Khởi đầu thuận lợi

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM tại kỳ họp khai mạc ngày 22-5-2023. Không chỉ thống nhất với các cơ chế trong dự thảo, Thường vụ Quốc hội còn 'gợi ý' mở rộng phạm vi một số chính sách, thiết kế theo hướng đột phá hơn trên tinh thần đồng thuận rằng TPHCM có những chính sách vượt trội để khơi thông nguồn lực, kiến tạo phát triển, lan tỏa cho vùng và cả nước.Theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các chính sách xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM và phát triển Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (SaiGon Coop) hoạt động theo mô hình Liên đoàn Hợp tác xã sẽ không đưa vào Nghị quyết lần này. Lý do là chưa có rõ căn cứ, nội dung, mô hình hoạt động, chính sách cần có. Thay vào đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu đánh giá tác động để đưa cụ thể những chính sách cần thiết vào nghị quyết làm cơ sở cho việc hình thành, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM.Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, Nghị quyết này thông qua thì thành phố phải chuẩn bị rất nhiều để có thể triển khai được trên thực tế. Đến giờ này, thành phố đã phân công các cơ quan chuẩn bị một số nội dung trong hơn 40 nội dung chính sách. 'Chúng tôi dự kiến một số nội dung sẽ thông qua tại kỳ họp HĐND giữa kỳ này và có phiên họp HĐND chuyên đề vào tháng 9 và kỳ họp HĐND cuối năm nay. Tại ba kỳ họp HĐND cơ bản tải hết các nội dung cần phải thể chế, để bốn năm sau tập trung cho tổ chức thực hiện và phần củng cố tổ chức bộ máy, nhân lực'.

Mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, đặc biệt phù hợp với TPHCM. Ảnh: LÊ VŨ

Các chính sách “dày dặn, khá toàn diện”

Cuối tuần trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (sau đây gọi là dự thảo Nghị quyết). Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và thực tiễn để ban hành Nghị quyết là “hoàn toàn thỏa đáng”. Chủ tịch Quốc hội cũng “biểu dương TPHCM và Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất chịu khó tìm tòi, nghiên cứu” để đề xuất số lượng chính sách “rất dày dặn, khá toàn diện, hy vọng là sẽ tạo ra được những cú hích và những đột phá” cho TPHCM.

Dự thảo Nghị quyết có hai nhóm chính sách với 44 nội dung cụ thể, gồm: 17 chính sách đã quy định tại Nghị quyết 54/2014/QH14 và các nghị quyết về cơ chế đặc thù đã được áp dụng tại các địa phương khác hoặc đang quy định tại các dự thảo luật trình Quốc hội (nhóm 1); 27 chính sách hoàn toàn mới, tập trung ở bốn nhóm vấn đề: đầu tư, tài chính – ngân sách, quản lý đất đai – quy hoạch, tổ chức bộ máy (nhóm 2).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nhóm chính sách 1; đánh giá rất cao nhóm chính sách 2 và cho rằng có một số chính sách ở nhóm này cần mở rộng phạm vi áp dụng và thiết kế theo hướng thực sự đột phá, khơi thông nguồn lực, kiến tạo để phát triển, có tính lan tỏa, tác dụng sâu không chỉ đối với TPHCM mà còn cho cả vùng, cả nước.

Ví dụ, với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Chính phủ đề xuất nhiều chính sách mới như: cho phép áp dụng PPP với các dự án thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa với quy mô không thấp hơn 100 tỉ đồng; được áp dụng hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu; được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng với toàn bộ lĩnh vực văn hóa thay vì khoanh vùng trong bốn lĩnh vực; đồng thời không quy định mức vốn cụ thể và giao HĐND thành phố quyết định dựa trên thực tiễn như đề xuất của Ủy ban Tài chính, ngân sách. “Như vậy, các quận, huyện, xã, phường sẽ đẩy mạnh được xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa”, ông Vinh phân tích.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phạm vi áp dụng PPP có thể rộng hơn thế nữa. “Những cái gì luật không quy định nhưng thành phố thấy cần thiết thì có thể mở rộng ra, chứ không nhất thiết chỉ có mấy lĩnh vực thế này”. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, tổng mức đầu tư bao nhiêu thì phân cấp cho thành phố quyết để linh động, không nên bó hẹp. Vì thực tế có những dự án xã hội hóa trường học hay cơ sở y tế hoặc thể thao… quy mô lớn nhưng cũng có dự án quy mô nhỏ cấp quận, huyện có thể làm được.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho TPHCM được áp dụng hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu; song lưu ý Chính phủ và Ủy ban Tài chính, ngân sách “thêm van khóa” để bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Với đề xuất TPHCM được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội gợi ý “tính thêm” về cách thực hiện hợp đồng BT để phù hợp với thực tiễn bởi nhiều người nói cũng đúng, rằng hợp đồng BT nếu thanh toán bằng tiền thì có khác gì đi vay đâu, thà phát hành trái phiếu chính quyền địa phương hoặc trái phiếu công trình. “Có thể vừa trả bằng đất, có thể vừa trả bằng tiền khi thanh toán chênh lệch. Có thời kỳ Chính phủ khóa trước xử lý như thế, tức là phần chênh lệch thanh toán có thể trả bằng tiền hoặc có thể bằng đất hoặc cả bằng đất cả bằng tiền”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Một trong những chính sách mới được đánh giá là đột phá đó là đề xuất thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) – là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, đặc biệt phù hợp với những thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội.

Căn cứ dự thảo Nghị quyết, TPHCM chỉ được thực hiện trên địa bàn nhất định, đó là: vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt được cấp thẩm quyền phê duyệt dọc theo tuyến Đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), Đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương), vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận thành phố.

“Quy định này có thể bó hẹp, hạn chế hiệu quả chính sách”, Ủy ban Tài chính, ngân sách lo ngại. Trong khi đó, có thể có những vị trí, địa bàn khác ngoài các khu vực nêu trên, nếu triển khai có thể mang lại hiệu quả cao. Cơ quan thẩm tra cho rằng, thay vì chỉ áp dụng với khu vực của ba dự án nêu trên, Chính phủ có thể nghiên cứu theo hướng đột phá hơn. Theo đó, cần áp dụng chung cho cả thành phố để chính sách có quy mô tương xứng tạo bước đột phá làm thay đổi diện mạo thành phố, hoàn thiện hạ tầng giao thông, đẩy lùi ùn tắc, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Áp lực phía trước

Có thể thấy, TPHCM đang có bước khởi đầu tương đối thuận lợi, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố tại kỳ họp khai mạc ngày 22-5 tới. Trong bối cảnh thời hạn áp dụng Nghị quyết 54/2017/QH14 chỉ kéo dài hết năm 2023, việc Quốc hội sớm ban hành một Nghị quyết mới cho TPHCM sẽ giúp tránh được sự đứt gãy cơ sở pháp lý, và tạo điều kiện cho thành phố khơi thông nguồn lực và phát triển mạnh mẽ trở lại.

Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không chỉ thống nhất với các cơ chế đặc thù trong dự thảo mà còn “gợi ý” mở rộng phạm vi một số chính sách, đề nghị Chính phủ thiết kế theo hướng đột phá hơn trên tinh thần đồng thuận cao rằng: TPHCM có những chính sách vượt trội để khơi thông nguồn lực, kiến tạo phát triển, lan tỏa cho vùng và cả nước. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng ở chỗ khi và chỉ khi được trao cho những chính sách thực sự, vượt trội và đột phá, thành phố mới có thể đạt được những mục tiêu Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết 31-NQ/TW. Đó là phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước và phải sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Thời gian từ nay tới kỳ họp tới của Quốc hội không còn nhiều! Áp lực hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải nói là rất lớn. Tiếp theo đó là áp lực xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị để các chính sách đột phá, vượt trội nhanh chóng đi vào cuộc sống thay vì phải dành thêm một năm đầu tiên để chuẩn bị các phần việc như với Nghị quyết 54/2017/QH14.

Áp lực tuy lớn nhưng sự khởi đầu thuận lợi ở “cửa” Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cam kết tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm chất lượng cao nhất của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng lãnh đạo TPHCM sẽ là tiền đề tốt đẹp cho chặng đường phát triển mới của thành phố.

An Nhiên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khoi-dau-thuan-loi/