Khởi đầu hanh thông

Lịch sử giao dịch cho thấy, thị trường thường tăng điểm sau kỳ nghỉ Tết dài, nhưng chuỗi tăng điểm ấn tượng của VN Index trong tuần vừa qua vẫn khiến cho NĐT bất ngờ. Không chỉ bứt phá về điểm số, thị trường phát đi những tín hiệu tốt cả về thanh khoản lẫn động thái của các NĐTNN.

Tuần đầu sau kỳ nghỉ Tết, cả 2 chỉ số VN Index và HNX Index đều có diễn biến khá tích cực, khi tăng lần lượt 42,22 điểm và 2,77 điểm, lên mức 950,89 điểm và 106,11 điểm. Những mã CP có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN Index trong tuần qua là VIC (Vingroup), GAS (PV Gas) và VCB (Vietcombank), khi đóng góp lần lượt 12,84 điểm, 3,5 điểm và 3,17 điểm tăng.

Diễn biến các nhóm CP ngành tuần qua, đa phần đều tăng điểm, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm CP đa ngành (tăng hơn 15%) với động lực chính là HPG (Hòa Phát). Nhóm CP bất động sản tuần qua giao dịch tích cực, khi tăng trưởng hơn 10,71% với sự dẫn dắt của VIC. Các nhóm CP vốn hóa lớn khác như dầu khí hay ngân hàng cũng tăng lần lượt 6,49% và 4,09%.

Dù VN Index điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch ngày 15-2, nhưng với 4 phiên tăng mạnh trước đó, đã giúp chỉ số này ghi nhận chuỗi tăng ấn tượng nhất kể từ đầu tháng 12-2018. Dòng tiền đã trở lại sau kỳ nghỉ lễ dài ngày và lan tỏa khắp các nhóm CP trong phiên đầu năm.

Các thông tin bên ngoài lúc này vẫn chưa có bước tiến triển, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước hạn chót ngày 1-3. Thậm chí, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cũng nhấn mạnh còn khoảng cách khá lớn trước khi Trung Quốc và Mỹ có thể đạt một thỏa thuận. Tuy nhiên, thị trường trong nước vẫn rất tích cực với mặt bằng CP tăng tốt, và khi mọi yếu tố cản trở thị trường trước Tết đã được gỡ bỏ, cửa tăng cho thị trường trong tuần này sẽ cao.

Thực tế, thanh khoản trong tuần giao dịch vừa qua đã phần nào chứng tỏ cho nhận định trên. Theo thống kê, thanh khoản trung bình trên sàn HOSE ở mức 174 triệu CP/phiên, tăng mạnh so với mức 134 triệu CP/phiên của tuần trước Tết. Nếu như ở thời điểm trước Tết, nhóm CP vừa và nhỏ là nơi trú ấn khi rổ VN30 cơ cấu lại, thì sau Tết nhóm bluechips đã trở lại dẫn dắt thị trường.

Sự khởi sắc của thị trường thời gian qua không thể không nhắc tới dòng vốn ngoại khi họ trở lại mua ròng gần 1.900 tỷ đồng, cũng như nhiều quỹ nội cũng bắt đầu tiến hành giải ngân. Trong đó, một phần không nhỏ lực mua trên thị trường từ đầu năm tới nay được thực hiện bởi các quỹ ETF như VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), iShare MSCI Frontier 100 ETF, VFMVN30 ETF. Theo dữ liệu được công bố, quỹ ETF nội VFMVN30 ETF từ đầu năm 2019 tới nay đã phát hành ròng 7,5 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 107 tỷ đồng (4,6 triệu USD).

Quỹ ETF ngoại lâu đời trên thị trường Việt Nam là VNM ETF cũng phát hành lượng chứng chỉ quỹ trị giá 15,43 triệu USD (360 tỷ đồng) từ đầu năm tới nay. Đáng chú ý, trong 4 phiên gần nhất, quỹ này phát hành đều đặn lượng chứng chỉ quỹ trị giá hơn 3 triệu USD mỗi phiên, giống giai đoạn đầu năm 2018 khi TTCK Việt Nam thăng hoa rực rỡ. Theo nhận định của CTCK MB (MBS), việc VNM ETF duy trì đà mua ròng CP thời gian qua là tín hiệu khá tích cực cho thị trường. Hiện tại, tổng tài sản VNM ETF khoảng 347 triệu USD và CP Việt Nam chiếm tỷ trọng xấp xỉ 75% danh mục quỹ.

Quỹ ETF ngoại khác là iShare MSCI Frontier 100 ETF cũng có tín hiệu khá tích cực, khi phát hành ròng 150.000 chứng chỉ quỹ, tương ứng 4,2 triệu USD (gần 100 tỷ đồng) trong tháng đầu năm. Dù lượng phát hành không lớn, nhưng việc iShare MSCI Frontier 100 ETF hút vốn trở lại, cho thấy tâm lý giới đầu tư quốc tế đang lạc quan về thị trường cận biên sau giai đoạn rút vốn mạnh cuối năm 2018.

Theo ông Trần Xuân Bách, Phòng Phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC), thị trường tuần này được dự báo diễn biến theo hướng tăng điểm nhẹ với các phiên tăng giảm đan xen. Áp lực bán chốt lời có thể tiếp tục gia tăng trong những phiên đầu tuần khi nhiều nhóm CP đã xuất hiện các dấu hiệu bị chốt lời.

Thị trường sẽ vẫn diễn ra với sự phân hóa mạnh giữa các dòng CP. Nhóm CP ngân hàng dự báo tiếp tục điều chỉnh đầu tuần và có thể hồi phục tăng về cuối tuần. Trong khi các CP vốn hóa lớn sẽ luân phiên tăng điểm và tạo ra ảnh hưởng chi phối đến diễn biến các chỉ số. Dòng tiền được dự báo tiếp tục luân phiên dịch chuyển vào các nhóm CP chưa tăng nhiều hoặc đang điều chỉnh tích lũy để tìm kiếm lợi nhuận. Các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội cho NĐT nâng tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn.

Kim Giang

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/khoi-dau-hanh-thong-65826.html