Khởi động Chương trình đặc biệt tăng cường đào tạo giáo viên tiếng Nhật

Tối 24/10, tại Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản) tổ chức Lễ khởi động và giới thiệu Chương trình đặc biệt tăng cường đào tạo giáo viên tiếng Nhật.

Chương trình đánh dấu kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1973-2018).

Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Umeda Kunio cho biết: Tháng 6/2017, trong bài phát biểu tại Hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á” diễn ra tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ mong muốn thực hiện Chương trình tăng cường công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Nhật tại ba quốc gia của châu Á.

Tiếp nhận thông tin này, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản đã đề xuất với Chính phủ Nhật Bản về sự cần thiết của công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Nhật tại Việt Nam. Kết quả là Việt Nam đã được lựa chọn là một trong ba quốc gia cùng với Ấn Độ và Myanmar thực hiện Chương trình này.

Nhấn mạnh về mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản và tính cần thiết của việc tăng cường công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Nhật, Đại sứ Umeda Kunio cho biết, hiện đã có 290 nghìn người Việt Nam cư trú tại Nhật Bản, tăng gấp 6,5 lần trong 7 năm qua. Trong số này có 130 nghìn thực tập sinh kỹ năng, 80 nghìn du học sinh.

Nhu cầu giảng dạy tiếng Nhật cho các đối tượng này đang gia tăng nhanh chóng. Vì vậy, việc cải thiện cả về chất và lượng của giáo viên tiếng Nhật đang trở nên thực sự cấp bách. Bên cạnh đó, số lượng người có nguyện vọng học tập tiếng Nhật tại các cơ sở giáo dục công tại Việt Nam cũng đang tăng nhanh. Hiện nay, có 75 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông của Việt Nam đang giảng dạy tiếng Nhật. Một số trường tiểu học cũng được thí điểm giảng dạy tiếng Nhật.

Đại sứ Umeda Kunio cho rằng, một trong những yếu tố khiến việc giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam gia tăng là do lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam tăng lên. Tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam năm 2017 đã đạt mức cao nhất trong lịch sử là 9,1 tỷ USD, đạt 6,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay.

Đại sứ hy vọng Chương trình đặc biệt tăng cường đào tạo giáo viên tiếng Nhật sẽ trở thành hoạt động có ý nghĩa đối với hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản ngày càng phát triển.

Chia sẻ thông tin chi tiết về Chương trình này, ông Ando Toshiki, Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: Chương trình đặc biệt tăng cường đào tạo giáo viên tiếng Nhật gồm hai khóa học: Khóa đào tạo mới giáo viên tiếng Nhật và Khóa tăng cường bồi dưỡng năng lực dành cho đối tượng giáo viên.

Trong đó, Khóa đào tạo mới giáo viên tiếng Nhật bắt đầu từ tháng 12/2018, kéo dài trong 4,5 tháng với 120 giờ giảng về phương pháp và 80 giờ thực tập. Khóa học này nhằm mục tiêu đào tạo mới, gia tăng số lượng giáo viên tiếng Nhật từ nguồn nhân lực đã đạt trình độ tiếng Nhật nhất định, đáp ứng phần nào sự thiếu hút số lượng giáo viên giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam.

Khóa tăng cường bồi dưỡng năng lực dành cho đối tượng giáo viên được triển khai tại các địa phương gồm các buổi seminar kéo dài từ 1,5-2 ngày cuối tuần với các chủ đề dựa trên tình hình giảng dạy tiếng Nhật tại các địa phương và nội dung theo nguyện vọng của các giáo viên ở địa phương.

Được triển khai từ nay đến tháng 3/2019 với khoảng7-8 buổi seminar, Khóa tăng cường giúp bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đối tượng hiện đang là giáo viên giảng dạy tiếng Nhật. Các giáo viên sẽ được củng cố về phương pháp giảng dạy, từ đó nâng cao chất lượng công tác giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam.

Buổi seminar đầu tiên của Khóa tăng cường đã được tổ chức tại Hải Phòng ngày 20/10 vừa qua với chủ đề “Phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao khả năng giao tiếp ở trình độ sơ cấp”. Khóa tăng cường lần hai sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10,11/11 với chủ đề “Phương pháp giảng dạy giờ học trung cấp”.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/khoi-dong-chuong-trinh-dac-biet-tang-cuong-dao-tao-giao-vien-tieng-nhat-20181024215832302.htm