Khởi động dự án sản xuất thử nghiệm máy trợ thở tại Huế

Máy bóp bóng ambu trợ thở dựa trên nguyên lý dùng áp lực dương (từ quả bóp) để đẩy luồng khí vào khí quản của động vật (hoặc trên người). Hệ thống sử dụng mô tơ gạt nước ô tô, thông qua bộ bánh răng giảm tốc sẽ kéo cánh tay đòn điều khiển bóp quả bóng, đẩy khí vào phổi một cách chủ động. Khí oxy từ bình chứa nối với quả bóp sẽ tự động đẩy khí vào phổi.

Sáng 3-4, ĐH Huế cho biết, các chuyên gia của nhà trường vừa tiến hành khảo sát để nghiên cứu, hình thành dự án sản xuất thử nghiệm máy trợ thở phục vụ công tác chữa bệnh trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ máy bóp bóng ambu trợ thở do TS. Vũ Văn Hải, giảng viên Trường ĐH Nông lâm thuộc ĐH Huế và các cộng sự sáng chế.

Trong khi đó, theo TS. Vũ Văn Hải, quá trình chữa bệnh cho thú cưng, anh cùng các cộng sự đã sáng tạo ra máy bóp bóng ambu trợ thở cho động vật, nhất là trong quá trình phẫu thuật.

“Sau khi xem xét kỹ lưỡng máy trợ thở do các nước chế tạo phục vụ công tác chữa bệnh liên quan đến dịch bệnh Covid-19, tôi giật mình thấy mô hình này khá giống máy bóp bóng ambu trợ thở mà mình đang sử dụng. Từ đó, tôi muốn đề xuất để nghiên cứu, triển khai thử nghiệm phục vụ dự phòng cho y tế. Tất nhiên, tôi vẫn mong muốn các bệnh viện đáp ứng được máy móc hiện đại, nhưng tình huống xấu mà cần sử dụng thì có thể hỗ trợ được và mình sẽ cố gắng để cải tiến”, TS. Vũ Văn Hải cho hay.

Máy bóp bóng ambu trợ thở do TS. Vũ Văn Hải và các cộng sự sáng chế

Máy bóp bóng ambu trợ thở do TS. Vũ Văn Hải và các cộng sự sáng chế

Máy bóp bóng ambu trợ thở dựa trên nguyên lý dùng áp lực dương (từ quả bóp) để đẩy luồng khí vào khí quản của động vật (hoặc trên người). Hệ thống sử dụng mô tơ gạt nước ô tô, thông qua bộ bánh răng giảm tốc sẽ kéo cánh tay đòn điều khiển bóp quả bóng, đẩy khí vào phổi một cách chủ động. Khí oxy từ bình chứa nối với quả bóp sẽ tự động đẩy khí vào phổi.

TS.Trần Xuân Thịnh, Phó trưởng Khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế đánh giá, để khẳng định có thể sử dụng máy bóp bóng ambu trợ thở của TS. Vũ Văn Hải và các cộng sự sáng chế như máy thở phục vụ chữa bệnh cho người thì chưa hẳn, nhưng trong bối cảnh dịch lan rộng, có thể sử dụng máy trong trường hợp cấp cứu, nhất là trong quá trình vận chuyển bệnh nhân. Qua đó, giải phóng sức lực cho nhân viên y tế và tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, giúp tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.

VĂN THẮNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khoi-dong-du-an-san-xuat-thu-nghiem-may-tro-tho-tai-hue-654961.html