Khởi động dự án Không để ai bị bỏ lại phía sau

Sáng 24/9, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế tổ chức Lễ ký kết trực tuyến và khởi động dự án 'Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong bà mẹ vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam' do MERCK SHARP & DOHME (MSD) tài trợ.

Bà Naomi Kitahara đại diện UNFPA tại Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế trả lời trực tuyến các câu hỏi của phóng viên về việc triển khai dự án.

Theo đại diện UNFPA tại Việt Nam, dự án "Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong bà mẹ vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam" do MSD tài trợ sẽ triển khai tại 06 tỉnh gồm: Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông. Tổng kinh phí hỗ trợ dự án là 1,2 triệu USD cho giai đoạn từ 01/9/2021 đến 30/9/2024, trong đó UNFPA cam kết đóng góp riêng cho dự án với số tiền là 810.000 đô la Mỹ.

Mục tiêu của dự án này là giảm tử vong mẹ ở 06 tỉnh được lựa chọn. Nâng cao năng lực cấp cứu sản khoa ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa. Củng cố mạng lưới cô đỡ thôn, bản ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Thử nghiệm một số sáng kiến để huy động sự tham gia của cộng đồng. Ngoài ra, dự án sẽ thử nghiệm ứng dụng trên điện thoại thông minh để góp phần nâng cao khả năng tiếp cận của người dân tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại lễ ký kết và khởi động dự án, ông Nguyễn Đức Vinh- Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết: Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm đầu tư và được đánh giá là điểm sáng trong việc giảm tử vong mẹ, tử vong con dưới 01 tuổi. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức rất lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Trong bối cảnh như vậy, Dự án do MSD tài trợ thông qua UNFPA tập trung can thiệp giảm tử vong mẹ ở 6 tỉnh miền núi, trong đó chú trọng các nhóm đối tượng ưu tiên, có tính đến văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam là hết sức giá trị và phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam cũng như của Bộ Y tế.

Bộ Y tế tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác chặt chẽ của UNFPA Việt Nam, sự tham gia tích cực của mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ, hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra, góp phần đáng kể vào việc thực hiện thành công các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em mà Đảng, Nhà nước Việt Nam giao cho ngành Y tế./.

Việt Bắc

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/phong-chong-dich-benh-covid19/202109/khoi-dong-du-an-khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau-bf53dda/