Khơi dòng vốn phục vụ phát triển 'tam nông' (Kỳ 1)

Nông nghiệp, nông dân và nông thôn (tam nông) là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng cũng kèm theo không ít rủi ro do tác động của thời tiết, khí hậu, thiên tai… Ði liền với đó, tín dụng đầu tư lĩnh vực này cũng đối mặt với cả thời cơ và thách thức. Câu chuyện làm thế nào để ngân hàng mặn mà đổ vốn vào tam nông, cũng như doanh nghiệp, người nông dân có thể dễ dàng hơn trong tiếp cận tín dụng, vẫn luôn là vấn đề thời sự và cần tiếp tục tháo gỡ do còn những điểm nghẽn.

Người dân xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) tìm hiểu thủ tục vay vốn sản xuấcủa Ngân hàng Chính sách xã hội.

Người dân xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) tìm hiểu thủ tục vay vốn sản xuấcủa Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bài 1: Tăng cao khả năng tiếp cận

Thời gian gần đây, các ngân hàng đầu tư vốn vào tam nông đã góp phần không nhỏ tạo ra sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế. Việc mở rộng các giải pháp tín dụng nhằm tăng cao khả năng tiếp cận của người dân, đồng vốn ngân hàng đang được kỳ vọng là đòn bẩy cho phát triển nông nghiệp, tiến tới hạn chế, đẩy lùi nạn tín dụng đen đang hoành hành ở nông thôn.

Tạo sức bật cho doanh nghiệp và nhà nông

Trên địa bàn Tây Nguyên, cà-phê được xác định là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực. Ðồng hành cùng những người nông dân và doanh nghiệp (DN) phát triển cây cà-phê, không thể không nhắc tới dòng vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Công ty TNHH một thành viên Cà-phê 52 tại Ðác Lắc là một trong những DN điển hình tái canh thành công cây cà-phê bằng nguồn vốn ngân hàng. Giám đốc Công ty Nguyễn Công Trị cho biết, với dư nợ hơn 18 tỷ đồng, nguồn vốn từ Ngân hàng Agribank đã góp phần quan trọng để công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm là trồng và tái canh cây cà-phê.

Trong năm 2016, công ty đã hoàn thành tái canh hơn 210 ha cà-phê, năm 2017 tái canh hơn 105 ha cà-phê. Ðến nay, diện tích cà-phê tái canh đang phát triển tốt, cho sản lượng cao, diện tích cà-phê trồng mới 30 ha trong năm 2018 cũng đang lên xanh tốt. “Việc tái canh cây cà-phê mất từ hai đến ba năm mới tiếp tục cho sản lượng, dẫn đến doanh thu của công ty bị giảm sút. Trong khoảng thời gian này, nếu không có sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank, công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn” - ông Trị chia sẻ.

Không riêng Công ty Cà-phê 52, hiện nay các DN hoạt động kinh doanh cà-phê trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc với diện tích hơn 40.000 ha đang trở thành lực lượng tiên phong trong tái canh cà-phê. Công ty TNHH một thành viên 720 (thuộc Tổng công ty Cà-phê Việt Nam) đang quản lý hơn 700 ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích cà-phê là 300 ha, lúa 210 ha, còn lại là đất trồng màu. Công ty triển khai thực hiện tái canh ngay từ năm 2013 với diện tích 78 ha, trong đó 30 ha đã cho thu hoạch. Theo Phó Giám đốc Hà Văn Lạc, DN được Ngân hàng Agribank chi nhánh Ea Kar cho vay hơn 10 tỷ đồng, đến nay vườn cây phát triển tốt và cho thu hoạch với năng suất đạt từ 3,5 tấn/ha (ở năm thứ 4) đến hơn 4 tấn/ha (vào năm thứ 5 trở đi), trong khi trước đó khi chưa thực hiện tái canh, năng suất chỉ đạt cao nhất là 2,5 tấn/ha. Dự kiến đến năm 2024, toàn bộ diện tích cà-phê của công ty sẽ được tái canh.

Cùng với DN, người dân vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng ngày càng có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống từ nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Tại xã Ðác Ui, một trong những xã khó khăn của huyện Ðác Hà (Kon Tum), nhiều hộ dân trở nên sung túc hơn nhờ vay vốn ưu đãi trồng cà-phê. Năm 2010, gia đình anh Bùi Xuân Sang và chị Y Chính vay 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để phát triển kinh tế gia đình. Với số vốn ưu đãi này, vay mượn thêm của họ hàng, anh chị đầu tư mua 1 ha đất để trồng cà-phê. Do cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của nhiều người trong xã, vườn cà-phê của anh chị luôn xanh tốt, mang lại hiệu quả cao. Gần đây nhất, năm 2017, gia đình anh chị tiếp tục được vay 50 triệu đồng của NHCSXH theo chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, tiếp tục đào ao và mua máy bơm tưới cho hơn 1.000 gốc cà-phê. Ngoài cà-phê, anh chị còn trồng lúa và 1.000 cây bời lời, cuộc sống ngày càng khấm khá. Bên cạnh đó, gia đình chị còn được vay thêm 12 triệu đồng từ NHCSXH để xây dựng công trình nước sạch.

“Nhờ vay vốn từ NHCSXH, gia đình tôi đã có điều kiện phát triển kinh tế. Ngôi nhà mới xây này cũng từ vốn vay của ngân hàng này đấy” - chị Y Chính phấn khởi cho biết. Nếu gia đình chị Y Chính là gương mặt tiêu biểu ở mảnh đất đỏ ba-dan nhiều nắng gió, thì anh Vàng Thống Cáo, người dân tộc Phù Y, sống tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ cũng là điển hình của nông dân vùng cao Hà Giang biết vượt lên khó khăn, nhờ ý chí và trợ lực từ đồng vốn ngân hàng để vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.

Với số vốn vay ban đầu khoảng 200 triệu đồng từ Ngân hàng Agribank, anh đã tập trung đầu tư phát triển nông sản sạch, kinh doanh giống cây trồng. Ðến nay, sản phẩm nấm đóng gói với thương hiệu “Nấm Cáo Tuyên” của gia đình anh đã tạo lập được chỗ đứng trên thị trường. Nhờ nguồn thu từ nấm, anh Vàng Thống Cáo đã luân chuyển vốn mở rộng thêm kinh doanh các loại rau quả trái vụ, mỗi năm thu về hơn 200 triệu đồng.

Vẫn chưa thỏa “cơn khát” vốn

Hiện nay, có thể nói, Agribank và NHCSXH là hai tổ chức tín dụng chủ lực trong cho vay phát triển tam nông. Hơn 10 năm qua, dòng tín dụng của hệ thống ngân hàng cho lĩnh vực này luôn tăng với tốc độ cao, theo đó, giai đoạn 2009-2013 bình quân đạt 21%/năm, giai đoạn 2014 - 2017 khoảng 17%/năm. Ðến cuối tháng 3-2019, số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho thấy, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng 2,23% so cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng khoảng 25,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế (năm 2018 tăng 21,4%, tỷ trọng 24,8%); dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng.

Việc tiếp cận nguồn tín dụng nông nghiệp ngày càng thuận lợi, nhiều nông dân, DN cũng đã có nguồn vốn ổn định để nâng cao thu nhập, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhưng để nói rằng đã đủ hay chưa, thì có thể khẳng định là chưa, khi thực tế vẫn còn rất nhiều người dân, DN hoạt động trong lĩnh vực này còn đang khát vốn. Ðược coi là lực lượng nòng cốt quan trọng đưa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới, nhưng phần lớn các DN vẫn chưa thể thực hiện được sứ mệnh này khi bản thân họ vẫn loay hoay trong khó khăn vì bài toán vốn. Ðơn cử như lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm an toàn, dù đang là một trong những lĩnh vực được Chính phủ và NHNN tập trung ưu tiên, song không ít đơn vị vẫn gặp khó trong tiếp cận ngân hàng.

Chia sẻ về khó khăn này, Giám đốc HTX Xuân Hương (TP Ðà Lạt, tỉnh Lâm Ðồng) Trần Ðức Quang cho biết: Ðể đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi phải có chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, cho nên hầu hết DN đều thiếu vốn sản xuất, trang bị thiết bị. Mặc dù làm ăn hiệu quả, nhưng hơn 10 năm nay, HTX Xuân Hương vẫn chưa được vay vốn của ngân hàng. “Thực tế đến nay, chúng tôi chưa tiếp cận được nguồn tín dụng nào từ phía ngân hàng vì HTX không có tài sản để thế chấp. Kể cả văn phòng cũng mượn nhà dân, nhà của chủ nhiệm biến thành trụ sở HTX. Thậm chí, HTX có kho sơ chế theo tiêu chuẩn VietGAP cũng do cá nhân chủ nhiệm cho HTX mượn đất xây dựng. Chỉ khoảng vài năm trở lại đây, HTX mới vay được vài trăm triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ của Liên minh HTX để xây dựng nhà kho sơ chế” - ông Trần Ðức Quang tâm sự.

Trong khi Việt Nam là một nước có lợi thế và tiềm năng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, có cơ hội trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, nhưng DN - lực lượng nòng cốt trong việc kết nối đưa hàng nông sản ra thế giới lại chưa thật sự mặn mà đầu tư lĩnh vực này. Chính vì vậy, để thúc đẩy DN quan tâm đầu tư mạnh hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đang rất cần cơ chế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa, nhất là về nguồn vốn tín dụng. Ngoài ra, việc phối hợp để người dân tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn chính thức từ hệ thống ngân hàng cũng góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống nông dân, thay đổi bộ mặt nông thôn và hạn chế, đẩy lùi nạn tín dụng đen.

(Còn nữa)

Trong lĩnh vực sản xuất cà-phê, thiếu vốn luôn là vấn đề nan giải khiến DN gặp khó khăn trong đầu tư tái canh và nâng cao giá trị khâu chế biến sau thu hoạch. Ðây là công đoạn có tính quyết định làm tăng giá trị của ngành cũng như duy trì vị thế xuất khẩu của cà-phê Việt Nam trên thế giới. Ðể hỗ trợ các DN giải được bài toán này, không thể thiếu vai trò của các ngân hàng trong việc bố trí nguồn vốn tín dụng trung, dài hạn với lãi suất hợp lý và chi phí bảo lãnh các nguồn vay trung hạn để đầu tư.

Lương Văn Tự

Chủ tịch Hiệp hội Cà-phê Ca-cao Việt Nam

Bài và ảnh: HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/40339702-khoi-dong-von-phuc-vu-phat-trien-%E2%80%9Ctam-nong%E2%80%9D-ky-1.html