Khởi động dự án chấm dứt bạo lực đối với trẻ em

Sáng 6-1, tại Hà Nội, tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (TNTGVN) đã tổ chức Hội thảo Khởi động dự án chấm dứt bạo lực đối với trẻ em (EVAC). Dự án được khởi động với mục tiêu giúp thanh thiếu niên ở 17 xã thuộc 4 huyện của hai tỉnh Yên Bái và Điện Biên tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bạo lực.

Bà Trần Thu Huyền, Trưởng Đại diện TNTGVN phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thanh Thuận

Dự án hướng đến việc tạo môi trường cho thanh thiếu niên dễ bị tổn thương (trong độ tuổi 12-24) được chăm sóc và bảo vệ khỏi nạn mua bán người, bị xâm hại, xao nhãng, bóc lột và những hình thức bạo lực khác thông qua sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng.

Dự án được triển khai trên địa bàn 17 xã thuộc các huyện Lục Yên, Văn Chấn của tỉnh Yên Bái và các huyện Mường Chà, Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên trong thời gian 4 năm (2016 - 2020). Tổng kinh phí dự kiến của dự án là 1,56 triệu USD do Tầm nhìn Thế giới Mỹ tài trợ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trần Thu Huyền, Trưởng Đại diện TNTGVN nhận định, bảo vệ trẻ em - một vấn đến xã hội hết sức khó khăn, là nhiệm vụ mà không một tổ chức hay cá nhân nào có thể đơn phương giải quyết. Bà Trần Thu Huyền cũng cho biết, mục tiêu dự án là tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em, ngăn chặn và đẩy lùi những rủi ro dẫn đến sự xâm hại đối với trẻ em, tạo môi trường an toàn để chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Để đối phó thành công với các vấn đề bạo lực đối với trẻ em hiện nay như: Tảo hôn, bóc lột lao động, buôn bán, bạo hành... bà Trần Thu Huyền cho rằng, tiêu chí quan trọng là thay đổi về tư duy và văn hóa, đó cũng chính là các rào cản lớn nhất trong hoạt động phát triển nói chung và phòng chống bạo lực đối với trẻ em nói riêng.

Tại hội thảo, nhiều đóng góp và tham luận của đại diện, chuyên gia đến từ các tổ chức, ban, ngành Trung ương và địa phương như: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, các sở, ngành chuyên môn tại các tỉnh Điện Biên,Yên Bái và lãnh đạo các huyện thuộc dự án, cũng như các tổ chức phi Chính phủ được trình bày đã đưa ra một số giải pháp nhằm hỗ trợ hiệu quả việc giải quyết bạo lực trẻ em, bao gồm cả mua bán trẻ em. Trong đó, các hoạt động được đề xuất là: Nâng cao năng lực, trang bị kiến thức, đào tạo nghề và khởi nghiệp, hỗ trợ pháp lý, vận động chính sách, truyền thông...

Bà Thân Thị Hà, Giám đốc điều hành các chương trình của TNTGVN nhấn mạnh: “Bạo lực trẻ em có rất nhiều hình thức. Việc bảo vệ trẻ em không chỉ là ngăn chặn bạo lực mà còn phải nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển sinh kế và phòng chống thiên tai".

Trung bình mỗi năm có 3.000 - 4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó phát hiện khoảng 100 trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục.

Khoảng 5.600 vụ lạm dụng tình dục trẻ bị phát hiện từ năm 2006 đến 2011; 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em trên cả nước từ năm 2011 đến 2015. Độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi.

Gần 74% trẻ em từ 2-14 tuổi bị cha mẹ/người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực; gần 24% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết chồng của họ đã có hành vi bạo lực đối với con cái.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khoi-dong-du-an-cham-dut-bao-luc-doi-voi-tre-em/