Khơi dậy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm đối với đất nước

Cuộc vận động 'Doanh nghiệp (DN), doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế', do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức trong thời gian từ nay đến hết năm 2019 được ví như 'Hội nghị Diên hồng' về kinh tế trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Trong thực tế, DN, doanh nhân góp ý xây dựng thể chế, chính sách không phải là việc làm mới. Ðảng ta đã xác định xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, trong đó DN, doanh nhân đóng vai trò là đội quân chủ lực. Bởi vậy, suốt hành trình hơn 30 năm đổi mới, cộng đồng DN, doanh nhân đã chung tay với Ðảng, Nhà nước trong những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Nhiều doanh nhân, đại diện các DN, hiệp hội DN có vai trò trong các cơ quan của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, cuộc vận động này có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là lần đầu chúng ta tổ chức một cuộc vận động quy mô lớn và rộng khắp, đúng dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giai đoạn chuẩn bị cho các văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng - một đại hội được kỳ vọng thúc đẩy làn sóng cải cách lần thứ hai cho nền kinh tế Việt Nam. Các góp ý, đề xuất của DN, doanh nhân nhằm nhận diện, phản ánh về các vấn đề lớn, quan trọng cần phải giải quyết; những khó khăn, cản trở trong thực tiễn phát triển kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, DN. Ðồng thời góp ý, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao vai trò lãnh đạo của Ðảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Một trong những vấn đề trọng tâm được lấy ý kiến là phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18-3-2002 của Hội nghị T.Ư 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN, khu vực kinh tế này không ngừng lớn mạnh, trở thành lực lượng quan trọng đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ðến nay, Việt Nam đã có bốn doanh nhân được xếp hạng tỷ phú USD thế giới, theo thống kê của Forbes. Khu vực KTTN đóng góp khoảng hơn 40% vào GDP nhưng chủ yếu đến từ các hộ kinh tế cá thể, còn DN tư nhân đóng góp chưa đến 10% GDP. Lực lượng DN Việt Nam khá đông đảo, hiện có hơn 740 nghìn DN nhưng quy mô chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Thực tế này cho thấy, vận hành của nền kinh tế đâu đó vẫn còn những điểm nghẽn, cản trở sự vươn lên của KTTN.

Hơn ai hết, DN, doanh nhân hoạt động trên thị trường biết rõ cần phải làm gì, cần cơ chế nào để họ hoạt động tốt nhất, từ đó đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước. Từ cuộc vận động này, mọi góp ý đề xuất của DN, doanh nhân đều được tổng hợp, xem xét và chuyển tới các cơ quan liên quan để nghiên cứu, phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế và góp phần xây dựng văn kiện Ðại hội Ðảng lần thứ XIII. Ðiều đó có nghĩa là DN, doanh nhân Việt Nam không chỉ ở vị trí tham gia “cuộc chơi” mà còn là người hiến kế, tổ chức “cuộc chơi” để đưa đất nước phát triển thịnh vượng.

BÍCH NGÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41499702-khoi-day-suc-sang-tao-tinh-than-trach-nhiem-doi-voi-dat-nuoc.html