặt bằng đã được bàn giao, Chủ đầu tư cho biết, sau khi Chủ đầu tư nhận mặt bằng và phối hợp di chuyển cây cối, hoa màu rà phá bom mìn dự án sẽ tổ chức thi công đồng loạt trên toàn bộ tất cả các gói thầu đối với dự án đường đô thị song hành (Dự án thành phần 2.1).

Hiện nay, các mốc tiến độ đặt ra của dự án vẫn đang được bám sát, như: 31/12/2023 các quận huyện bàn giao 100% mặt bằng; thi công cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.

Vành đai 4 sau khởi công đang được thực hiện thi công ở hiện trường

Đẩy nhanh thi công, hoàn thiện hạ tầng, giảm ùn tắc

Từ đầu năm đến nay, thành phố Hà Nội đã thông xe, đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông quan trọng, phát huy mục tiêu hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo quy hoạch và giảm ùn tắc giao thông hiệu quả. Trong số này, có các công trình như: đường Vành đai 3 trên cao đoạn Ngã Tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy, cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc- Phạm Ngọc Thạch.

Với các dự án hoàn thiện hạ tầng, giảm ùn tắc được thực hiện theo các danh mục đầu tư đã được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội có chủ trương và phê duyệt đầu tư, Ban Giao thông cho biết, trong các tháng đầu năm, Ban QLDA đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các dự án được Thành phố giao, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các dự án quan trọng, công trình trọng điểm trong chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy.

Cùng với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, công tác chuẩn bị dự án, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán, đấu thầu, GPMB để khởi công các dự án mới và triển khai thi công các dự án chuyển tiếp đang được gấp rút thực hiện.

Trong đó, với các dự án trong danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 đang thi công, qua rà soát vẫn đang đáp ứng tiến độ theo kế hoạch, gồm: Dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2; Dự án cải tạo, nâng cấp QL6, đoạn Ba La - Xuân Mai, Dự án đường kết nối cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ - Vành đai 3…

Tại Dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2, sau khi hợp long cầu vào ngày 30/5/2023, hiện các nhà thầu đang hoàn thiện các hạng mục thiết bị cuối cùng để chủ đầu tư báo cáo UBND Thành phố chấp thuận thông xe cầu Vĩnh Tuy vào tháng 9/2023.

Cầu Vĩnh Tuy được Ban Giao thông Hà Nội thi công đúng tiến độ, tổ chức thông xe vào 30/8/2023

Dự án cải tạo, nâng cấp QL6, đoạn Ba La - Xuân Mai, chủ đầu tư đang đôn đốc thi công tại gói thầu 03/QL6-XL; Đã duyệt thiết kế - dự toán gói 04/QL6-XL; đã hoàn thiện hồ sơ và trình lại Sở GTVT thẩm định gói 05/QL6-XL;…

Các dự án trong danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 gồm hầm chui tại nút Vành đai 2,5 - đường Giải Phóng; Cầu vượt tại nút An Dương - đường Thanh Niên… đang đôn đốc thi công theo tiến độ, với dự án Cầu vượt tại nút Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch đã được thông xe, giảm ùn tắc tại đây từ tháng 6/2023.

Một số dự án khác đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, trong đó dự án Cầu Thượng Cát; đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến QL32; Cầu Tân Phú; Cầu 72;… hiện Ban QLDA đang trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Với các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, Ban QLDA Giao thông cho biết, trên cơ sở kết quả, tình hình triển khai thực hiện 8 tháng đầu năm, trong các tháng cuối năm 2023, Ban QLDA sẽ tiếp tục phát huy các mặt đạt được, khắc phục các hạn chế, tồn tại để tập trung thực hiện các chỉ đạo của thành phố trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thi công, các dự án chuẩn bị đầu tư, hoàn thành đúng các mốc tiến độ theo kế hoạch. Với các dự án đầu tư ngân sách đã khởi công, đang thi công… thực hiện giải ngân đạt mức kế hoạch giao vốn của thành phố năm 2023.

Anh Trọng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khoi-cong-thong-xe-nhieu-du-an-giao-thong-quan-trong-mo-rong-khong-gian-phat-trien-moi-cho-thu-do-post1564714.tpo