Khởi nghĩa Lam Sơn – dấu son rạng ngời sử sách (Bài 1): Thắng lợi của sức mạnh chính nghĩa, sức mạnh Nhân dân

Sau 10 năm 'nếm mật nằm gai', cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi ấy đã khẳng định sức mạnh của chính nghĩa, của lòng yêu nước, sức mạnh Nhân dân; đồng thời, đặt nền móng mở ra thời kỳ hưng thịnh 'Muôn thuở nền thái bình vững chắc' cho quốc gia - dân tộc.

Tội ác của giặc Minh được tại hiện qua tiết mục sân khấu hóa tại Lễ hội Lam Kinh.

Sau cuộc kháng chiến thất bại của nhà Hồ, đất nước chịu sự đô hộ của nhà Minh. Đây là một trong những giai đoạn tang thương bậc nhất trong lịch sử nước ta. Quân Minh không chỉ áp dụng thuế khóa nặng nề, chúng còn vơ vét tài nguyên khoáng sản, thực hiện chính sách nô dịch và đồng hóa dã man, thâm độc về mặt văn hóa. Âm mưu của chúng là hòng thủ tiêu vĩnh viễn nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam, đồng hóa phong tục tập quán như cách ăn mặc, lối sống... theo phong tục và lễ giáo nhà Minh. Chúng còn cho xây dựng nhiều chùa, quán, đền, miếu, lập ra các nha môn chuyên trách việc truyền bá tôn giáo vào nước ta, nhằm thực hiện chính sách đồng hóa triệt để hơn. Điều này được Nguyễn Trãi đã ghi lại trong Bình Ngô đại cáo: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ/ Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế/ Gây thù kết oán trải mấy mươi năm/ Bại nhân nghĩa nát cả đất trời...”.

Không chịu cảnh áp bức, bóc lột của giặc Minh, khắp nơi trong cả nước Nhân dân ta đã đứng lên đấu tranh. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra nhưng đều thất bại. Với ý chí “Ngẫm thù lớn há đội trời chung/ Căm giặc nước thề không cùng sống”, năm Mậu Tuất (1418) Bình Định Vương Lê Lợi đã phất cờ khởi nghĩa tại núi rừng Lam Sơn (nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Theo sách Lam Sơn thực lục, buổi đầu khởi sự nghĩa quân chỉ có 35 quan võ, một số quan văn, 200 quân thiết đột, 200 nghĩa sĩ, 200 dũng sĩ, 14 con voi và một số người tham gia chủ yếu là người Thanh Hóa. Tổng cộng không quá 2.000 người. Ngược lại, lực lượng quân Minh lúc bấy giờ “có tới hơn 4 vạn rưỡi tên, voi ngựa có hàng trăm con”. Đúng như Nguyễn Trãi đã đúc kết trong câu: “Vừa khi cờ nghĩa dấy lên/ Chính lúc quân thù đang mạnh/ Lại ngặt vì: Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Nhân tài như lá mùa thu/ Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần/ Nơi duy ác hiếm người bàn bạc”.

Sự chênh lệch về tương quan lực lượng, đã khiến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn buổi đầu khởi sự đã phải đương đầu với muôn vàn thách thức. Cuộc khởi nghĩa vừa phát động thì Tổng binh nhà Minh là Lý Bân đã phái Đô chỉ huy Chu Quảng dẫn quân từ thành Tây Đô lên đàn áp. Quân Minh liên tiếp mở các cuộc tiến công, càn quét vùng Lam Sơn, quyết dập tắt cuộc khởi nghĩa. Trước sự truy đuổi ráo riết của quân Minh, nghĩa quân phải rút lên ẩn náu trên núi Chí Linh (tức núi Pù Rinh, thuộc xã Giao An, huyện Lang Chánh). Bị quân Minh vây chặt, nghĩa quân cạn hết lương thực. Trước tình thế hiểm nghèo đó, Lê Lai đã tự nguyện đóng giả Lê Lợi, dẫn 500 quân xông ra phá vòng vây để đánh lừa quân địch và đã anh dũng hy sinh. Nhờ đó, Lê Lợi và nghĩa quân mới thoát khỏi vòng vây dày đặc của quân thù và trở về Lam Sơn khôi phục căn cứ, củng cố lực lượng, chuẩn bị những trận chiến đấu mới.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được sân khấu hóa tại lễ hội Lam Kinh.

Do lực lượng còn non yếu, lại bị giặc Minh đàn áp, nghĩa quân đã rút về Lạc Thủy để dựa vào địa hình hiểm yếu và bố trí mai phục. Khi quân Minh truy đuổi lên Lạc Thủy và lọt vào trận địa mai phục, quân khởi nghĩa đã “chém được hơn 3.000 thủ cấp, thu được hàng ngàn quân tư, khí giới” và buộc Mã Kỳ phải rút lui. Thắng lợi của trận Lạc Thủy có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ khẳng định nghĩa quân Lam Sơn dưới sự chỉ huy của Bình Định Vương Lê Lợi có thể đánh bại kẻ thù mạnh và đông gấp nhiều lần; mà trận thắng còn tạo dựng niềm tin cho Nhân dân vào phong trào đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.

Liên tục bị kẻ thù đàn áp, nghĩa quân Lê Lợi đã mấy lần phải rút lên núi Chí Linh rồi lại quay về Lam Sơn để củng cố lực lượng. Có thời điểm khi trở về căn cứ Lam Sơn, quân số chỉ còn trên dưới 100 người. Trong những thời điểm gian khổ nhất của cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân Lam Sơn đã dựa vào sự đùm bọc, giúp đỡ của Nhân dân các địa phương vùng rừng núi phía Tây Thanh Hóa để duy trì hoạt động.

Nhờ có nhà lãnh đạo tài ba, ba quân tướng sĩ đồng lòng và sự đoàn kết, giúp đỡ của Nhân dân, nghĩa quân đã vượt qua khó khăn và dần phát triển rộng khắp các vùng. Đến tháng 9 năm Giáp Thìn 1424, nghĩa quân Lam Sơn từ Thanh Hóa chuyển vào xây dựng căn cứ tại Nghệ An. So với các cuộc khởi nghĩa trước đó, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn diễn ra trên một phạm vi rộng lớn, thời gian hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là giai đoạn dài nhất, và cực kỳ gian khổ của nghĩa quân Lam Sơn. Song, đây lại là giai đoạn có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển và thắng lợi của cuộc khởi nghĩa.

Từ căn cứ địa ở Nghệ An, nghĩa quân đã dựa vào vị thế, nhân lực, tài lực nơi đây làm cơ sở, làm bàn đạp tiến quân ra Đông Đô. Tháng 8-1426, Lê Lợi cho một số tướng tiến ra Bắc, mở đầu chiến dịch vây thành Đông Quan. Giặc Minh ở thành Đông Quan phải đắp cao thành lũy để phòng ngự và gửi thư ứng cứu. Song mọi sự tiếp viện của quân Minh đều bị quân ta tiêu diệt, Vương Thông phải chịu giảng hòa. Với dấu mốc là Hội thề Đông Quan, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trải qua 10 năm chiến đấu ngoan cường đã giành toàn thắng vào năm 1428. Thắng lợi ấy đã chấm dứt ách đô hộ của giặc Minh, khôi phục lại nền độc lập cho dân tộc. Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Thuận Thiên, đặt nền móng vững chắc để đưa quốc gia Đại Việt bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ bậc nhất.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã khôi phục lại nền độc lập; đồng thời, đặt nền móng để mở ra “Muôn thuở nền thái bình vững chắc” - một giai đoạn phát triển rực rỡ bậc nhất cho quốc gia Đại Việt trong tiến trình dựng lịch sử dân tộc.

Nhóm PV thời sự

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu của các tác giả trong Kỷ yếu hội thảo khoa học Anh hùng dân tộc Lê Lợi và Nhân dân Thanh Hóa với khởi nghĩa Lam Sơn).

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/khoi-nghia-lam-son--dau-son-rang-ngoi-su-sach-bai-1-thang-loi-cua-suc-manh-chinh-nghia-suc-manh-nhan-dan/28863.htm