Khởi đầu kỷ nguyên hòa bình mới trên bán đảo Triều Tiên

Sáng 27-4, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được cả thế giới chờ đợi đã diễn ra theo đúng kế hoạch tại làng đình chiến Panmunjom. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953, song là cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo của hai miền trong vòng một thập kỷ qua.

Hai nhà lãnh đạo bắt tay sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un bước sang lãnh thổ Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Những khoảnh khắc lịch sử

Vào đúng 9 giờ 30 phút (giờ Seoul), tức 7 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bắt tay nhau tại đường ranh giới phân định hai miền, chính thức mở màn sự kiện lịch sử được trông đợi này.

Giữa dải bê tông phân cách hai miền, Tổng thống Moon Jae-in đưa tay mời lãnh đạo Kim Jong-un bước sang lãnh thổ Hàn Quốc. Ngay khi đặt chân sang phía bên kia của dải phân cách, trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên sang Hàn Quốc kể từ sau chiến tranh Triều Tiên (1953-1954), ông Kim Jong-un đã mời nhà lãnh đạo Moon Jae-in bước sang phần lãnh thổ của Triều Tiên. Khá bất ngờ bởi điều này không có trong kịch bản, song ông Moon Jae-in vẫn vui vẻ bước qua.

"Một trang sử mới đã bắt đầu từ nay - từ điểm khởi đầu của lịch sử và kỷ nguyên hòa bình", nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã viết vào sổ lưu bút như vậy.

Trong căn phòng diễn ra các cuộc đàm phán trong tòa nhà Hòa bình của Hàn Quốc tại làng đình chiến Panmunjom, chiếc bàn hình chữ nhật thường thấy tại đây đã được thay thế bằng một bàn lớn hình ô van có chiều dài 2018mm - tượng trưng cho sự kiện được tổ chức năm 2018 và chiều rộng 1953mm - năm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Phía Hàn Quốc cho biết, họ lựa chọn hình ô van thay vì hình chữ nhật, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa những người tham dự, đồng thời mong muốn sẽ có những trao đổi chân tình và thẳng thắn giữa cả hai bên.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un mời Tổng thống Moon Jae-in bước sang lãnh thổ Triều Tiên. Ảnh: AP

Bàn đàm phán có hình chiếc cầu được nối từ 2 mố cầu, ý nhắc tới sự hàn gắn hai miền. Trong phòng có bức tranh lớn hình núi Kumgang, biểu tượng của hợp tác hai miền về du lịch. Những chiếc ghế trong phòng hội nghị này cũng rất đặc biệt khi trên lưng ghế có khắc hình bán đảo Triều Tiên. Căn phòng được trải thảm màu xanh nước biển, biểu trưng cho những ngọn núi, những dòng sông và một sự khởi đầu mới. Tất cả những sự bài trí "nhiều tình ý" ấy đã góp phần làm nên cuộc gặp gỡ "đầy cảm xúc" giữa lãnh đạo hai miền.

Cuộc đối thoại lịch sử

Sau các nghi lễ mang tính biểu tượng tại đường ranh giới phân định hai miền Triều Tiên, Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chính thức bắt đầu cuộc đối thoại lịch sử.

Trong 2 giờ thảo luận, lãnh đạo hai miền đã cam kết nỗ lực để đạt tiến triển trong đàm phán. Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh: "Hàn Quốc cam kết đối thoại thẳng thắn và đạt một thỏa thuận lớn, để có thể mang lại một món quà lớn cho toàn thể nhân dân hai miền Triều Tiên và những người mong muốn hòa bình".

Về phần mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên cam kết sẽ tiến hành "cuộc thảo luận tốt đẹp với thái độ chân thành, thẳng thắn và trung thực, và sẽ đạt một kết quả tốt". Ông Kim nêu rõ kỳ vọng của Bình Nhưỡng tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 là rất lớn và "chúng tôi đã rút ra được bài học từ những cuộc gặp thượng đỉnh trước đó, rằng ngay cả khi đã đạt được những thỏa thuận tốt đẹp, nhưng không thể thực thi, chúng ta sẽ khiến người dân cảm thấy thấy vọng". Ông hy vọng những thiện chí giữa hai bên trong 11 năm qua "sẽ không bị lãng phí", đồng thời bày tỏ mong muốn "viết nên một chương mới trong quan hệ hai nước.

Theo Cơ quan báo chí Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, tại hội đàm, ông Moon Jae-in nhấn mạnh, nhân dân hai miền trông đợi những cuộc gặp như vậy, đồng thời đề xuất tiến hành thường xuyên các cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Ông cũng đề xuất với lãnh đạo Triều Tiên thống nhất tuyến đường sắt giữa hai miền, nhấn mạnh việc này sẽ đóng góp đáng kể vào hợp tác kinh tế hai miền. Về phần mình nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chấp nhận lời mời của Tổng thống Moon Jae-in tới thăm Seoul bất kỳ lúc nào.

Hai nhà lãnh đạo tiến hành hội đàm lịch sử. Ảnh: AFP

Tại phiên họp chiều 27-4, Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Đây được xem là một trong những vấn đề cốt lõi trong chương trình nghị sự.

Trong phiên họp này, hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi việc đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khi Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa; cải thiện quan hệ song phương, giảm căng thẳng ở khu vực biên giới, vấn đề các gia đình ly tán, thúc đẩy các dự án hợp tác, ngoại giao nhân dân cùng nhiều vấn đề có liên quan khác. Theo kế hoạch, hai nhà lãnh đạo ký kết nhiều thỏa thuận trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này, đồng thời tham dự họp báo chung sau cuộc gặp.

Mở ra cơ hội tiến tới phi hạt nhân hóa

Thiện chí mạnh mẽ của hai nhà lãnh đạo tại cuộc gặp lịch sử lần thứ 3 làm dấy lên hy vọng về một giải pháp hiệu quả nhằm giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời mở ra cơ hội tiến tới phi hạt nhân hóa.

Cuộc gặp lịch sử sau hơn một thập kỷ giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên là sự kiện được thế giới quan tâm hàng đầu và được dư luận quốc tế đặc biệt hoan nghênh. Các nước Mỹ, Nhật Bản đều lên tiếng bày tỏ hy vọng hai bên sẽ có các cuộc đối thoại nghiêm túc, thẳng thắn và đi đến kết quả. Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ, Mỹ sẽ tiếp tục thảo luận với Hàn Quốc nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Cái bắt tay lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên. Ảnh: Yonhap

Từ Tokyo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga "hoan nghênh Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực để có được cuộc hội đàm hôm nay", đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng "đây sẽ là cuộc thảo luận nghiêm túc giữa hai nhà lãnh đạo".

Cùng ngày, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho rằng, bán đảo Triều Tiên vốn là một trong những khu vực căng thẳng nhất trên thế giới, nơi hành động quân sự có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, theo ông, tình hình đã thay đổi và hai miền Triều Tiên đang đi theo hướng hòa giải.

Tuy tương đối thận trọng về các bước tiến có thể đạt được sau cuộc gặp, giới chuyên gia quốc tế cũng đánh giá cao triển vọng mà sự kiện lịch sử này đem lại, nhất là cho tiến trình hòa giải giữa hai miền cũng như quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khoi-dau-ky-nguyen-hoa-binh-moi-tren-ban-dao-trieu-tien/