Khơi dòng động lực giải quyết vấn đề 'tam nông'

Trong chương trình làm việc hôm nay (9-4), dự kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ đối thoại, trao đổi trực tiếp với nông dân về những chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thủ tướng cũng sẽ lắng nghe những đại biểu đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân cả nước nói lên tâm tư, nguyện vọng; nêu lên những khó khăn, vướng mắc của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa tổng kết thành tựu 30 năm đổi mới đất nước. Trong 30 năm đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nổi lên như là một trong những gam màu chủ đạo tạo nên bức tranh thành tựu kinh tế - xã hội to lớn của đất nước. Đặc biệt, tín hiệu khởi sắc từ sản xuất nông nghiệp năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018 hứa hẹn sẽ mang tới cuộc đối thoại những thông tin vui. Đó là: Quý I-2018, tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm sản và thủy sản đạt 4,05% - mức tăng cao nhất trong 13 năm gần đây. Trước đó, năm 2017, ngành Nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 2,94%, vượt mục tiêu so với Chính phủ đề ra là 2,84%. Đặc biệt, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 36,37 tỷ USD, vượt hơn 4 tỷ USD so với năm 2016. Đến ngày 20-3-2018, cả nước có 3.289 xã (36,84%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới... Những thành tựu đó đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, nhất là nông thôn và đô thị.

Nhưng những con số thống kê ấy chưa khẳng định một kết quả đồng đều, toàn diện. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết năm 2017 của ngành Nông nghiệp, được tổ chức ngày 4-1-2018 thì “chúng ta không được phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Còn đó những câu hỏi: Vì sao nông nghiệp chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP, lao động chiếm trên 42%, nhưng người dân sống ở nông thôn đến 70%? Vì sao tình trạng khiếu kiện ở nông thôn liên quan đến đất đai còn nhiều? Diện mạo nhiều làng quê đã thay đổi nhưng vì sao môi trường tự nhiên lại xấu đi trông thấy? Tình trạng “được mùa, mất giá”, tâm lý “giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố” (di cư tự phát), một bộ phận nông dân không mặn mà với ruộng đồng… đến bao giờ mới có giải pháp căn cơ?

Người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, sống ở nông thôn thì chính họ mới là người hưởng thụ, đánh giá được hiệu quả của chính sách. Chắc hẳn, những tâm tư đó sẽ được đặt lên bàn đối thoại giữa Thủ tướng và đại biểu nông dân.

Phải khẳng định, trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, nông nghiệp chính là trụ đỡ góp phần quan trọng bảo đảm sự ổn định, phát triển của đất nước. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng tác động lớn đến nước ta, việc tăng cường sự hỗ trợ với vai trò "bà đỡ" của Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn càng có ý nghĩa.

Vai trò ấy của Nhà nước, giống như ở các quốc gia khác, trước hết thể hiện qua việc hoạch định tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có tính tới thị trường cả trong nước và quốc tế cũng như an ninh lương thực quốc gia. Xây dựng đề án cơ cấu lại các lĩnh vực; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chú ý tới thế mạnh của mỗi địa phương trên cả nước. Tiến hành rà soát, xác định, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có thị trường; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đối với các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng theo điều kiện cụ thể để lựa chọn phát triển cây, con hàng hóa thay cho tự cung tự cấp, nhằm tạo ra lối thoát căn bản cho công tác xóa đói, giảm nghèo.

Cùng với việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch là quản lý việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch đó; cung cấp thông tin thị trường làm định hướng cho sản xuất của nông dân. Tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước và đầu tư gián tiếp, thông qua việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Một trong những bất cập lớn nhất hiện nay, kìm hãm sản xuất nông nghiệp quy mô lớn là chính sách đất đai chưa theo sát thực tiễn. Do đó, việc rà soát quy hoạch không gian, chi tiết việc sử dụng đất đai trên phạm vi toàn quốc cần làm thường xuyên và liên tục. Về chính sách, cần bảo đảm sự công bằng trong thu hồi đất. Phải khẳng định lại chủ trương giao đất, thuê đất ổn định lâu dài cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê dài hạn làm cơ sở tích tụ ruộng đất phù hợp với sản xuất lớn, áp dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường... Vì vậy, cần có chính sách chặt chẽ, phù hợp, bịt những kẽ hở để số ít “trùm đất” lợi dụng trở nên giàu có còn người dân và Nhà nước chịu thiệt hại.

Trong xây dựng nông thôn mới, cần tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu như giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học, xử lý môi trường. Đối với giao thông phải có quy hoạch hệ thống, nối liền giữa giao thông nông thôn với tỉnh lộ, quốc lộ hướng tới thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Nhà nước cũng cần tập trung chuyển đổi và phân bổ nguồn nhân lực ở nông thôn, phát triển nhanh các đô thị nông thôn để giảm áp lực gia tăng dân số ở các đô thị lớn. Để chuyển đổi lao động nông thôn đúng hướng thì điều căn bản là phải tạo ra việc làm cho nông dân, nhất là lao động trẻ. Một thực tế là chỉ có dưới 10% nguồn nhân lực nông thôn đã qua đào tạo, do đó cần có kế hoạch đào tạo và chuyển giao lao động hợp lý. Cùng với việc phát triển nhanh công nghiệp và dịch vụ, cần sớm hình thành thị trường lao động nông thôn, tạo việc làm mới cho nông dân, bao gồm cả ưu tiên xuất khẩu lao động.

Chiến lược của Đảng là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng Đảng cũng xác định là muốn thành công thì trước tiên phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Có cơ sở để tin rằng nhất định vấn đề “tam nông” sẽ được giải quyết thấu đáo; nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nhất định phát triển mạnh mẽ, vững chắc, đời sống mọi mặt của nông dân nhất định ngày càng tốt đẹp, vững bền.

Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực để nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển mạnh mẽ là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

Đỗ Quỳnh Chi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suy-ngam/898347/khoi-dong-dong-luc-giai-quyet-van-de-tam-nong