'Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc': Bài 2 - Hội thề Lũng Nhai - hội thề non sông

Hội thề Lũng Nhai được các nhà nghiên cứu đánh giá là một sự kiện trọng đại, đặt nền móng cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thế kỷ XV. Đó là lời thề non sông, là 'bệ đỡ tinh thần' để chủ tướng Lê Lợi cùng 18 nhân kiệt gắn bó và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đến ngày toàn thắng.

Đồi Bái Tranh, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân - vị trí được nhiều nhà nghiên cứu xác định là nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai. Ảnh tư liệu của Lê Đồng

Đồi Bái Tranh, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân - vị trí được nhiều nhà nghiên cứu xác định là nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai. Ảnh tư liệu của Lê Đồng

Dưới ách đô hộ tàn bạo của giặc Minh, trong những năm 1414, 1415, 1416, nhiều phong trào đấu tranh của Nhân dân ta đã nổ ra ở khắp các địa phương, song đều bị quân địch đàn áp. Trong khi phong trào đang tạm thời lắng xuống, thì ở vùng Lam Sơn, Lê Lợi lại khẩn trương chuẩn bị cho một cuộc nổi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sách “Lam Sơn thực lục” có đoạn: “Vua tuy gặp buổi rối loạn mà chí càng thêm bền, ẩn náu ở núi rừng, làm nghề cày cấy, lấy kinh sử làm vui, lại càng chuyên tâm vào sách lược thao. [Vua] hậu đãi tân khách, vời người trốn tránh, dùng người làm phản [quân Minh]; ngầm nuôi kẻ sĩ mưu trí, bỏ của phát thóc, giúp người cô bần; nhún lời hậu lễ để thu hào kiệt”. Công việc này tuy được triển khai hết sức kín đáo và cẩn trọng, nhưng vẫn không khỏi bị bọn Lương Nhữ Hốt phát hiện và báo cáo với quân Minh. Để bịt đầu mối, Lê Lợi “thường nhún lời hậu lễ, hay lấy vàng bạc của báu đút lót bọn tướng giặc là Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ để hòa hoãn cái lòng hãm hại [vua] của chúng, khiến cho vua có thể chờ thời đợi dịp”.

Như vậy, bên cạnh triệt để khai thác các nguồn lực sẵn có trong vùng Lam Sơn, Lê Lợi đã bước đầu mời được các mưu sĩ chiến lược, các anh hùng hào kiệt và cả những người có danh vọng, uy tín cao, đặc biệt là các bậc trí thức lớn “tri kỷ, tri bỉ” ở khắp mọi miền đất nước, để tham gia vào công cuộc chuẩn bị và xây dựng lực lượng. Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, thì “Nét độc đáo của khởi nghĩa Lam Sơn so với các cuộc khởi nghĩa chống Minh khác là có cả một quá trình chuẩn bị dầy công trước khởi nghĩa. Nhưng điều đặc biệt hơn cả lại chính là ngay từ trong quá trình âm thầm chuẩn bị lực lượng, Lê Lợi một mặt tìm mọi cách vận động, tập hợp, quy tụ các lực lượng ở ngoài vào quê hương Lam Sơn; mặt khác vẫn tranh thủ cơ hội tỏa rộng ảnh hưởng và gây dựng lực lượng ở nhiều vùng trong nước, nhất là những vùng có vị trí trọng yếu”.

Cũng chính sự chuẩn bị chu toàn về mọi mặt của Lê Lợi là cơ sở để năm 1416 diễn ra một sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt, tạo nền tảng căn bản để cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ và giành toàn thắng sau 10 năm chiến đấu ngoan cường: Hội thề Lũng Nhai. Cũng theo quan điểm của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc và một số nhà nghiên cứu, thì trong khu vực hương Lam Sơn, làng Lũng Nhai (tức làng Mé, nay thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, cách Lam Sơn khoảng 10km về phía Tây) là địa điểm kín đáo, nằm sâu trong núi rừng, lại có sông Âm và sông Chu che chở. Tại đây, vào một buổi sáng ngày đầu tháng 2 năm Bính Thân 1416, Lê Lợi cùng 18 vị nhân kiệt gồm Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Nhân Chú (tức Lưu Nhân Chú), Lê Bồi, Lê Lý (tức Nguyễn Lý), Đinh Lan, Trương Chiến, đã cùng tổ chức hội thề.

Nội dung văn thề khẳng định quyết tâm đánh giặc cứu nước của chủ tướng Lê Lợi cùng 18 người đồng chí và tất cả những người tham gia chứng kiến hội thề. Họ đã cùng nhau “kính đem lễ vật, sinh huyết tấu cáo cùng Hạo thiên Thượng đế, Hậu thổ Hoàng địa và các tôn linh thần bậc thượng, trung, hạ coi sông núi các xứ nước ta”. Vì “[có kẻ] băng đảng xâm chiếm nước ta, qua cửa quan làm hại, nên Lê Lợi cùng Lê Lai đến Trương Chiến, 19 người chung sức đồng lòng, giữ gìn đất nước làm cho xóm làng được ăn ở yên lành. Thề sống chết cùng nhau, không dám quên lời thề son sắt”. Theo nhiều nhận định, thì tuy quy mô không rộng lớn, địa điểm xa xôi, nhưng nội dung và phạm vi thề nguyện của Lê Lợi và 18 hào kiệt đã phản ánh, Hội thề Lũng Nhai thực sự là một hội thề có tính chất quốc gia, dân tộc, tương tự như Hội thề Sông Hát được Hai Bà Trưng tổ chức vào mùa Xuân năm Canh Tý (năm 40 SCN).

Cũng theo các học giả, thì Hội thề Lũng Nhai đã chính thức xác lập đường hướng phát triển cuộc khởi nghĩa, hình thành bộ tham mưu đầu tiên, thúc đẩy nhanh hơn công cuộc chuẩn bị lực lượng, xây dựng căn cứ địa và phát động khởi nghĩa toàn dân tại núi rừng Lam Sơn. Tuy lực lượng vừa mới được tập hợp còn rất nhỏ nhoi (nếu so với lực lượng quân Minh lúc bấy giờ), song nghĩa quân Lam Sơn từ những bước đi đầu tiên đã mang tính chất của một đội quân dân tộc, yêu nước tha thiết, gắn bó máu thịt và khơi nguồn sức mạnh từ Nhân dân. Cuộc khởi nghĩa ấy có chủ tướng kiệt xuất và bộ tham mưu tài ba đủ sức dẫn dắt cuộc khởi nghĩa vượt qua các cuộc tấn công vây quét ráo riết của quân Minh và từng bước mở rộng ảnh hưởng. Đồng thời, hình thái phát triển của khởi nghĩa Lam Sơn là từ một cuộc khởi nghĩa nổ ra ở miền núi rừng Thanh Hóa, thành phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên quy mô toàn quốc. Trong đó, sự kiện tiến quân vào Nghệ An hiểm địa, đất rộng, người đông vào cuối năm 1424 phải được coi là một bước ngoặt căn bản. Song, bước ngoặt này không phải là sự tình cờ, cũng không phải là một duyên may, mà nó là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị lâu dài, theo định hướng một cuộc khởi nghĩa toàn dân và được khẳng định bằng chính Hội thề Lũng Nhai diễn ra từ năm 1416.

Trong quan niệm của người xưa, việc minh thệ (hay hội thề) trước sự chứng giám của thần linh và việc “uống huyết”, “bẻ tên” là hành động có tính chất hết sức thiêng liêng. Bởi đó là hành động dựa trên cơ sở của chữ “Tín”, nghĩa là người xưa đề cao sự tin tưởng giữa người với người, đề cao những người không sai lời hẹn ước. Người luôn giữ chữ tín là người mang phẩm giá của bậc quân tử. Lấy chữ tín hay sự tin tưởng tuyệt đối vào phẩm giá của bậc quân tử làm cơ sở để tổ chức hội thề, nhằm đạt được mục tiêu, mục đích hay khát vọng, lý tưởng chung. Do đó, nhiều hội thề trong lịch sử là sự kiện mang tầm vóc, ý nghĩa hết sức trọng đại không chỉ đối với sinh mệnh của mỗi cá nhân tham gia, mà còn có tác động sâu sắc đến các vấn đề chính trị đương thời. Theo PGS. TS Nguyễn Minh Tường, thì Hội thề Lũng Nhai là sự tiếp nối truyền thống từ “Lời thề của Hai Bà Trưng” trước đó 15 thế kỷ. Trước núi sông và các đấng thần linh của đất Việt, họ nguyện đoàn kết, thương yêu nhau như anh em một nhà, trung thành với sự nghiệp đánh giặc cứu nước. Lời thề Lũng Nhai là lời thề non nước. Lời thề ấy có thể coi như bệ đỡ tinh thần để chủ tướng Lê Lợi và 18 vị nhân kiệt đi hết được chặng đường 10 năm gian nan, khổ cực, làm nên chiến thắng Đông Quan oai hùng vào cuối năm 1427. Đặc biệt, Hội thề Lũng Nhai vào đầu năm 1416 cũng là tiền đề, là nguyên nhân để 10 năm sau, một cuộc hội thề khác là hệ quả của nó, được tổ chức giữa nghĩa quân Lam Sơn – với vị thế của những người chiến thắng, với quân đội nhà Minh - những kẻ bại trận: Hội thề Đông Quan. Hội thề Lũng Nhai nói riêng và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nói chung, là những sự kiện anh hùng nhất, đáng tự hào nhất, là những trang sử vàng chói lọi trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam!

Bài 3: Bình Định Vương Lê Lợi - lãnh tụ thiên tài của khởi nghĩa Lam Sơn.

Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/bai-2-hoi-the-lung-nhai-hoi-the-non-song/167431.htm